Hành trình hồi hương những bảo vật lưu lạc hơn nửa thế kỷ của Campuchia
Một trong những vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất lịch sử thế giới là ở Campuchia cách đây gần 1 thế kỷ. Hàng nghìn hiện vật linh thiêng từ các địa điểm tôn giáo trên khắp đất nước chùa tháp đã bị cướp bóc, bán ra nước ngoài, phần lớn qua đường dây của một người Anh tên là Douglas Latchford. Chính phủ Campuchia đã mất 10 năm truy tìm và giờ họ muốn đưa các di sản lưu lạc trở về.
Tại di sản thế giới Angkor Wat - niềm tự hào về quá khứ của người Campuchia - dấu vết của nạn cướp bóc vẫn còn. Nhiều bức tượng bị chặt đầu, những chiếc bệ đánh dấu nơi đặt một số bức tượng chỉ còn lại đôi chân. Đối với người Campuchia, những bức tượng này không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là những vị thần thiêng liêng, là linh hồn tổ tiên của họ. Nhưng Brad Gordon - một luật sư người Mỹ đã có 10 năm làm việc cho Chính phủ Campuchia để truy tìm các kho báu, cho biết: “Điều đầu tiên mà kẻ trộm quan tâm là đầu tượng, sau đó chúng có thể quay lại để lấy phần thân. Những bức tượng bị chặt đứt vì đó là cách dễ nhất để đưa ra khỏi bệ”.
Không xa Angkor Wat có một nhà kho được bảo vệ chặt chẽ, nơi đang lưu giữ hơn 6.000 tác phẩm từ các ngôi đền trên khắp đất nước. Các tác phẩm đều được tạo tác từ đôi tay của các nghệ nhân đế quốc Khmer cổ đại. Đó là những gì may mắn còn gìn giữ được sau cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ khiến khoảng 2 triệu người (gần 1/4 dân số Campuchia) bị chết. Khmer Đỏ mất quyền lực vào năm 1979, nhưng giao tranh và bất ổn vẫn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ khiến các ngôi chùa ở Campuchia không được bảo vệ và trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ buôn bán đồ cổ như Douglas Latchford.
Ông trùm đồ cổ Douglas Latchford là ai?
“Có thể nói đó là kẻ chủ mưu đằng sau vụ cướp tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử, xét về quy mô và vô số địa điểm phạm tội cũng như số lượng khổng lồ các bức tượng đã bị đánh cắp” - luật sư Brad Gordon nói. Latchford sống ở Thái Lan, là một doanh nhân người Anh bí ẩn. Ông ta bắt đầu sưu tập từ những năm 1960. Nhân vật này có 2 tình yêu lớn, đó là đồ cổ Campuchia và môn thể hình Thái Lan. Ông ta đã tài trợ cho cuộc thi thể hình lớn nhất Bangkok mang tên Latchford Classic. “Latchford cực kỳ lươn lẹo, thậm chí rất tàn nhẫn. Tất cả những điều đó được che giấu đằng sau vẻ ngoài quyến rũ lạ thường” - ông Brad Gordon cho biết.
Latchford tự xây dựng danh tiếng là một học giả và người bảo vệ nền văn hóa Campuchia - thứ danh tiếng mà ông đánh bóng bằng cách tặng các tác phẩm điêu khắc cho Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (New York) và các tổ chức uy tín khác. Ông ta cũng đã xuất bản 3 cuốn sách về cổ vật điển hình của Campuchia. Hóa ra, phần nhiều trong số đó là Latchford đã đánh cắp và chính những cuốn sách này được sử dụng làm danh mục bán hàng. Nhân vật này cũng hiểu tâm lý của những người sưu tập là nếu họ nhìn thấy thứ gì đó trong một cuốn sách đẹp, họ sẽ nghĩ nó là hợp pháp.
Tuy nhiên, những cuốn sách đó cũng là hướng dẫn vô giá cho Brad Gordon và nhóm của ông, giúp họ biên soạn cơ sở dữ liệu về hàng nghìn hiện vật bị mất tích. Họ không biết đến sự tồn tại của nhiều cổ vật cho đến khi Latchford công bố sách ảnh.
Phát hiện mắt xích quan trọng
Năm 2012, nhóm của luật sư Gordon đã có cơ hội lớn khi gặp một thủ lĩnh băng trộm đồ cổ có tên là Toek Tik. “Tôi đã nghe nhiều người nói anh ta là kẻ giỏi nhất và rất đáng sợ. Đáng sợ vì sao? Vì anh ta đã giết rất nhiều người” - ông Gordon nói. Hóa ra Toek Tik đã có hàng chục năm cung cấp cho Douglas Latchford hàng nghìn báu vật. Anh ta cũng rất ngạc nhiên khi gặp lại chúng trong sách của Latchford.
