Hành trình lên tuyển và ước mơ của Hải 'cù kỳ'
Lối chơi mạnh mẽ, bền bỉ của Phạm Tuấn Hải khiến đồng đội đặt cho anh biệt danh Hải 'cù kỳ'.
Phạm Tuấn Hải là trường hợp đặc biệt ở đội tuyển Việt Nam. Xung quanh sự nghiệp của chàng trai sinh năm 1998 có nhiều điều thú vị. Lối chơi mạnh mẽ, bền bỉ của anh khiến đồng đội đặt cho biệt danh Hải “cù kỳ”.
Phạm Tuấn Hải tập luyện trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF
Cầu thủ “bình dân” ở đội tuyển Việt Nam
Trong danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho hai trận đấu trong tháng 10 tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, HLV Park Hang-seo đã điền tên Phạm Tuấn Hải, dù trước đó anh không được ra sân phút nào khi đoàn quân áo đỏ thi đấu 2 trận tháng 9.
Rõ ràng, tiền đạo đang khoác áo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vẫn nằm trong kế hoạch nhân sự của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Còn nhớ, ở lần hội quân tháng 8, khi ông Park triệu tập Tuấn Hải, nhiều người thậm chí còn chưa tỏ tường về chân sút quê Hà Nam.
Tuy nhiên, với những ai theo dõi sát V-League và CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hải không phải cái tên xa lạ. Anh là một trong những cầu thủ chơi tốt nhất, giúp Hà Tĩnh lọt Top 6 mùa trước và thường góp mặt trong đội hình tiêu biểu vòng đấu.
“
Trong bóng đá, tôi không thần tượng danh thủ nào, cũng không lấy ai làm hình mẫu mà chỉ muốn đi con đường của riêng mình, nỗ lực và chinh phục thử thách theo cách của mình. Bố thì luôn dặn dù làm gì cũng phải đặt đạo đức lên hàng đầu, đây cũng là kim chỉ nam trong sự nghiệp của tôi.
Phạm Tuấn Hải
”
Dù vậy, đặt cạnh những ngôi sao như: Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Tiến Linh…
Hải giống như chàng lọ lem. Ở tuổi 23, lần đầu tiên được ăn cơm tuyển, điều này với anh giống như một giấc mơ có thật.
“Khoác áo đội tuyển quốc gia luôn là niềm khao khát với mọi cầu thủ. Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi cho rằng mình may mắn khi được lựa chọn, được đứng cùng hàng ngũ với những người xuất sắc nhất”, tiền đạo sinh năm 1998 chia sẻ.
Ở đội tuyển Việt Nam, cầu thủ này luôn nằm trong số những cái tên có chỉ số sức khỏe tốt nhất.
Bản thân anh cũng tự nhìn nhận, điểm mạnh của mình là sức mạnh và sự càn lướt. Trong khi đó, tại CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, các đồng đội đặt cho anh biệt danh “cù kỳ”.
“Cù kỳ là một loại cua biển có đôi càng khỏe và chắc. Nói về sức vóc thì không mấy người qua được Hải nên chúng tôi gọi cậu ấy là Hải “cù kỳ”. Nghe cũng dễ thương”, một đồng đội của Tuấn Hải trong màu áo đội bóng miền Trung cho biết.
Đương nhiên, Hải lên tuyển không chỉ vì anh khỏe. Tiền đạo này gây ấn tượng bằng lối chơi tốc độ, chạy chỗ thông minh và khả năng dứt điểm tốt.
Nhưng ở CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, vị trí của anh không cố định mà anh chơi linh hoạt. Thông thường, cầu thủ này đá hộ công hoặc dạt biên theo yêu cầu của ban huấn luyện.
“Hải có nền tảng thể lực tốt và lối chơi cần mẫn. Dù yêu cầu chơi như thế nào thì cậu ấy luôn đá hết sức. Cũng nhờ vậy mà Hải tiến bộ, dần trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Trước đây, nếu yêu cầu Hải chơi tiền vệ là vứt vì cậu ấy yếu nhất ở khâu chuyền bóng, mở bóng nhưng giờ thì khác, Hải chơi ổn khi được kéo xuống tuyến giữa”, HLV Phạm Minh Đức, người từng có nhiều năm dìu dắt cầu thủ sinh năm 1998 đánh giá.
Ít người biết, Hải trưởng thành từ CLB Hà Nội, đội bóng thành công bậc nhất kỷ nguyên V-League.
Nhưng không thể cạnh tranh được vị trí ở đội 1 nên Hải cùng một số đồng đội khác như Lý Công Hoàng Anh, Lê Văn Xuân phải chơi cho đội Hà Nội B ở giải hạng Nhì.
Sau khi giành vé lên V-League, toàn bộ lứa này cùng HLV Phạm Minh Đức được chuyển giao cho Hà Tĩnh thành lập CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ngày nay.
Càng đáng chú ý khi cầu thủ tới từ vùng chiêm trũng từng được đào tạo trẻ tại “lò” Gia Lâm, nơi Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh gắn bó những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp quần đùi áo số.
Ấy vậy mà, trong khi những đàn anh chỉ hơn 1 - 2 tuổi gây tiếng vang nhiều năm qua, Hải giờ mới được khoác áo đội tuyển quốc gia.
