Hành trình nhân ái giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) ập đến, bao gia đình mang tang tóc. Có người chịu thương tật suốt đời.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thìn ở xã Thái Học (Bình Giang) nhận hỗ trợ từ Chương trình truyền hình thực tế "Nhân ái giao thông"

Gia đình anh Nguyễn Văn Thìn ở xã Thái Học (Bình Giang) nhận hỗ trợ từ Chương trình truyền hình thực tế "Nhân ái giao thông"

Những việc làm "lá lành đùm lá rách" càng thêm ý nghĩa với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do hậu quả của tai nạn.

Những mảnh đời sau tai nạn

Cơn mưa đầu đông ngang qua làm bầu trời xám xịt. Màu trời ủ dột giống như tâm trạng của anh Mạc Văn Miễn gần một năm qua, từ khi vợ anh, chị Đoàn Thị Phương bị TNGT. Những hôm không đi học, bé út Mạc Đoàn Thảo Trang (4 tuổi) chỉ quẩn quanh ở nhà và trở thành "người đưa tin" cho mẹ. Hễ mẹ vẫy tay, Thảo Trang sẽ biết tìm bà hoặc bố để báo rằng mẹ cần đi vệ sinh hay uống nước.

Từ một phụ nữ trẻ nhanh nhẹn, lành nghề thiết kế quảng cáo, hiện chị Phương giống như đứa trẻ lên 3, mọi ăn uống, sinh hoạt đều trông chờ vào bàn tay của mẹ già, người chồng lam lũ và bé Hà Linh, cô con gái lớn 9 tuổi. Những người ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) đều biết chuyện ấy và ai cũng xót xa, thương cảm.

25.12.2018 là một ngày ám ảnh đối với anh Miễn khi nghe tin vợ và con bị TNGT. Từ xưởng cơ khí, mặt mũi, áo quần còn lấm lem dầu mỡ, anh Miễn ào đến bệnh viện. Phía bên kia cửa kính, chị Phương nằm thiêm thiếp, dây dợ đầy người. May sao, Thảo Trang khi ấy chỉ bị trật khớp vai. Một giờ, hai giờ rồi nhiều giờ trôi qua, mọi câu trả lời của bác sĩ về tình hình của chị Phương chỉ là những cái lắc đầu.

Anh Miễn như đổ gục. "Phải ghép sọ" là câu cuối cùng anh được nghe trước cửa phòng cấp cứu. Và bắt đầu một hành trình mới của 2 vợ chồng khắp các bệnh viện trên Hà Nội. Mảnh sọ được nuôi cấy trong vòng mấy tháng và ghép lại cho chị Phương chưa lâu. Bây giờ không chỉ là vấn đề về nhận thức, vận động mà hễ trái gió trở trời, nếu không kịp uống thuốc, những cơn động kinh lại ập đến với chị Phương bất cứ lúc nào.

Vợ chồng chị Phương thuê nhà ở TP Hải Dương. Chồng làm cơ khí, vợ làm thiết kế quảng cáo. Gian nhà trọ chật chội, thiếu hụt đủ thứ nhưng luôn ăm ắp tiếng cười.

Trong một lần đón con, mẹ con chị Phương bị một chiếc xe máy tông vào trên đường Lê Thanh Nghị. Nếu hôm ấy không đội mũ bảo hiểm thì chưa biết hậu quả sẽ thảm khốc thế nào. Đang là chỗ dựa của mấy bố con, bây giờ chị Phương chỉ ngồi một chỗ, anh Miễn bỏ việc trên thành phố, đưa vợ và 2 con về nương náu ở nhà ngoại để tiện chăm sóc.

"Công nợ trả dần, cháo húp vòng quanh", món nợ vài trăm triệu đồng còn sức còn trả được, nhưng tình trạng của chị Phương rồi đây tiến triển thế nào anh Miễn không dám chắc.

