Hành trình hồi hương của những thước phim về Ngày độc lập 2/9/1945

Mỗi năm đến ngày Quốc khánh 2/9 nhân dân ta được xem lại những thước phim tư liệu về hình ảnh Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngay tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là những thước phim quý giá về ngày lịch sử trọng đại của dân tộc.

NSND Nguyễn Như Vũ, hiện là Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Việt Nam đã hé lộ nhiều thông tin xung quanh câu chuyện này.

1. Những thước phim đen trắng làm người xem xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường… Giọng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió trong giờ phút khai sinh ra nước Việt Nam độc lập đã trở thành bất tử. Đoạn phim với những lời lẽ thuyết phục, hùng hồn đã in sâu vào tâm trí người Việt Nam suốt mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những thước phim đó là cả một câu chuyện dài...

Những hình ảnh vô giá trong phim Ngày độc lập 2-9-1945.

Chúng ta đã được đọc rất nhiều tư liệu, được xem rất nhiều hình ảnh, được nghe cũng không ít câu chuyện về Ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 nhưng những thước phim tư liệu quý giá này, phải đến cuối năm 1974 mới được tìm thấy. Đúng 30 năm sau ngày lễ thiêng liêng diễn ra trên Quảng trường Ba Đình, đánh dấu ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Việt Nam mới lần đầu tiên được tiếp cận một bộ phim tài liệu với những thời khắc lịch sử chân thật và xúc động nhất.

Trong phóng sự mang tên “Đi tìm những tác giả của bộ phim “Ngày độc lập 2/9/1945”, NSND Nguyễn Như Vũ, hiện là Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Việt Nam đã hé lộ nhiều thông tin. Theo NSND Nguyễn Như Vũ, bộ phim “Ngày độc lập 2/9/1945” được thực hiện bởi nhóm nhà làm phim gồm: đạo diễn Phạm Kỳ Nam; biên kịch, nhà báo Hồng Hà và cha ông - nhà quay phim Nguyễn Như Ái.

Thời điểm ông làm bộ phim này thì chỉ duy nhất nhà báo Hồng Hà còn sống. Theo những thông tin nhà báo Hồng Hà cung cấp thì năm 1974, nhà báo Hồng Hà cùng đạo diễn Phạm Kỳ Nam và nhà quay phim Nguyễn Như Ái được giao nhiệm vụ sang Tây Âu thực hiện bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”. Trước khi đi, đoàn vào thăm khu Nhà sàn Bác Hồ. Tại đây, đồng chí Trường Chinh đã giao nhiệm vụ “Đi tìm những thước phim tài liệu quay về ngày 2/9/1945 ở Hà Nội. Nếu may ra mà tìm được, phải mua bao nhiêu tiền thì Đảng và Nhà nước cũng sẽ cấp đủ tiền để đoàn làm phim mua bằng được!”.

NSND Nguyễn Như Vũ - Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Việt Nam.

2. Đoàn làm phim đã đến nhiều nước Tây Âu, tìm toàn bộ những thông tin, tư liệu và hình ảnh về Bác Hồ, Việt Nam và Đông Dương. Đặc biệt, khi sang Pháp, đoàn đã lục tìm trong các kho lưu trữ của các hãng phim lớn như Gaumont, Pathe… kể cả kho tư liệu lưu trữ phim của quân đội Pháp, đoàn còn tìm gặp các đạo diễn nổi tiếng của Pháp nhưng những tư liệu quý về ngày độc lập 2/9/1945 vẫn không tìm thấy.

Sau đó, đoàn đã gặp đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens để nhờ giúp đỡ. Đạo diễn Joris Ivens lúc đó cho biết ông cũng không có tư liệu mà đoàn làm phim cần. Nhưng một tuần sau, đạo diễn Joris Ivens đã gọi điện cho đoàn làm phim cho biết có một người bạn của ông còn lưu trữ nhiều tư liệu phim về Đông Dương. Đoàn làm phim đã tìm đến người bạn giấu tên này. “Khi chúng tôi đến, chủ nhà dẫn xuống kho lưu trữ phim ở tầng hầm. Ông chủ nhà soạn ra và nói rằng tặng cho đoàn 3 hộp phim về Đông Dương, ông cũng nói thêm không biết rằng có đoạn phim các ông cần không” - NSND Nguyễn Như Vũ chia sẻ lại câu chuyện của nhà báo Hồng Hà.

Đoàn quay phim đưa bản dựng xem ngay, trong 3 hộp có 2 hộp phim còn khô xem trước nhưng nội dung không có liên quan gì đến ngày 2/9. Hộp thứ 3 bị gỉ một góc, mở ra xem thì đoạn đầu của cuộn phim đã bị mục, nhiều đoạn bị chảy nước nên phải cắt bỏ các đoạn hỏng.

