Hành trình kiến tạo bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên số
Cuốn sách 'Nhận diện văn hóa trong không gian số' do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên đã góp phần xây dựng một hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa trong không gian số - một nội dung rất mới và phức tạp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Cuốn sách được coi như một công trình mang tính chất mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn cho việc kiến tạo văn hóa trong bối cảnh mới của thời đại số
Văn hóa không đơn thuần là những giá trị truyền thống hay di sản quá khứ, mà còn là yếu tố sống động, liên tục biến đổi và thích nghi với môi trường sống của con người.
Trong không gian số, nơi con người ngày càng hiện diện và tương tác nhiều hơn thông qua các nền tảng công nghệ, văn hóa cần được nhận diện và tổ chức lại để không bị mờ nhạt hoặc tha hóa.
Văn hóa số, theo định nghĩa của nhóm tác giả, là toàn bộ phương thức sáng tạo, lưu giữ, truyền bá và tiếp nhận các giá trị văn hóa thông qua nền tảng công nghệ kỹ thuật số; đồng thời là tập hợp những quy tắc, chuẩn mực đạo đức và pháp luật điều chỉnh hành vi con người trong môi trường số.
Đây là một khái niệm mới mẻ, nhưng mang tính tất yếu và việc xác lập vị thế văn hóa trong không gian số trở thành một vấn đề cấp bách và mang tầm chiến lược lâu dài đối với mọi quốc gia.
Tại Việt Nam, nơi mà quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, việc nhận diện, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong môi trường số không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, cuốn sách Nhận diện văn hóa trong không gian số do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành có thể được coi như một công trình mang tính chất mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn cho việc kiến tạo văn hóa trong bối cảnh mới của thời đại số.
Cuốn sách gồm 4 chương được trình bày khoa học, dễ hiểu, đi từ thực tiễn thế giới đến Việt Nam.
Chương mở đầu lý giải rõ khái niệm và các đặc trưng cơ bản của văn hóa số. Những nội dung như văn hóa tương tác số, văn hóa sáng tạo nội dung số, văn hóa tiêu dùng số, hay văn hóa đạo đức số... được trình bày mạch lạc, dễ hiểu, giúp người đọc nắm bắt được tổng thể bức tranh văn hóa đang định hình lại dưới tác động của chuyển đổi số.
Điểm đáng chú ý là nhóm tác giả không chỉ tập trung vào lý thuyết mà luôn đặt những vấn đề này trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, tạo nên sự gắn bó giữa tư duy học thuật và yêu cầu của thực tiễn.
Bên cạnh việc định hình cơ sở lý luận, cuốn sách còn cho thấy sức hấp dẫn ở cách tiếp cận đối sánh và mở rộng tầm nhìn, liên hệ với một số quốc gia trên thế giới.
Trong chương II, nhóm tác giả đi sâu nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển văn hóa số tại các quốc gia đi đầu như Liên minh châu Âu, Anh, Tây Ban Nha, và một số nước khác.
Thông qua các phân tích cụ thể về nền tảng pháp lý, cơ chế hỗ trợ sáng tạo nội dung, quản lý bản quyền và bảo vệ đạo đức số, người đọc có thể thấy được cách mà các quốc gia phát triển đang kiến tạo không gian văn hóa mới gắn với công nghệ số.
Không dừng lại ở phân tích mô hình quốc tế, cuốn sách còn dành một chương riêng để luận bàn về các yếu tố tác động đến văn hóa trong không gian số như truyền thông xã hội, sự phát triển trí tuệ nhân tạo, biến đổi lối sống cá nhân và cả những hệ lụy như khủng hoảng giá trị, xâm hại quyền riêng tư, hay suy thoái đạo đức trong môi trường ảo.
Những nội dung này không chỉ mang tính lý luận mà còn gắn bó chặt chẽ với các vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay, từ trào lưu thần tượng hóa trên mạng xã hội đến sự lan truyền thông tin sai lệch, ngôn ngữ lệch chuẩn và hành vi lệch chuẩn đạo đức số.
Cuốn sách như một hồi chuông cảnh báo, giúp người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ cần ý thức một cách sâu sắc và rõ ràng hơn về trách nhiệm văn hóa của mình khi tham gia không gian số.
Chương cuối cùng là phần quan trọng và có giá trị thực tiễn cao, khi nhóm tác giả tập trung vào thực trạng phát triển văn hóa số ở Việt Nam và đề xuất hệ thống giải pháp toàn diện.
Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa trong sự phát triển dân tộc, cùng với các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, cuốn sách khẳng định Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong xây dựng văn hóa số như số hóa các di sản văn hóa phi vật thể, phát triển kho dữ liệu văn hóa quốc gia, ứng dụng công nghệ trong giáo dục văn hóa và nghệ thuật...
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức lớn như sự thiếu đồng bộ về thể chế, kết cấu hạ tầng hạn chế, nguồn nhân lực sáng tạo số còn mỏng và yếu, và đặc biệt là khoảng cách về nhận thức văn hóa giữa các nhóm dân cư trong xã hội.
Từ thực tế đó, nhóm tác giả đề xuất một loạt giải pháp thiết thực và có tính khả thi cao: Từ hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường giáo dục văn hóa số, phát triển các nền tảng số nội địa, cho đến việc khuyến khích sáng tạo nội dung số mang bản sắc Việt.
Đáng chú ý là việc nhấn mạnh vai trò của công dân số, những người vừa được thụ hưởng, vừa là chủ thể sáng tạo trong không gian số, cần được đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ để phát huy hiệu quả sức mạnh văn hóa quốc gia - dân tộc trong thời đại mới.

Nhận diện văn hóa trong không gian số là một ấn phẩm mang đậm tính thời sự, vừa khai phá nền tảng lý luận, vừa cung cấp những phân tích thực tiễn sắc sảo và gợi mở nhiều hướng đi khả thi cho tương lai.
Cuốn sách không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, mà còn hữu ích với giáo viên, học sinh, sinh viên, người làm truyền thông và bất kỳ ai quan tâm đến tương lai văn hóa dân tộc trong thời đại số.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, việc nhận diện và phát triển văn hóa trong môi trường mới là điều kiện tiên quyết để gìn giữ bản sắc, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia và hội nhập hiệu quả với thế giới.