Hành trình khám nghiệm hiện trường trên đỉnh Pù Mát
Ngày 1/8/2019, cơ quan chức năng nhận được tin báo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát về việc có khoảng 99 cây gỗ các loại gồm Dổi, Sú, Táu... đã bị đốn hạ nằm rải rác tại 5 tiểu khu (Tiểu khu 833, 836a, 825, 832 và 834) trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc địa phận xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát: Trên cơ sở số liệu của nhóm tuần tra rừng, ngày 23/6/2019, Hạt Kiểm lâm đã tổng hợp số liệu báo cáo nhanh về tình hình khai thác trái phép tại địa bàn các tiểu khu 833, 836A, 825, 832, 834 thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia quản lý nằm trên địa bàn hành chính xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Cụ thể đã phát hiện: 54 tấm gỗ Giổi đã xẻ thành phiến và 99 cây gỗ các loại, trong đó có 3 cây Giổi đã xẻ ra 54 tấm gỗ trên, 96 cây còn lại đều nằm rải rác tại hiện trường của 5 tiểu khu (Tiểu khu 833 có 52 cây, Tiểu khu 836A có 9 cây, Tiểu khu 825 có 33 cây, Tiểu khu 832 có 1 cây, Tiểu khu 834 có 1 cây) có đường kính từ 25 - 100cm.
Theo nắm bắt thông tin sơ bộ từ nhân dân thì 54 tấm gỗ Giổi khai thác đã rất lâu (gỗ đã có hiện tượng khô, mục), mới được tập kết về 1 chỗ để chờ mưa lũ vận chuyển qua Khe Tàng ra Khe Khặng, số gỗ Giổi xẻ là do các đối tượng sinh sống tại xã Môn Sơn chặt hạ và xẻ thành tấm chờ cơ hội để vận chuyển, nhưng do Kiểm lâm Pù Mát trong thời gian qua kiểm tra, kiểm soát chặt nên đối tượng không thể vận chuyển được. Số gỗ tròn còn lại (96 cây), chủ yếu bị người dân cư trú tại bản Búng và bản Cò Phạt chặt hạ để lấy phong lan, phần lớn gỗ còn nằm tại hiện trường. Thời gian chặt hạ số cây này trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2019. Trong số 96 cây còn lại có 33 cây tại Tiểu khu 825 nghi ngờ do hai đối tượng là Lê Văn Bốn và Lê Văn Sáu (Bốn Hạnh và Sáu Hạnh) ở bản Búng chặt hạ, số còn lại đơn vị đang tiếp tục xác minh.
Sau khi nhận được báo cáo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát, xác định đây là vụ án nghiêm trọng về “khai thác rừng trái phép” xảy ra trong vùng cấm đặc biệt của Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi nằm giáp ranh đường biên giới Việt Nam - Lào. Sau cuộc họp hồi 13 giờ 30 phút ngày 6/8/2019, lãnh đạo liên ngành, gồm: Công an, Kiểm Lâm, Bộ đội Biên phòng, Hạt Kiểm lâm, Viện Kiểm sát đã thành lập đoàn khám nghiệm hiện trường, gồm các đồng chí: Đậu Anh Thắng - Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Công an huyện Con Cuông làm Trưởng đoàn và các thành viên gồm: đồng chí Trần Duy Tiệp - Điều tra viên, Công an tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Cương - cán bộ kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An, đồng chí Lương Tiến Công - Điều tra viên Công an huyện, đồng chí Nguyễn Đức Cường - cán bộ kỹ thuật hình sự Công an huyện, đồng chí Nguyễn Diên Quang - cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát, đồng chí Lương Văn Dũng - cán bộ Đồn biên phòng Môn Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện, đồng chí Vương Quốc Khánh và đồng chí Võ Trọng Thắng - Kiểm sát viên Viện Kiểm sát huyện Con Cuông.
Chúng tôi được thông báo có một giờ để chuẩn bị tư trang và các vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Hiện trường vụ án lần này được xác định nằm sâu trong rừng rậm nên việc thu thập các dấu vết, vật chứng không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và ý thức với nhiệm vụ được giao, đúng 15 giờ 10 phút cùng ngày 6/8/2019, Đoàn khám nghiệm đã tập trung đầy đủ tại trụ sở Công an huyện Con Cuông và xuất phát lên đường.