Cuối cùng lấy đoạn khô còn lại đưa lên bàn dựng xem. “Khi xem cảnh đầu tiên thì thấy một số cảnh Hà Nội, tiếp đến là cảnh đám đông nhân dân cầm biểu ngữ mừng Ngày Độc lập, tiếp đó là cảnh đoàn xe đi vào Quảng trường có cảnh sát đi xe đạp hộ tống 2 bên. Rồi bất ngờ xuất hiện hình ảnh Bác Hồ trên lễ đài, đúng là Bác Hồ đây rồi. Đúng là cảnh ngày 2/9 đây rồi, đúng là những thước phim mà chúng tôi tìm suốt mấy tháng ở Paris. Sau khi xem xong, chúng tôi ôm nhau rớm lệ vì xúc động, sung sướng đến tột độ” – nhà báo Hồng Hà hồi tưởng.

Nhóm tác giả đạo diễn Phạm Kỳ Nam, nhà báo Hồng Hà, nhà quay phim Nguyễn Như Ái là những người đưa thước phim về Ngày độc lập 2/9/1945 về Việt Nam.

3. Đầu năm 1975, trải qua gần 30 năm lưu lạc, những thước phim đánh dấu sự kiện lịch sử của cả dân tộc đã quay trở lại với quê hương. Xưởng phim Tài liệu Trung ương được lệnh gấp rút sản xuất bộ phim tài liệu “Ngày độc lập 2/9/1945” để chiếu trong dịp 30 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

NSND Nguyễn Như Vũ chia sẻ: Vì các cảnh quay về Ngày Độc lập rất ít nên cha ông là nhà quay phim Nguyễn Như Ái đã phải quay bổ sung một số cảnh như: Khu Di tích 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, cảnh lá cờ tung bay trong gió được quay trên nóc Sân vận động Hà Nội… đồng thời đi đến nhiều nơi tìm cảnh đẹp trên khắp đất nước để ghép vào bộ phim.

Nhóm làm phim cũng bỏ ra hàng tháng trời lục trong kho tư liệu để có những cảnh thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm chiếm đô hộ nước ta. Để kéo dài đoạn phim sang hai cuốn, nhóm làm phim đã phối hợp với nhà quay phim kỹ xảo Nguyễn Kim Khánh phóng to các hình ảnh đã có, từ một cảnh phóng ra 4 cảnh (bao gồm hình ảnh toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh và cảnh lật ngược) để dựng phim.

Sau 3 tháng nỗ lực làm việc, bộ phim tài liệu dài 18 phút đã được hoàn thành. Ngày 2/9/1975, nhân dân cả nước đã được xem những thước phim thiêng liêng về ngày lễ trọng đại của dân tộc, ghi nhận thành quả của những ngày tháng kháng chiến trường kỳ với máu và nước mắt.

Đoàn làm phim đã gặp đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens, người đã kết nối đến một người bạn bí mật lưu giữ những cuốn phim quý giá về Ngày

4. Về câu hỏi “Ai là người đã bí mật quay những thước phim quý giá ấy?” NSND Nguyễn Như Vũ đã thu thập các thông tin từ cha mình là ông Nguyễn Như Ái, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và nhà báo Hồng Hà… Tuy nhiên nhóm tác giả cũng cho biết chưa tìm được. Nhóm tác giả cũng tìm hiểu thông tin từ ông Nguyễn Hữu Đang - người được giao trọng trách Trưởng ban Tổ chức ngày Lễ Độc lập nhưng cũng chỉ có một số giả thuyết.

Ông Nguyễn Hữu Đang đã từng cho biết: “Tôi chỉ có thể đoán theo hai khả năng, mà cũng chưa dám nghiêng hẳn về phía nào: Một là hiệu Hương Ký quay, hai là phái đoàn Patty (Mỹ) quay. Hiện chưa có đủ chứng cứ để khẳng định dứt khoát.

Một giả thuyết nữa là thông tin Chủ hiệu Hương Ký - hiệu ảnh lớn nhất được trang bị máy quay lúc bấy giờ là người được giao nhiệm vụ quay lại buổi lễ nhưng một tuần lễ sau Ngày Độc lập, ông Hương Ký cho biết không quay được vì máy trục trặc. Nhưng chỉ ít ngày sau, thì Hương Ký theo Quốc dân đảng. Tôi đoán có thể ông chủ hiệu Hương Ký không thật lòng, không quay phim, rồi đổ lỗi cho máy, hoặc cũng có khả năng, ông ta cho quay nhưng lại không bàn giao phim cho Ban tổ chức. Và gần 30 năm sau, những thước phim có số phận đặc biệt này đã tìm được đường quay lại với đất nước”.

Cho đến nay, 74 năm đã trôi qua, những người liên quan đến bộ phim đều đã trở thành người thiên cổ. Vì vậy câu hỏi: “Ai là người thực hiện những cảnh quay quý giá bậc nhất về Ngày Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, cho đến nay vẫn không thể có câu trả lời chính xác. Chỉ có thể khẳng định rằng, cho dù có những bí mật cùng 29 năm lưu lạc, những thước phim tư liệu đó cũng đã tìm được đường về với đất nước. Đó là hồng phúc vô cùng lớn của dân tộc Việt Nam.

Minh Khuê

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hanh-trinh-hoi-huong-cua-nhung-thuoc-phim-ve-ngay-doc-lap-2-9-1945-post67269.html