Vì cảm thấy hối hận về những điều mình đã làm, Toek Tik muốn chuộc lỗi. Anh ta trở thành nguồn tin bí mật quan trọng cho nhóm của luật sư Gordon. Họ đặt cho người này mật danh là Lion, theo anh ta đến hàng chục ngôi đền đã bị cướp bóc. Điều đáng kinh ngạc là Lion có trí nhớ rất tốt, anh ta nhớ kích thước của mọi thứ, dùng cánh tay của mình để ước lượng chiều dài các bức tượng. Anh ta cũng kể về việc cả nhóm mất hàng tuần cướp phá tại những ngôi đền xa xôi như thế nào. Bọn họ sử dụng xẻng, đục, máy dò kim loại, thậm chí cả thuốc nổ để tìm và đào kho báu. Hàng chục người đàn ông đã nâng những bức tượng đá nặng lên xe bò trước khi vận chuyển sang biên giới Thái Lan và đến tay Douglas Latchford. Lion chưa bao giờ gặp Latchford, nhưng anh ta sẽ gửi cho “ông chủ” những bức ảnh chụp hiện vật để có thể lựa chọn. Lion qua đời năm 2021, nhưng những bí mật mà người này tiết lộ vẫn góp phần đưa các kiệt tác đã lưu lạc từ lâu trở lại Campuchia.
Năm 2011, tượng Koh Ker (chiến binh sa thạch nặng 225kg) xuất hiện trong danh mục đấu giá của Sotheby's đã đưa Douglas Latchford vào tầm ngắm của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Bàn chân của bức tượng đã bị mất và mức giá ước tính khoảng 2 - 3 triệu USD. Khi cổ vật vừa xuất hiện, một số nhà khảo cổ đã ngay lập tức nhận ra nguồn gốc của nó là từ một ngôi đền ở Campuchia.
Trước khi nghỉ hưu vào tháng 9 năm ngoái, ông J.P. Labbat là đặc vụ của Đơn vị điều tra về tài sản văn hóa, nghệ thuật và cổ vật (thuộc Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ). Ông Labbat kể, một nhóm luật sư của New York đã tới Campuchia để kiểm tra địa điểm nơi bức tượng bị dỡ bỏ. Phần đế vẫn ở đó cùng với đôi chân và họ đã ghép chúng với bức tượng. Cuối cùng, sau nhiều năm tranh cãi về mặt pháp lý, Sotheby's đã đồng ý gửi bức tượng chiến binh này trở lại Campuchia. Trong quá trình đó, các nhà điều tra đã lần theo dấu vết của người mua ban đầu là Douglas Latchford…
“Các vị thần muốn về nhà”
Theo lời đặc vụ Labbat, đơn vị của ông đã truy cập vào một số email của Latchford và khám phá ra những câu chuyện về cách thức ông ta có được các mảnh hiện vật, sau đó làm sạch, sửa chữa rồi lắp ráp lại. Năm 2019, Latchford bị chính quyền Mỹ truy tố vì tội buôn lậu, âm mưu lừa đảo và các tội danh khác, nhưng ông ta đã chết trước khi bị đưa ra xét xử.
Luật sư Gordon sau đó đã thuyết phục gia đình Latchford trả lại bộ sưu tập kho báu bị đánh cắp vào năm 2021. Như vậy, phải mất hơn 10 năm, nhóm điều tra người Campuchia do luật sư người Mỹ Brad Gordon dẫn đầu mới lật lại được vụ trộm hàng nghìn bức tượng và di vật cổ của Latchford. Nhưng nhiều kho báu vĩ đại của Campuchia vẫn còn ở ngoài kia, ẩn giấu trong biệt thự của các triệu phú hoặc tỷ phú… và nơi dễ thấy nhất là tại một số bảo tàng uy tín trên thế giới. Trong số đó, ít nhất 18 hiện vật đã cập bến Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập cổ vật Campuchia quan trọng nhất thế giới. Vào tháng 9-2023, các công tố viên liên bang thông báo rằng, bảo tàng sẽ trả lại 13 cổ vật được chuyển từ nhà sưu tập Douglas Latchford.
Ngoài ra, trong số những bức tượng nổi tiếng nhất ở địa danh Koh Ker đã qua tay Latchford có tới 9 chiến binh đá từng được xếp cùng nhau trong một cảnh chiến đấu. Tới nay, 7 bức đã được trả lại cho Bảo tàng quốc gia Campuchia. Trong số 2 bức còn lại có bức nằm trong bộ sưu tập của cố tỷ phú George Lindemann và vợ ông là bà Frayda ở Palm Beach. Vợ chồng ông Lindemann đã chi khoảng 20 triệu USD để xây dựng bộ sưu tập với sự giúp đỡ của Latchford.
Tháng 9 vừa qua, gia đình Lindemann đã đạt được thỏa thuận với chính quyền liên bang về việc tự nguyện đồng ý trả lại 33 báu vật bị đánh cắp. Theo chuyên gia Labatt, lý do tỷ phú này trả lại vì cuối cùng họ cũng nhận ra sự thật là Latchford đã “làm bẩn” bộ sưu tập của họ. Tất cả đều là cổ vật bị cướp phá. Tuy nhiên, nếu nhà Lindemann không đăng bộ sưu tập của họ trên tạp chí Architectural Digest vào năm 2008, rất có thể nhóm đấu tranh cho cổ vật Campuchia sẽ không bao giờ phát hiện được. “Nhưng chúng tôi luôn cảm thấy như các vị thần đã lên tiếng, rằng họ muốn về nhà” - luật sư Brad Gordon nói. Bộ sưu tập đang nằm trong một nhà kho ở ngoại ô New York và đang chờ để đưa về nước sau ít nhất hơn 50 năm lưu lạc.
Theo CBS News