Sinh năm 1984, kém chị Phương 1 tuổi nhưng thương tật của anh Đỗ Văn Giao ở thôn My Cầu, xã Tân Hồng (Bình Giang) còn nặng nề hơn, cũng từ sau một vụ TNGT cách đây chưa lâu. Nếu chị Phương có thể đi nhúc nhắc khi có người dìu thì anh Giao gắn chặt mình trên giường hoặc chiếc xe lăn.

Anh Giao bị tai nạn tới 3 lần. Năm 2015, đang đi làm ở Chí Linh, do không quen đường nên anh tự ngã, ảnh hưởng đến não, vỡ quai hàm. Năm sau ở Gia Lộc, anh bị ngã gẫy tay do tránh người đi đường. Lần thứ ba, tại Hưng Yên, trên đường đi làm anh va chạm với ô tô, bị chấn thương sọ não, gẫy xương đùi, xương háng.

Từng là cán bộ thị trường của một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, bây giờ anh Giao không thể đi lại. Lúc trước, mặc dù gia đình anh còn nhiều gian khó nhưng vợ con vui vầy, đầm ấm.

Kể từ khi anh Giao gặp nạn, người vợ lặng lẽ ôm con rời đi, bỏ lại anh cho bố mẹ già chăm sóc. Nếu không có vụ tai nạn ngày ấy, biết đâu căn nhà cấp bốn loang lổ rêu mốc anh đang trú ngụ đã được thay bằng một ngôi nhà mới, giống như lời hứa của anh với bố mẹ năm nào.

Từ ngày bị tai nạn giao thông, anh Đỗ Văn Giao ở xã Tân Hồng (Bình Giang) phải gắn chặt với chiếc xe lăn và nhờ sự giúp đỡ của mẹ trong ăn uống, sinh hoạt

Từ ngày bị tai nạn giao thông, anh Đỗ Văn Giao ở xã Tân Hồng (Bình Giang) phải gắn chặt với chiếc xe lăn và nhờ sự giúp đỡ của mẹ trong ăn uống, sinh hoạt

Không may mắn giữ được mạng sống như chị Phương hay anh Giao, anh Ngô Đức Nghinh ở thôn Quách An, xã Thanh An (Thanh Hà) đã ra đi mãi mãi sau một vụ TNGT thảm khốc 8 năm trước, để lại 2 con nhỏ cho người vợ khi ấy mới 23 tuổi.

Anh Nghinh không chỉ là một công an xã nhiệt tình mà còn làm kinh tế giỏi. "Con chỉ nghe mẹ và ông nội kể về bố, vì khi bố mất do TNGT con còn nhỏ. Con bị thiệt thòi khi không còn bố...", Ngô Đức Nguyệt Anh, con trai út của anh Nghinh rụt rè nói.

Từ khi chồng mất, đã 8 năm nay chị Nguyễn Thị Nguyệt một mình chăm sóc bố chồng năm nay đã 83 tuổi và 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Chị nhớ như in hôm chồng gặp nạn và luôn giật mình thảng thốt mỗi khi nhớ về ngày ấy.

Ở viện hôm đó, ánh mắt anh nhìn chị, bờ môi mấp máy như dặn dò, như gửi gắm điều gì mà không nói được. Rồi anh ra đi... Chồng mất, gia đình nhà ngoại cũng khó khăn nên không hỗ trợ được nhiều, một mình chị Nguyệt xoay xở đủ nghề kiếm sống.

May thay, 2 con cứ thế lớn lên ngoan ngoãn. Ngô Đức Quang đã trở thành sinh viên đại học, còn Nguyệt Anh luôn dẫn đầu khối 7 Trường THCS Thanh An...

"Mệnh lệnh" từ trái tim

Chị Phương, anh Giao hay gia đình chị Nguyệt là những trường hợp được nhận hỗ trợ từ Chương trình "Nhân ái giao thông" do Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh phối hợp Công an tỉnh và Công ty TNHH Long Hải thực hiện từ năm 2018 đến nay.

