Hành trình Nam Sông Hậu

Quốc lộ Nam Sông Hậu thông xe toàn tuyến từ năm 2011. Điểm đầu tuyến từ thành phố Cần Thơ chạy qua địa phận các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng đến tỉnh Bạc Liêu. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Quốc lộ Nam Sông Hậu dài 117km, dài nhất so các địa phương khác, đi qua các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Công trình này chính thức đi vào hoạt động đã khơi dậy tiềm năng trù phú cho các vùng đất mà nó đi qua, trong đó có 4 địa phương thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Kỳ 3: Huyện Trần Đề - đô thị trẻ tiềm năng và triển vọng

Tiếp tục hành trình Nam Sông Hậu, tôi đến cửa ngõ huyện Trần Đề khi trời vừa rạng sáng. Vừa tới thị trấn Trần Đề (huyện lỵ Trần Đề), tôi đã choáng ngợp với từng đoàn tàu biển cập Cảng cá Trần Đề; nơi tập kết của nhiều ghe tàu đánh bắt, khai thác thủy hải sản trong và ngoài tỉnh. Đây là huyện nằm ở cuối dòng sông Hậu, bên cửa biển Trần Đề rộng lớn là huyện ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế của đô thị trẻ đang từng ngày thay da đổi thịt.

Huyện Trần Đề được thành lập vào năm 2010, từ sự điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai huyện Long Phú và huyện Mỹ Xuyên. Trần Đề là huyện nằm ở ven sông Hậu, hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống dân cư.

Đặc biệt, với lợi thế đường bờ biển chiều dài 12km, huyện Trần Đề có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển và là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển luôn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư với nhiều công trình, dự án, phát triển hệ thống kho bãi, dịch vụ, hậu cần, hệ thống logistics… Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản trên địa bàn huyện đạt 44.976 tấn, đạt 48,62% kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện thực hiện trên 1.878 tỷ đồng (tăng hơn 483 tỷ đồng so với cùng kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội hơn 4.410 tỷ đồng (tăng hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Tính đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sơ chế, chế biến thủy hải sản; phát triển của một hệ thống liên hoàn giữa đánh bắt, chế biến, dịch vụ nghề biển. Anh Nguyễn Văn Khang ngụ thị trấn Trần Đề chia sẻ: “Tôi và người dân nơi đây tự hào về quê hương mình. Địa phương giờ đổi mới và phát triển nhiều. Vùng đất ven biển nhiều phèn, mặn thuở nào, nay đã vươn lên mạnh mẽ, nhất là ở việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản”.

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tiếp tục đi giữa huyện lỵ Trần Đề, tôi hồ hởi trước sự đổi thay quá nhanh của đô thị trẻ sầm uất, nhộn nhịp; chứng kiến cảnh mua bán tấp nập nơi chợ huyện, cảnh xe cộ ngược xuôi, đời sống người dân dần sung túc làm trong lòng càng thêm phấn khởi. Chính nhờ sự đầu tư xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hạ tầng giao thông, thủy lợi… góp phần phát triển cánh đồng tôm hàng ngàn hecta, những cánh đồng canh tác lúa đặc sản, lúa chất lượng cao. Người dân ở vùng đất khó năm nào, giờ rất tự hào trước sự đổi đời từ con tôm, từ cây lúa, cuộc sống ngày thêm sung túc.

Ông Huỳnh Phến, thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) tâm tình: “Tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi, gắn bó vùng đất này bấy lâu nay. Địa phương được đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường cả khu vực vùng sâu, vùng xa. Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo nhà cửa, điện, nước, giúp vốn vay, hỗ trợ con giống cho người dân; đến bây giờ thấy quê hương đổi mới, người dân có cuộc sống ngày càng khá hơn”.

Càng phấn khởi hơn khi tìm lại dấu tích cánh đồng năn là vùng đất huyền thoại về sự đổi đời, cũng như sự chinh phục những vùng đất ngập mặn, góp phần cải tạo nông nghiệp thành công ở huyện Trần Đề. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Trần Đề, sản lượng vụ Đông - Xuân 2023 - 2024 đạt 152.067 tấn, tăng 5.291 tấn so cùng kỳ; màu và cây công nghiệp ngắn ngày gieo trồng được 1.910ha, đạt 50,26% kế hoạch. Huyện có 8 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm 5 sao và 7 sản phẩm 3 sao; có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Anh Lâm Văn Dừa, xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) cho hay: “Ngày xưa, dân cư ở đây có đời sống rất khó khăn. Từ khi cánh đồng năn được cải tạo, người dân đào lô nuôi tôm nên cuộc sống cũng cải thiện dần lên”.

Huyện Trần Đề còn được biết đến với những di tích lịch sử, văn hóa thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan; có lễ hội cúng Nghinh Ông mang đậm nét văn hóa dân gian… Và không thể không nhắc đến tuyến tàu khách du lịch từ Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), tạo điều kiện thuận lợi để du khách đi Côn Đảo rút ngắn được thời gian. Từ đó, địa phương sẽ có nhiều điều kiện để quảng bá vùng đất, con người Sóc Trăng nói chung, huyện Trần Đề nói riêng đến bạn bè gần xa.

Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) đi qua huyện Trần Đề và Cảng biển Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, huyện phát triển của hệ thống kho bãi, dịch vụ, hậu cần, hệ thống logistics, Khu Công nghiệp Trần Đề, tin rằng sẽ mở ra không gian phát triển mạnh mẽ cho huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Trong tương lai không xa, đô thị trẻ Trần Đề sẽ vươn mình ra biển lớn.

HOÀNG PHÚC

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202408/hanh-trinh-nam-song-hau-40e0501/