Hành trình kỳ ảo trong 'Giết chỉ huy đội kỵ sĩ'
'Giết chỉ huy đội kỵ sĩ' ra mắt bản tiếng Nhật năm 2017 và bản tiếng Anh năm 2018. Nhà xuất bản tại Nhật cho biết 1,3 triệu bản sách ra mắt trong lần in đầu.
Tại Việt Nam, đơn vị phụ trách xuất bản đã tổ chức cuộc thi thiết kế bìa cho Giết chỉ huy đội kỵ sĩ của Murakami vào cuối năm 2020. Đến ngày 11/1, sách được phát hành. Cũng giống tại Nhật, cuốn sách gây được ấn tượng với bạn đọc Việt.
Giết chỉ huy đội kỵ sĩ được giới thiệu là cuốn tiểu thuyết sở hữu nhiều chi tiết nửa thực nửa hư trong bức tranh siêu thực đầy u hoài, đậm chất Murakami, thứ đã "hớp hồn" bạn đọc trong nhiều tác phẩm như Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới hay 1Q84.
Đối với Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, mặc dù tác phẩm mang đậm phong cách đậm chất Murakami, lại vẫn đem đến nhiều sự mới mẻ. Điều này giúp cho người đọc có được những trải nghiệm mới ngay trong bầu không khí quen thuộc, hấp dẫn.
Để nói về chất lượng của cuốn tiểu thuyết, có lẽ cần so sánh Giết chỉ huy đội kỵ sĩ với 1Q84, một trong những tác phẩm thành công nhất sự nghiệp của Haruki Murakami.
Tại 1Q84, tác giả đưa người đọc tới một thế giới huyền bí, đan xen giữa thực và ảo. Không chỉ thế, tác phẩm còn được định hình bởi chiều sâu tâm lý, tình cảm của người phụ nữ, trái ngược với sự bạo lực hiển hiện trong truyện.
Còn đối với Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, có lẽ, cuốn sách còn cần được nhìn ở góc độ đa chiều hơn. Nhân vật "Tôi" đã phải trải qua nhiều thứ cảm xúc hỗn độn, khó tả. Mọi thứ bắt đầu từ việc cô vợ đơn phương đòi ly hôn, rồi những bước đi lạc lõng, cô đơn sau này. Tất cả được đẩy lên cao trào khi anh ta vô tình bước vào một chuyến phiêu lưu kỳ ảo.
Nhân vật "Tôi" và hành trình tìm về hạnh phúc
Đầu tiên, sự mới mẻ của tác phẩm đến từ hội họa - yếu tố cốt lõi xuyên suốt Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Thông qua nội tâm của nhân vật "Tôi", Murakami không giấu giếm sự khâm phục mà mình dành cho nghệ thuật hội họa cũng như văn chương và âm nhạc.
Xây dựng nhân vật "Tôi" có cá tính, hoàn cảnh như vậy đồng nghĩa việc Murakami có cơ hội để tạo ra các chi tiết ẩn dụ, truyền tải triết lý của mình về hội họa một cách trôi chảy, mượt mà nhất.
Tất nhiên, cuốn tiểu thuyết vẫn có những điểm quen thuộc giống với các tác phẩm trước của Murakami, ví dụ cách ông đưa vào cuốn sách các chi tiết như thú vui tự nấu ăn, âm nhạc, hay những đối thoại hài hước.
Bên cạnh đó, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ cũng xuất hiện yếu tố thần thoại như trong Kafka bên bờ biển (câu chuyện về Oedipus) là ẩn dụ về dòng sông với người lái đò vô diện được lấy cảm hứng từ sông Styx dưới âm phủ và gã lái đò Charon.
Giống với Rừng Na Uy, các tuyến nhân vật được gói trong mối quan hệ tay 3 như Watanabe Toru - Naoko - Kizuki hay Watanabe Toru - Midori - Naoko, thì Giết chỉ huy đội kỵ sĩ cũng được Murkami xây dựng và phân vai theo mối quan hệ ba người như thế.
Duy có điều khác biệt ở đây là các mối quan hệ này đều được gắn liền bức họa quan trọng, ví dụ "Tôi" - họa sĩ Amada Tomihiko - bức Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, Tôi - Menshiki - bức chân dung Menshiki...
Vì thế, dù liên tục xuất hiện những tình tiết ẩn dụ, siêu thực hay một khái niệm khó hiểu nhưng độc giả vẫn có thể theo dõi mạch truyện một cách khá thuận lợi, không bị chồng chéo.
Rồi tất cả ý tưởng và ẩn dụ xuất hiện trong truyện được xâu chuỗi, liên kết với nhau bằng luật nhân quả. Thậm chí, sự luân hồi phi thời gian đã đưa nhân vật "Tôi" đi qua tất cả không gian hư hư thực thực trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ.
Qua cuộc hành trình ấy, nhân vật "Tôi" đã nhận ra rằng bất cứ ai cũng đều trải qua “ẩn dụ kép” mang tính chất hai mặt. Những sai lầm, nỗi đau và sự sợ hãi có thể còn đáng sợ hơn cả cái chết nhưng đồng thời trong chính những khoảnh khắc tiêu cực ấy, người ta vẫn có thể tìm thấy điều tốt đẹp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-ky-ao-trong-giet-chi-huy-doi-ky-si-post1175593.html