Hành trình làm căn cước của những người bị bỏ rơi

Nhiều cô nhi ở các mái ấm dù có giấy khai sinh, CMND nhưng vì nhiều lý do mà gặp phải khó khăn khi làm căn cước.

“Hơn năm năm qua, không dưới 20 lần tôi đi hỏi thăm khắp nơi, ai kêu sao tôi làm vậy, đi từ cơ quan này sang cơ quan khác để làm thủ tục cấp căn cước nhưng chỉ nhận lại câu trả lời ‘không đủ điều kiện’. Quá tuyệt vọng, tôi đành bỏ cuộc, gần như chấp nhận mình sẽ sống như người vô danh”- anh Nguyễn Thành Được (42 tuổi, ngụ tỉnh Long An), mở đầu cuộc trò chuyện sau khi tìm đến chúng tôi.

Đến nay, anh Được đã được cấp thẻ căn cước nhưng nhớ lại hành trình đó, anh vẫn không khỏi xúc động.

Cùng hoàn cảnh với anh Được còn có anh Phạm Vương Vũ (ngụ TP Thủ Đức), đây là hai trong số những trường hợp trẻ sống ở mái ấm mà báo Pháp Luật TP.HCM tìm cách hỗ trợ.

 Anh Phạm Vương Vũ (trái) và anh Nguyễn Thành Được (phải) tại Công an phường 17, quận Bình Thạnh. Ảnh: HUỲNH THƠ

Anh Phạm Vương Vũ (trái) và anh Nguyễn Thành Được (phải) tại Công an phường 17, quận Bình Thạnh. Ảnh: HUỲNH THƠ

Trăm mối lo vì CMND không còn giá trị

Anh Được bị bại liệt bẩm sinh, ba mẹ bỏ rơi anh ngoài đường khi mới lên hai. Anh may mắn được đưa vào Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt (quận 3, TP.HCM) để nuôi dưỡng. Tại đây anh được cấp giấy khai sinh nhưng đến năm 16 tuổi, trung tâm giải thể, anh và những cô nhi khác chuyển về Trung tâm bảo trợ người tàn tật Thị Nghè (Bình Thạnh) sinh sống.

Đến tuổi, anh được làm CMND nhưng kể từ khi có Luật Căn cước công dân 2014 (CCCD), nhiều nơi không chấp nhận CMND, đi xin việc làm, giao dịch ngân hàng đều bị từ chối. Khi anh muốn đổi sang thẻ CCCD thì bị vướng do không có nơi thường trú (theo Luật CCCD 2014 – hiện tại đã hết hiệu lực và thay bằng Luật Căn cước 2023).

“Không có CCCD, tôi không thể đăng ký tạm trú, không có tài khoản định danh, các tài khoản ngân hàng liên quan cũng không cho phép tôi sử dụng”- anh Được kể lại.

Thế nhưng nỗi lo lớn nhất với anh Được đó là nếu không có thẻ căn cước thì anh không thể đi làm, khi đó không biết cuộc sống của bốn ba con anh sẽ như thế nào. Trước đó, sau ly thân anh đã phải gửi hai cháu vào mái ấm nhưng vẫn không đủ sức cáng đáng.

Tương tự anh Được là trường hợp của anh Phạm Vương Vũ, ở cùng Trung tâm bảo trợ người tàn tật Thị Nghè. Năm lên ba, anh Vũ bị sốt bại liệt nên ba mẹ đưa anh từ quê lên TP.HCM chữa trị. Do không thể cứu chữa nên ba mẹ đã bỏ anh lại bệnh viện mà không lời tạm biệt.

Với quy định CMND sẽ hết hạn từ ngày 31-12-2024, anh Vũ lo không có giấy tờ tùy thân sẽ không thể làm việc, bị cắt tiền hỗ trợ người khuyết tật và sống như một người vô danh.

Với nỗi lo ấy, anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi, hỏi khắp chỗ để xin làm CCCD, tuy nhiên cũng do quy định cũ, không có nơi thường trú nên anh không được cấp.

“Khi nghe có quy định mới, chỉ cần có tạm trú là có thể làm thẻ căn cước, tôi tiếp tục đi nhờ hỗ trợ hết lần này đến lần khác nhưng không được vì trên Cơ sở dữ liệu quốc gia không có thông tin. Cảnh sát khu vực nơi tôi tạm trú hướng dẫn tôi quay về nơi thường trú trước xin xác nhận lại thường trú, tôi cũng đi xin nhưng rồi không được gì” – anh Vũ kể.

