Hành trình nặng nghĩa tri ân

Mùa khô năm 2023-2024, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy, song bằng tình cảm, trách nhiệm đặc biệt với các liệt sĩ, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đội K53 (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) ngày đêm trèo đèo, lội suối trên khắp các cánh rừng để tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh.

Chạy đua với thời gian, đón các anh về đất mẹ

Sau chiến tranh, những vùng quê từng là "túi bom", "chảo lửa", nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt trên đất bạn Lào và Campuchia dần "thay da đổi thịt". Bên Tây dãy Trường Sơn cao xanh hùng vĩ, các nhà máy, xí nghiệp, điện, đường, trường, trạm ngày càng mở rộng, vươn tới những bản làng vùng sâu, vùng xa, giúp đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh; tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp làm cho địa hình, địa vật tại nhiều khu vực thay đổi hoàn toàn khiến việc tìm kiếm, quy tập (TKQT), cất bốc hài cốt liệt sĩ (HCLS) của Đội K53 ngày càng trở nên khó khăn, vất vả hơn.

Theo quy luật khắc nghiệt của tự nhiên, các cựu chiến binh và những người dân từng chứng kiến, tham gia chôn cất bộ đội, chuyên gia Việt Nam cũng ngày một già yếu, lúc nhớ, lúc quên hoặc đã qua đời khiến nguồn tin về các ngôi mộ, phần mộ ngày một ít đi. Thượng tá Lê Công Khoa, Đội trưởng Đội K53 cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn tin về các phần mộ liệt sĩ đã giảm đi đáng kể. Do đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian, bởi chậm trễ là có tội với những người đã khuất”.

Cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ truy điệu, an táng hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Lào và Campuchia.

Cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ truy điệu, an táng hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Lào và Campuchia.

Hơn 50 năm trước, hàng vạn người con ưu tú của Việt Nam hăng hái khoác ba lô lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao đẹp trên đất bạn Lào và Campuchia. Trong cuộc trường chinh vĩ đại ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Tiếp bước cha anh, hành trang lên đường đi tìm đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Đội K53 hôm nay, cũng chỉ có những chiếc ba lô con cóc bạc màu, cuốc chim, xẻng pháo, dao tông, la bàn, bản đồ, cá khô, muối, gạo...

Mùa khô năm 2023-2024, bằng tình cảm, trách nhiệm, các anh đã vượt hàng vạn ki-lô-mét đường rừng, đèo dốc quanh co, hiểm trở, tổ chức đào bới, tìm kiếm ở hàng nghìn khu vực khác nhau. Tuy đã rất nỗ lực, cố gắng, song cũng có chuyến, sau gần hai tháng tích cực rà soát, đối chiếu, chắt lọc thông tin, đào bới, kiếm tìm, các anh vẫn phải về tay không. Song cũng có chuyến, chỉ trong thời gian ngắn, Đội đã tìm được nhiều phần mộ.

Mở tấm bản đồ địa hình trải trên nền đất, Trung tá QNCN Trịnh Mạnh Đạt, Trợ lý Chính sách, Dân vận (Đội K53) bộc bạch: “Cuối năm 2023, trong quá trình thu thập thông tin về các phần mộ liệt sĩ tại những bản làng vùng sâu, vùng xa khu vực giáp biên giới của nước bạn Lào, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện của một bậc cao niên về việc trên quả đồi thấp có hình “bát úp” ở bản Viengxay (huyện Phouvong, tỉnh Attapeu), "hình như" có một khu mộ tập thể của bộ đội Việt Nam. Từ thông tin mong manh ấy, ngay sáng hôm sau, tổ công tác do tôi phụ trách lên đường tìm đến Viengxay. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đêm hôm ấy, chúng tôi đã xác định được vị trí chính xác của quả đồi “bát úp”. Sau gần một tuần tích cực đào bới, chúng tôi đã tìm được 5 phần mộ của bộ đội ta an táng tại đây. Hơn 26 năm đi tìm đồng đội, đây là kỷ niệm đặc biệt nhất đối với tôi”.

Chính quyền, nhân dân nước bạn ủng hộ, giúp đỡ

Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đội K53 luôn quán triệt, chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại, tôn trọng chính quyền, nhân dân và phong tục tập quán địa phương; thực hiện tốt công tác đối ngoại theo quy định của Nhà nước. Trên cơ sở nội dung, chương trình phối hợp của Ban chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum với Ban công tác đặc biệt, Ban chuyên trách các tỉnh của nước bạn, Đội K53 chủ động phối hợp, hiệp đồng và giữ mối liên hệ với các lực lượng, đơn vị, địa phương có liên quan của các tỉnh, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền và nhân dân địa phương để phục vụ công tác TKQT HCLS. Bên cạnh đó, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu sâu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong công tác TKQT HCLS. Nhiều tổ chức, cá nhân của nước bạn đã cung cấp thông tin chính xác cho đơn vị quy tập HCLS, đồng thời cử lực lượng tham gia bảo vệ, dẫn đường và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đơn vị hoạt động. Gần dân, gắn bó với dân, khả năng giao tiếp bằng tiếng Lào, tiếng Campuchia của bộ đội ta không ngừng được nâng lên.

