Hành trình hóa 'kỳ lân' của tựa game Việt Axie Infinity
Cơn sốt game Play-to-Earn (P2E) có lẽ sẽ không thu hút sự chú ý đến thế nếu không có câu chuyện của Axie Infinity.
Tuần qua, Sky Mavis, nhà phát triển game Axie Infinity gọi vốn thành công 152 triệu USD từ quỹ đầu tư Andreessen Horowitz, với định giá công ty 3 tỷ USD. Công ty này cũng cho biết game đạt hơn 2 triệu người chơi, trong đó có 38.000 người tham gia hàng ngày.
Với khối lượng giao dịch NFT đạt mốc 2,2 tỷ USD, Axie Infinity đã trở thành dự án NFT giao dịch nhiều nhất thế giới.
Vụt sáng nhờ yếu tố “kiếm tiền”
Dù bùng nổ từ cuối năm 2020, ít người biết rằng Axie Infinity được phát hành lần đầu tiên vào tháng 3/2018. Khi đó, NFT vẫn chưa là “cơn sốt” càn quét thị trường toàn thế giới, các game xây dựng trên blockchain (hay blockchain game) vẫn là những tựa game đơn giản, cách chơi không quá đặc sắc, chẳng hạn như trò nuôi mèo ảo CryptoKitties.
So với game truyền thống, Axie Infinity hay thậm chí toàn bộ ngành game blockchain vẫn còn quá non trẻ. Trong đó, điểm mạnh nhất của những game đình đám thường là câu chuyện và gameplay (cơ chế chơi game), sau đó là yếu tố đồ họa, âm thanh. Những game dựa trên blockchain thường ít đạt được những yếu tố này.
Thay vào đó, loại game này thu hút người dùng nhờ yếu tố “kiếm tiền”. Hành trình thành công của Axie Infinity ở Philippines chính là minh chứng rõ nét nhất.
Axie Infinity là trò chơi giao dịch và chiến đấu, cho phép người chơi thu thập, lai tạo, nuôi dưỡng, chiến đấu và buôn bán các sinh vật được gọi là "Axie". Điểm đặc biệt là những sinh vật này đã được số hóa dưới dạng NFT (token không thể thay thế trên nền tảng blockchain).
Khi đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, nhiều người thất nghiệp và lâm vào cảnh nợ nần. Có thời gian rảnh và muốn tìm cách kiếm thêm thu nhập, người dân Philippines nhanh chóng tìm đến Axie.
Vào tháng 5, CNBC đăng tải bài viết với tựa đề “Người dân Philippines chơi game kiếm tiền mã hóa trong thời kỳ dịch bệnh”, miêu tả cách người dân ở thành phố Cabanatuan phía bắc Manila vượt qua những khó khăn của Covid-19 nhờ chơi Axie.
“Quan trọng là chúng tôi có tiền để mua thức ăn, trả nợ và trang trải cuộc sống hàng ngày. Axie Infinity giúp tôi thanh toán hóa đơn và các khoản nợ. Tôi rất biết ơn Axie đã giúp chúng tôi được phần nào", một bà mẹ 3 con chia sẻ trong bài viết của CNBC.
Người chơi sẽ kiếm được đồng tiền mã hóa Small Love Potion (SLP) khi chơi Axie. Ngoài SLP, tựa game này còn có một đồng tiền mã hóa khác là Axie Infinity Shards (AXS) nhằm giúp người sở hữu đóng góp vào việc quản trị và phát triển game trong tương lai. Theo Coinmarketcap, giá AXS đã có lúc tăng đến mức cao nhất là 155 USD/token. SLP ghi nhận mức giá cao nhất là 0,42 USD.
Một số người chơi thành công đặc biệt như John Aaron Ramos, thanh niên 22 tuổi người Philippines thậm chí đã mua được 2 căn nhà nhờ vào nguồn thu nhập từ Axie. Những câu chuyện này khiến ngày càng nhiều người quan tâm đến Axie Infinity, và tựa game này cũng trở thành ví dụ để nhiều công ty khác học theo.
Tìm kiếm những cơ hội mới
Hiệu ứng lan truyền đã đưa cái tên Axie Infinity len lỏi khắp đất nước Philippines, và dần càn quét thị trường game toàn cầu.
Theo dữ liệu từ CryptoSlam, doanh thu của tựa game này đạt mốc cao nhất vào tháng 8 năm nay, đạt hơn 848 triệu USD. Tính đến những ngày đầu tháng 10, doanh thu mọi thời đại của Axie đã vượt ngưỡng 2,3 tỷ USD.
Nếu xét theo vốn hóa thị trường, Axie Infinity hiện xếp thứ 5 trong top những công ty video game giá trị nhất thế giới. Theo công ty nghiên cứu thị trường Messari, vốn hóa pha loãng (vốn hóa của toàn bộ tổng cung token) của Axie vào đầu tháng 10 đạt gần 30 tỷ USD, đứng trên cả Ubisoft - công ty sở hữu những tựa game hàng đầu như Rayman, Assassin's Creed, Beyond Good & Evil hay Prince of Persia.
Tuy nhiên, mức giá tăng quá cao của đồng AXS trong game cũng tạo ra rào cản nhất định. Tại sự kiện Token2049 ở London, Aleksander Leonard Larsen, đồng sáng lập Sky Mavis thừa nhận người mới sẽ rất khó tham gia chơi Axie Infinity vào lúc này. Để bắt đầu, họ phải bỏ khoảng trên 1.000 USD để mua 3 Axie mới đủ điều kiện chơi game.
Bên cạnh đó, giá của SLP giảm sâu do nguồn cung vô tận của loại coin này, dẫn đến tình trạng lạm phát. Đồng thời, nhiều người dùng "cày" được một số lượng lớn token, họ bán tháo và chốt lời khiến giá của đồng tiền này giảm mạnh.
Sky Mavis đã thay đổi cơ chế của game, tăng phí nhân giống thú cưng bằng đồng SLP nhằm giảm tình trạng lạm phát.
Đội ngũ Sky Mavis cũng đang tìm kiếm những hướng đi mới để giúp người dùng tiếp tục kiếm tiền cùng Axie Infinity. Ngày 30/9, công ty này công bố cơ chế staking cho AXS. Cụ thể, người dùng sở hữu AXS có thể khóa token của mình lại, không giao dịch, không di chuyển để nhận thêm phần thưởng là AXS. Hiện tại, tỷ suất lợi nhuận (hay APR) của việc staking AXS là 156%/năm.
Cùng với đó, Axie tuyên bố airdrop (tặng thưởng) cho những ai đã chơi game từ trước ngày 26/10/2020, với tổng giá trị hơn 800.000 AXS. Đây là cách mà tựa game này “tri ân” người dùng thuở ban đầu của mình.
Bên cạnh đó, Giám đốc Phát triển Jeff Zirlin của Sky Mavis cũng để ngỏ khả năng ra mắt một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) trong tương lai. “Người chơi mong muốn mua và sử dụng token từ cùng một nền tảng, chứ không phải sử dụng nhiều cầu nối như hiện nay,” Jeff Zirlin trả lời phỏng vấn của The Block.
Với nhiều kế hoạch trong tương lai, khoản đầu tư 152 triệu USD vào Sky Mavis sẽ là rất quan trọng để tựa game Axie Infinity tiếp tục phát triển trong thời gian tới.