Trước đó, năm 11 tuổi, ba mẹ anh Vũ có liên lạc được với ba mẹ. Có một dạo, anh nhờ ba mẹ đăng ký thường trú để được làm căn cước nhưng ba mẹ đều có gia đình riêng, họ tìm lý do khác nhau để từ chối anh.

Anh Vũ bị tật cả hai chân, việc di chuyển phải phụ thuộc vào đôi nạng. Vì vậy chúng tôi rất bất ngờ khi nghe anh kể hiện anh đang làm shipper (người giao hàng). “Tôi may mắn được người quen giới thiệu nên họ nhận vào làm. Tôi khuyết tật mà có được một công việc để trang trải cuộc sống là mừng lắm rồi, quan trọng người ta chịu nhận nên tôi cũng cố gắng, miễn là kiếm đồng tiền chân chính”- anh Vũ bộc bạch.

 Mong mỏi được làm thẻ căn cước, anh Vũ lúc nào cũng mang các giấy tờ như giấy khai sinh, CMND bên mình để khi phía công an có gọi anh sẽ lập tức đến ngay. Ảnh: TRẦN MINH

Mong mỏi được làm thẻ căn cước, anh Vũ lúc nào cũng mang các giấy tờ như giấy khai sinh, CMND bên mình để khi phía công an có gọi anh sẽ lập tức đến ngay. Ảnh: TRẦN MINH

Anh Được và anh Vũ đã được cấp căn cước

Sau khi nghe câu chuyện của anh Được và anh Vũ, chúng tôi đã tìm đến Công an phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM (nơi thường trú trước đây của anh Được và anh Vũ tại Trung tâm bảo trợ người tàn tật Thị Nghè) để mong gỡ vướng.

Đại diện Công an phường 17 tiếp nhận thông tin và cho biết những trường hợp này đa số sau khi lớn lên họ rời khỏi trung tâm, không quay lại nữa nên có thể đã bị xóa đăng ký thường trú, không có thông tin trên dữ liệu quốc gia.

Do đó, cần phải xác minh lại tàng thư xem có bị xóa hay chưa để tiếp tục hướng dẫn. Trường hợp chưa xóa sẽ thu thập dữ liệu dân cư cập nhật lên hệ thống dữ liệu quốc gia. Trường hợp đã xóa thì về nơi tạm trú, chỗ ở hiện tại thu thập diện nhân khẩu đặc biệt (nếu không đủ điều kiện tạm trú sẽ khai báo nơi ở hiện tại).

Sau khi xác minh tàng thư, đại diện Công an phường 17 cho biết thường trú của cả anh Được và anh Vũ vẫn còn, chưa bị xóa. Sau đó, Công an phường 17 đã tiếp tục hướng dẫn hai anh khai vào phiếu thu thập dữ liệu dân cư để cập nhật lên hệ thống quốc gia.

Sau khi thực hiện xong, anh Được và anh Vũ đã được cấp số định danh cá nhân. Hiện tại, cả anh Được và anh Vũ đều đã được nhận thẻ căn cước.

Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, cả hai anh bày tỏ vui mừng, hạnh phúc, không có lời nào có thể diễn tả. Anh Được và anh Vũ gửi lời cảm ơn báo và Công an phường 17, quận Bình Thạnh đã hỗ trợ để các anh có thẻ căn cước.

Không còn bắt buộc phải có nơi thường trú khi cấp căn cước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Vũ Duy Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trước đây theo Luật CCCD 2014, một trong những điều kiện quan trọng để công dân được cấp thẻ CCCD là phải có nơi thường trú tại thời điểm làm thủ tục cấp thẻ.

Do đó, một số trường hợp mặc dù công dân đã có giấy khai sinh và CMND nhưng do không có nơi thường trú, họ vẫn không đủ điều kiện để cấp thẻ CCCD.

Tuy nhiên, theo Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ 1-7-2024) và các văn bản hướng dẫn thi hành, công dân không còn bắt buộc phải có nơi thường trú để được cấp thẻ căn cước. Quy định này được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những công dân có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như những người di chuyển thường xuyên, không có nơi ở cố định hoặc những người không đăng ký nơi thường trú, để họ vẫn có thể sở hữu giấy tờ tùy thân hợp pháp.

Theo khoản 3, Điều 4, Thông tư 17/2024/TT-BCA, trường hợp công dân không có nơi thường trú, tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, thì thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước sẽ là nơi ở hiện tại của công dân được cấp thẻ.

Do đó, trường hợp công dân không có nơi thường trú hoặc nơi tạm trú, vẫn có thể được cấp thẻ căn cước.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/hanh-trinh-lam-can-cuoc-cua-nhung-nguoi-bi-bo-roi-post841486.html