Nơi thâm sơn cùng cốc, hầu như năm nào bộ đội cũng phải đối mặt với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chuyện sốt rét, sốt xuất huyết, ruồi vàng, muỗi vắt, ghẻ lở, hắc lào, bệnh ngoài da... họ cũng đã dần quen. Để bảo đảm an toàn, trên hành trình vạn dặm, bộ đội còn phải tham gia rà phá bom, mìn, vật nổ, bắc cầu phao, cầu gỗ, dựng nhà tạm nên anh nào cũng rất đảm đang, tháo vát. Thiếu úy QNCN A Chia, Đội K53, chia sẻ: “Trước Tết Nguyên đán vừa qua, trong khu rừng nguyên sinh thuộc địa bàn thôn Ô Zơ, huyện Ta Veaeng, tỉnh Ratanakiri, khi phát hiện trên một nấm đất có chiếc thùng phuy cũ được làm dấu cẩn thận, giống phần mộ của bộ đội ta, tôi cùng các đồng đội tổ chức đào tìm. Tuy nhiên, khi vừa chạm cuốc vào nấm đất, khói trắng từ đâu bốc lên mù mịt khiến mọi người đều có cảm giác bỏng rát, cay xè, chóng mặt, nôn thốc nôn tháo. Nhận định đây là mộ giả, do kẻ địch dựng lên để gài bẫy quân ta trong những năm chiến tranh, chúng tôi vội vàng lấp lại và cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng địa phương xử lý”.

Kể về cơ duyên tìm được phần mộ của liệt sĩ Đoàn Thanh Long, Thượng tá Lý Huỳnh Kiên, Chính trị viên Đội K53 xúc động: “Cách đây khoảng 10 năm, chúng tôi được một cựu chiến binh của Lào cung cấp thông tin về một phần mộ liệt sĩ Việt Nam được chôn cất tại bản Sộm Pòi, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu. Tuy nhiên, sau nhiều lần cất công đào bới, đơn vị vẫn chưa tìm được ngôi mộ này. Mùa khô vừa qua, trong một lần đốt nương làm rẫy, bà con bản Sộm Pòi tình cờ phát hiện trong đám cỏ tranh cháy dở ở khu vực bờ sông Sekong, giáp biên giới Campuchia, có một tấm bia đá, kích thước 35x60cm, khắc dòng chữ Doan Thanh Long. Nhận định đây có thể là phần mộ của bộ đội, chuyên gia Việt Nam, bà con đã liên hệ, báo cho Đội K53. Sau khi đào xuống khoảng 80cm, chúng tôi tìm được xương cốt và một số di vật. Qua kiểm tra, đối chiếu thông tin, các cơ quan chức năng xác định, đây là phần mộ của liệt sĩ, Thượng úy Đoàn Thanh Long, quê ở thôn Xuân Kỳ, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nguyên Trợ lý Dân vận của BT3 (Đoàn 559), hy sinh ngày 29-3-1968, tại bản Sộm Pòi. Trong số 16 hài cốt chúng tôi tìm kiếm, cất bốc được trong mùa khô này, bác Long là người duy nhất có thông tin và tìm được thân nhân”.

Sáng 6-6-2024, tại lễ viếng, truy điệu và an táng HCLS được quy tập trong mùa khô năm 2023-2024, đồng chí Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum xúc động: “Chúng tôi xin bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương và biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tinh thần đoàn kết hữu nghị quốc tế cao cả, vì sự bình yên, phát triển của các dân tộc 3 nước láng giềng. Dù tên tuổi các anh chưa được xác định nhưng anh linh của các anh vẫn sống mãi với non sông đất nước và dân tộc Việt Nam. Là những người kế tục sự nghiệp vẻ vang mà các anh để lại, chúng tôi nguyện sẽ đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc; cùng nhau đoàn kết, phấn đấu, làm hết sức mình để góp phần giữ gìn, vun đắp và phát huy hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Lào-Campuchia”.

Tổ quốc ghi công, trong khói trầm nghi ngút bay cao, không khí trang nghiêm, sự hy sinh quên mình của các anh hùng liệt sĩ khiến tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động. Sau bao năm xa cách, nhớ thương, giờ đây, các anh đã trở về trong lòng đất mẹ.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/tim-mo-liet-si/hanh-trinh-nang-nghia-tri-an-781153