Trước đó, giai đoạn 2015-2017, cũng với sự tài trợ của Công ty TNHH Long Hải, các đơn vị đã phối hợp thực hiện Chương trình truyền hình thực tế "Đồng hành thoát nghèo". 208 con bò sinh sản tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng đã được trao tặng cho 208 gia đình có nạn nhân TNGT. Ngoài ra, còn có 208 triệu đồng được hỗ trợ cho những người hướng dẫn các hộ trên nuôi 208 con bò sinh sản.

Nhưng do nhận thấy nhiều gia đình có nạn nhân TNGT không có điều kiện chăm sóc bò sinh sản, để phù hợp hơn, các đơn vị đã triển khai Chương trình truyền hình thực tế "Nhân ái giao thông" và hỗ trợ bằng tiền mặt (15 triệu đồng/trường hợp) bắt đầu từ ngày27.3.2018.

Công ty TNHH Long Hải là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Hải Dương cho đến nay đồng hành cùng chương trình thiện nguyện mang ý nghĩa nhân văn lớn này.

Lãnh đạo công ty cho rằng đây là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng của những người làm doanh nghiệp. "Lý do công ty tài trợ cho Chương trình Nhân ái giao thông không có gì quá to tát mà giống như một mệnh lệnh của trái tim.

Xuất phát từ tình hình TNGT diễn ra thường xuyên, có vụ mức độ rất nghiêm trọng, để lại nhiều hoàn cảnh đau thương, dai dẳng nên doanh nghiệp mong muốn được sẻ chia, hỗ trợ.

Qua đó, đơn vị muốn gửi gắm thông điệp, mỗi người hãy tuân thủ quy định về giao thông, trước hết để bảo vệ bản thân, sau đó giữ an toàn giao thông cho cộng đồng, giảm bớt thương đau do TNGT gây ra", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Hải cho biết.

Là một trong những người đầu tiên xây dựng kịch bản và thực hiện Chương trình truyền hình thực tế "Đồng hành thoát nghèo", nay là "Nhân ái giao thông", chị Hoàng Thanh Vân, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương không nhớ mình đã bao lần rơi nước mắt trước những người khốn khổ, kiệt quệ vì TNGT. Cụ già, người trung tuổi, những trai tráng, em bé, những cán bộ, công nhân hay nông dân... ai ai cũng có thể trở thành nạn nhân TNGT.

Từ ngày nhận được tiền hỗ trợ của chương trình, gia đình anh Nguyễn Văn Thìn (sinh năm 1966) ở thôn Phú Khê, xã Thái Học (Bình Giang) đã phần nào bớt khó khăn. Anh được thăm khám thường xuyên nên vận động tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Dầm (85 tuổi), mẹ anh Thìn, trước khi bị nạn, anh là người hiền lành chịu khó, cùng vợ nuôi dạy các con. Lúc ấy anh làm ruộng, có máy đi cày thuê trong làng ngoài xã. Từ ngày bị tai nạn đến giờ, chiếc xe lăn, người vợ tảo tần trở thành đôi chân bất đắc dĩ của anh. Nếu vợ vắng nhà, muốn ra đầu ngõ xem cuộc sống thế nào, bà con trò chuyện ra sao với anh Thìn cũng là điều rất khó.

Anh luôn mong một ngày sẽ rời bỏ được chiếc xe lăn để trở lại công việc, đỡ đần mẹ già và vợ giống như trước kia khi anh chưa bị TNGT. "Niềm vui của mỗi gia đình là niềm vui của những người làm chương trình như chúng tôi. Khi nghe tin họ vơi bớt khó khăn, có nạn nhân đi lại được hoặc trở lại công việc thường ngày, chúng tôi biết rằng mình đã góp một phần vào thành quả đó", chị Vân chia sẻ.

TIẾN HUY

Chương trình truyền hình thực tế "Đồng hành thoát nghèo" và nay là "Nhân ái giao thông" đã hỗ trợ 378 nạn nhân tai nạn giao thông ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với tổng trị giá hơn 5,6 tỷ đồng. Mỗi chương trình là một hoàn cảnh khó khăn do tai nạn giao thông mà nạn nhân không có lỗi trong vụ tai nạn đó.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/viec-tu-te/hanh-trinh-nhan-ai-giao-thong-121098