Ngày thứ nhất, đoàn chúng tôi lội ngược dòng sông Giăng, mùa này đang đầu mùa mưa, nước sông bắt đầu dâng cao và phải lội trên những hòn đá rêu phong trơn như đổ mỡ khiến nhiều thành viên trong đoàn nhiều lần ngã nhào khi di chuyển. Không khuất phục trước khó khăn, chúng tôi tiếp tục vượt dòng khe Khặng để đi vào bản Cò Phạt. Kết thúc ngày thứ nhất, chúng tôi vượt được hơn 17 km đường khe, lúc này trời đã tối sầm nên cả đoàn dừng chân, dựng một cái lán để nghỉ ngơi, ăn uống.
Ngày thứ hai trong chuyến hành trình, đoàn chúng tôi vượt đỉnh khe Hóp (cao 900m so với mực nước biển) rồi vượt qua dòng khe Vẹt, Khe Hàn, Khe Tàng... càng đi sâu vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, địa hình càng hiểm trở, lối đi chỉ vẻn vẹn vừa một bàn chân, chỉ một chút sơ ý là có thể trượt chân lao xuống vực thẳm bất kỳ lúc nào.
Bốn ngày liên tục, cứ ngày đi, đêm nghỉ, rồi chúng tôi cũng đặt chân đến được hiện trường đầu tiên tại Tiểu khu 833. Do 5 tiểu khu có diện tích trải dài khoảng 6.000 ha, các điểm bị khai thác lại nằm rất xa nhau nên việc di chuyển đến các địa điểm vô cùng gian nan, trong khi công tác hậu cần, thông tin liên lạc… gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của các thành viên trong đoàn nên công tác khám nghiệm hiện trường trên tất cả 5 tiểu khu đã thành công, góp phần quan trọng vào quá trình giải quyết kịp thời, chính xác vụ án nghiêm trọng về khai thác lâm sản, phá rừng trái phép xảy ra trên địa bàn.
Hiện vụ việc đang được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các bước tiếp theo để điều tra làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật.
Ngày 6/7/2019, lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Mát, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Pù Mát đã báo cáo sự việc khai thác gỗ tại các Tiểu khu: 833, 836A, 825, 834 với đồng chí Bí thư Huyện ủy, Lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo các đơn vị, ban ngành chức năng như: Kiểm lâm huyện, Công an huyện, VKSND huyện, Đồn Biên phòng Môn Sơn để xin ý kiến chỉ đạo và tìm hướng giải quyết, ngăn chặn hiện tượng khai thác gỗ tiếp theo trong địa bàn do Vườn Quốc gia Pù Mát quản lý.
Ngày 8/7/2019, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Con Cuông, Phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm trực tiếp kiểm tra thực tế tại hiện trường bị khai thác, xác định khối lượng 54 tấm gỗ xẻ Giổi là 5,364m3.
Ngày 10/7/2019, Vườn Quốc gia Pù Mát tiếp tục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Pù Mát tổ chức kiểm tra lại, tiến hành xác định vị trí (GPS), chụp ảnh, đánh số sơn từng cây bị chặt, đo đếm khối lượng, lập biên bản kiểm tra, kết quả 96 cây bị chặt trên 5 tiểu khu có tổng khối lượng gỗ tròn là 146.045m3. Vườn Quốc gia Pù Mát tiếp tục giao Hạt Kiểm lâm làm việc với Đồn Môn Sơn để phối hợp trong công tác bảo vệ hiện trường, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, điều tra, nắm thông tin về các đối tượng có nghi vấn.
Ngày 19/7/2019, lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Mát, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Pù Mát tiếp tục có buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo UBND huyện Con Cuông để báo cáo tình hình đã triển khai và xin ý kiến chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện.
Các cơ quan chức năng địa phương xác định, đây là vụ khai thác lâm sản, phá rừng trái phép quy mô lớn, có nhiều người tham gia, chủ yếu do người dân sinh sống tại các bản trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát thực hiện. Việc chặt hạ nhiều cây rừng đã gây thiệt hại đến môi trường sinh thái và làm ảnh hưởng tới công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Pù Mát, tuy nhiên, địa bàn bị khai thác cách xa Trạm Quản lý bảo vệ rừng đóng tại bản Cò Phạt 8 giờ đồng hồ đi bộ (khoảng 20km), địa bàn khó khăn, hiểm trở, thông tin liên lạc không thông suốt nên ảnh hưởng rất lớn đến sự chỉ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn.