Hành trình lan tỏa văn hóa đọc tới độc giả
Cùng với lao động sáng tạo, ngày nay, nhiều nhà văn, cây bút trẻ còn tham gia tích cực vào những hoạt động lan tỏa văn hóa đọc. Họ đến các trường học, vùng quê, vùng sâu vùng xa giao lưu cùng các em học sinh, độc giả để lan tỏa tình yêu văn chương đến mọi người.
Nhà văn Đỗ Anh Vũ, Ủy viên Hội đồng Văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam:
"Việc nâng tầm văn hóa đọc hiện nay có cả những thuận lợi cũng như khó khăn. Thuận lợi là bởi điều kiện khoa học công nghệ đã tiến xa hơn trước rất nhiều. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thông tin về sách vở qua internet, đặt mua sách qua mạng, thậm chí có nhiều trang đọc sách online hoặc sách nói.
Nhưng đây cũng là thời kỳ mà các phương tiện giải trí có quá nhiều, đã làm lấn át sức hấp dẫn của việc đọc sách. Thanh thiếu niên lên mạng thường quan tâm đến các kênh giải trí chứ ít khi chú ý đến việc đọc sách, tìm thông tin về sách.
Như vậy, nhiệm vụ của thầy cô và các bậc cha mẹ là phải làm sao khơi gợi cho các em cảm hứng đọc sách, nhận thức được vẻ đẹp của nội dung và nghệ thuật có trong mỗi cuốn sách, phải làm sao cho việc đọc sách trở thành thói quen hằng ngày của các em.
Trong gia đình, cha mẹ cũng cần là tấm gương của việc đọc sách. Nếu bản thân mỗi bậc cha mẹ không có tình yêu với sách thì khó lòng khiến con em mình có cảm xúc đối với sách".
Nhà văn Tiểu Quyên, người đạt giải thưởng Sách Quốc gia
"Tôi nhiều lần đi giao lưu với các em nhỏ ở TP Hồ Chí Minh. Mới đây, tôi có đến Buôn Mê Thuột, Vũng Tàu… Mỗi khi đến với các em, tôi cảm thấy vui khi được truyền năng lượng tích cực, những giá trị của việc đọc sách, góp một phần nhỏ trong việc truyền cảm hứng cho các em trong việc đọc và học văn trong nhà trường.
Đối với độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi, mỗi bạn có cách tiếp cận, đón nhận khác nhau và đều cần sự định hướng từ người lớn. Trong quá trình đến với các em, tôi thường nói nhiều điều với mong muốn nhen lên trong các em niềm yêu thích đọc sách, niềm tin tưởng về những điều tốt đẹp trong tương lai hay cho các em động lực để suy nghĩ những điều lý tưởng, khát vọng, hoài bão cuộc đời mình…
Bởi vì tôi cũng từng là một đứa trẻ. Tôi hiểu những lời động viên, những lời tâm tình, những trao gởi của người lớn có ý nghĩa như thế nào với trẻ nhỏ.
Tháng 4 này, tôi tham gia giao lưu về "Ngày sách Việt Nam" ở Buôn Mê Thuột. Khi giao lưu, hỏi các con về biển, đảo, vẫn có những em nhỏ trả lời đúng. Con bảo do bố con nói cho con biết, do con thích tìm hiểu về biển đảo…
Những điều ấy khiến tôi rất mừng vì thấy cha mẹ đã quan tâm, tạo những "nấc thang" tri thức vững chắc để con bước đi".
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, người đạt Giải thưởng "Nhà văn nữ ấn tượng" của Hội Nhà văn Việt Nam
"Theo tôi, việc các nhà văn đến trường học và những chương trình giao lưu sách vô cùng có ý nghĩa với cả bạn đọc và người viết. Từ những buổi giao lưu này các bạn đọc nhí và người viết được xích lại gần nhau hơn.
Các em sẽ có điều kiện tiếp xúc, trò chuyện với các nhà văn, được giới thiệu thêm nhiều cuốn sách hay, từ đó, xây dựng và tăng thêm mối quan tâm của các em với sách và việc đọc sách. Bản thân người viết từ những buổi gặp gỡ này cũng được tiếp thêm động lực sáng tác.
Việc nâng tầm văn hóa đọc hiện nay tương tối thuận lợi khi nhận được sự quan tâm của xã hội. Tôi mong những hiệu ứng tốt này được duy trì. Vì phát triển văn hóa đọc không phải là một phong trào nhất thời.
Cần một hành trình dài để văn hóa đọc được tiếp thu, ngấm sâu vào đời sống văn hóa xã hội. Trước mắt, tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục hoạt động thiết thực: Đưa sách và các nhà văn đến với trường học".
Nguyễn Anh Dũng, nhà sáng lập Sbooks
"Tôi vẫn thường đến giao lưu ở nhiều khu vực công cộng, trường học và thấy rằng, hiện nay, nhiều người không quan tâm tới sách. Vì sao? Tôi cho rằng một phần là vì tác động từ sự phát triển của những chương trình, hoạt động giải trí.
Đương nhiên, đó là sự phong phú của xã hội. Nhưng nó đem đến mặt trái là con người có quá nhiều lựa chọn. Họ loay hoay với những lựa chọn mới lạ mà quên đi sách. Có hai nhóm người hiện nay, một là nhóm không có thời gian đọc, hai là nhóm không đọc dù có thời gian rảnh.
Để thúc đẩy văn hóa đọc, tôi nghĩ phải thúc đẩy được cả hai nhóm này. Làm sao để những người bận rộn tổ chức lại cuộc sống, thêm sách như một thói quen và những người có thời gian rảnh quan tâm nhiều hơn đến sách, dành thời gian đến sách.
Hãy để sách đi vào cuộc sống, ở những chuyến xe bus, những sân ga chờ tàu, những sảnh chờ ở sân bay. Hình ảnh người ngồi đọc sách cần được nhân ra gấp hàng trăm nghìn lần, để nó trở thành văn hóa chung của xã hội, là một thành tố vững chắc của kiến thiết cuộc sống có ý nghĩa truyền đời đến thế hệ tiếp theo.
Một yếu tố nữa mà tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa đọc, đó là gia đình. Gia đình là nơi một đứa trẻ được sinh ra và cha mẹ là những người định hình cho đứa trẻ ấy. Vì thế, nếu trong một gia đình, cha mẹ không đọc sách, cũng không chú ý bồi dưỡng đam mê ấy của con thì cũng sẽ tác động ít nhiều đến hứng thú đọc sách của trẻ.
Về thuận lợi, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến văn hóa đọc, đưa ra những chủ trương, chính sách để bồi dưỡng, phát triển tinh thần đọc sách của toàn dân. Điển hình là trong dịp kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4 vừa qua, các hoạt động trưng bày gian hàng, hội sách, giao lưu diễn ra rất sôi nổi, được các nhà xuất bản và công ty sách hưởng ứng.
Sách và giáo dục có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hiện nay, các hệ thống thư viện trường học được xây mới, mở rộng quy mô, gia tăng các đầu sách, tổ chức các hoạt động đọc cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, các trường cũng kết hợp với các đơn vị phát hành để thúc đẩy các cuộc thi đọc sách, "review" sách cho học sinh, sinh viên".