Một vài ý kiến cho rằng, nếu chơi cho một đội bóng lớn hơn, cơ hội lên tuyển có lẽ đã sớm rộng mở với chàng trai quê Hà Nam.
Tuy nhiên, anh lại khẳng định, khoác áo CLB nào không quan trọng bằng việc cầu thủ thể hiện ra sao khi ra sân và kỹ năng phù hợp với triết lý ở đội tuyển hay không.
Suýt bị đuổi vì trèo rào đi chơi
Sinh ra và lớn lên ở Phủ Lý, Hà Nam, nơi vốn được biết tới nhờ phong trào bóng đá nữ, những đứa trẻ như Hải rất thích đá bóng.
Anh kể, ngày còn ở nhà đi học, cứ buổi chiều tan học là anh cùng lũ bạn rủ nhau đi đá bóng tới tối mịt mới về nhà. Nhiều bữa anh còn trốn học để đi đá bóng, thầy cô gọi điện về gia đình và đương nhiên bố mẹ đã chờ sẵn ở nhà cùng cái roi mây to tướng.
“Nhớ lại ngày xưa đúng là hồn nhiên. Chúng tôi cứ quấn lấy trái bóng, chơi mà chẳng để ý tới điều gì xung quanh. Giờ bạn bè cùng trang lứa đa phần đều đi đây đi đó học hành rồi làm việc, về quê cũng chẳng gặp được mấy người”, Hải bồi hồi.
Ham đá bóng là vậy nhưng Hải vẫn học rất tốt và cuộc sống của anh có lẽ cứ thế trôi qua bình lặng nếu không xuất hiện ngã rẽ năm 9 tuổi.
Vài nét về Tuấn Hải
Tên đầy đủ: Phạm Tuấn Hải
Ngày sinh: 19/5/1998
Quê: Phủ Lý, Hà Nam
CLB: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh
Vị trí: Tiền đạo
Cao: 1,72m, nặng: 66kg
“Chú tôi sống trên Hà Nội gọi điện về nói nếu muốn học bóng đá thì chú về đưa lên. Nhưng bố mẹ tôi không đồng ý. Tôi thì đương nhiên rất háo hức nên đã nghĩ ra cách xin lên nhà chú chơi rồi không về mà nhờ chú dẫn đi tuyển sinh. Sau tôi mới hay, trong một lần đi ăn sáng, chú tình cờ biết thông tin Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội đặt ở Gia Lâm tuyển sinh nên muốn tôi thử sức”, chàng trai trẻ nhớ lại.
Tìm mọi cách để được học bóng đá nhưng ngay buổi đầu tiên anh đã cảm thấy chán nản vì không tâng nổi quả bóng hai lần.
Rồi việc phải xa gia đình, xa bố mẹ, ở môi trường hoàn toàn mới khiến cậu bé ngoại tỉnh cảm thấy tủi thân.
“Các thầy thấy khóc nhiều quá nên cho mượn điện thoại để gọi nói chuyện với bố mẹ. Tôi đòi về nhà nhưng bố nói con đường đã chọn rồi thì không nên bỏ dở, phải đi hết. Vậy là từ đó tôi không khóc nữa mà chuyên tâm tập luyện”, Hải nhớ lại.
Nhưng cuộc phiêu lưu cùng trái bóng của cầu thủ Hà Nam vẫn còn tình tiết gay cấn. Năm 14 tuổi, do quá nghịch ngợm, nhiều lần trèo rào đi chơi nên Hải bị các thầy đuổi khỏi trung tâm.
Rất may khi đó anh được thầy Nguyễn Trọng Hồng, Trưởng bộ môn bóng đá Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội bảo lãnh ở lại.
“Thầy Hồng đảm bảo với các thầy là tôi sẽ thay đổi nên tôi không muốn phụ niềm tin của thầy. Ngoài thầy Hoàng, người dạy tôi từ khi vào Trung tâm thì thầy Hồng là người có ảnh hưởng nhất tới sự nghiệp của tôi. Không có hai thầy, tôi không có ngày hôm nay. Đáng tiếc, thầy Hoàng mất khi tôi 13 tuổi, chẳng thể chứng kiến ngày tôi được lên đội tuyển quốc gia”, Hải bộc bạch.
Ở tuổi 23, chàng trai vùng chiêm trũng đang có sự nghiệp khá vững vàng khi là trụ cột ở CLB và có suất ở đội tuyển Việt Nam. Dù chưa được thể hiện tài năng nhưng tin rằng trong tương lai, anh vẫn là nhân tố đáng xem trong tay thầy Park.
Hỏi Hải về ước mơ của mình, anh đáp không muốn gì cho mình bởi cứ đi rồi sẽ đến, cứ nỗ lực thì ắt sẽ chạm tới thành công. Nhưng anh ước có thể xây cho bố mẹ ở quê một căn nhà khang trang.
“Gia đình tôi ở quê có quầy hàng tạp hóa nhỏ, không quá khó khăn nhưng nói chung cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Căn nhà hiện nay bố mẹ đang ở đã xây lâu rồi và có hiện tượng xuống cấp. Tôi đang cố gắng tiết kiệm để vài năm nữa dựng được một ngôi nhà mới, để bố mẹ có thể tự hào về mình”, Hải chia sẻ.