Hành trình những cây cầu

Trong cái bâng khuâng của một ngày đầu Xuân, chậm rãi đi trên làn đường nhỏ hẹp của cầu Long Biên, trông sang con đường vun vút ở phía cầu Nhật Tân lại thấy ùa về câu chuyện của tình yêu trăm năm. Những cây cầu cứ thế, như những nét vẽ khoáng đạt vào trời mây sông nước, đã và sẽ tiếp tục là nhân chứng cho sự phát triển văn minh, hiện đại của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm tuổi.

Cầu Long Biên, cây cầu nối quá khứ và hiện tại

Cầu Long Biên, cây cầu nối quá khứ và hiện tại

Ở bất cứ đâu, cây cầu luôn là công trình dễ nhận biết, bởi đặc điểm nằm vắt ngang dòng chảy của sông hay bề mặt của hồ, giao hòa cùng khung cảnh thiên nhiên, với khung trời rộng mở như làm phông nền để tô điểm thêm. Và cầu trong không gian thành phố luôn chứa đựng hoạt động đô thị sống động của con người.

Cái tên Hà Nội hôm nay diễn nôm là thành phố “trong sông”. Nhưng từ thời xa xưa, câu ca dân gian cửa miệng của người Hà Nội: “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” đã định vị cái thế “cận giang” của một Thủ đô ngàn năm tuổi.

Và trong ký ức của không ít người, vẫn chưa xa một Hà Nội cách đây hơn thế kỷ, khi ấy thành phố mới chỉ vẻn vẹn nằm ven sông Hồng với vài vạn dân sinh sống. Khi ấy cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên, và cũng là duy nhất bắc ngang sông, người đi bộ, xe đạp, ô tô, và cả tàu hỏa nữa, cùng đi chung một đường. Vậy mà cũng vẫn đủ, vậy mà cũng vẫn vắng hoe…

Khởi công năm 1898 và khánh thành vào ngày 28/02/1902, cầu Long Biên được những người dựng lên nó tự hào gọi là cây cầu nối liền hai thế kỷ. Đến nay, nó có thể khiêm tốn hơn nhiều so với những cây cầu nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn điềm nhiên là một biểu tượng đầy tự hào của Thủ đô. Bởi lẽ nó đã hội tụ được đủ ba yếu tố: Tác phẩm kiến trúc - xây dựng; mang ý nghĩa ước lệ của cuộc sống; là một không gian đô thị sống động gắn liền với giá trị lịch sử.

Trong đêm đầy sao, đứng trên tầm cao Hà Nội hôm nay, chúng ta còn trông thấy cầu Nhật Tân tỏa sáng thật lung linh, rực rỡ. Câu chuyện cách nay chừng độ vài năm, vào dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, cầu Nhật Tân được khánh thành, nối con đường từ trung tâm Hà Nội - Trái tim của cả nước, qua Đại lộ Võ Nguyên Giáp, tới Nhà ga T2 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trở thành một sự kiện lớn trong năm của Thủ đô.

Các nhà thiết kế và những người thi công thì tự hào công bố rằng đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam, cũng là một trong số 3 cây cầu có 5 nhịp dây văng liên tục trên thế giới. Còn các nhà quy hoạch và chuyên gia kinh tế thì đánh giá cầu Nhật Tân, cùng với cụm công trình giao thông liên hoàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, khi mà từ nay thời gian đi từ trung tâm Hà Nội đến Sân bay Nội Bài giảm chỉ còn gần một nửa so với trước kia. Người Hà Nội thì náo nức trầm trồ trước vẻ đẹp đẽ, hoành tráng của cây cầu vươn mình ngạo nghễ giữa trời mây sông nước, như biểu tượng của một sức vóc đang lớn dậy từng ngày…

Cầu Nhật Tân, cây cầu hiện đại của Thủ đô

Cầu Nhật Tân, cây cầu hiện đại của Thủ đô

Có người trầm ngâm đứng trên cầu Nhật Tân nhìn về quá khứ với những hồi ức xa xăm. Lúc này, cầu Long Biên thực sự trở thành một chứng nhân bền bỉ và ngạo nghễ của lịch sử. Từ Long Biên đến Nhật Tân, những cây cầu lần lượt nối liền hai bờ sông Hồng, nối liền lịch sử hôm qua và hôm nay, đã tạo ra cho mảnh đất “ngàn năm văn hiến” những dáng vẻ vừa bề thế vừa thâm trầm, vững chãi, lại vừa đặc sắc, quyến luyến lòng người.

Theo quy hoạch chiến lược phát triển hệ thống giao thông vận tải (đến năm 2030, tầm nhìn 2050), Hà Nội sẽ xây dựng thêm 16 cây cầu bắc qua sông Hồng nữa. Đó là nhu cầu tất yếu để tạo sự liên kết quan trọng giữa Hà Nội với các vùng lân cận, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các trung tâm thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Sự góp mặt của mỗi cây cầu là “điểm tựa” đưa Thủ đô bước nhanh vào con đường hội nhập quốc tế, để Hà Nội cất cánh trong tương lai.

Giữa cái rộn ràng của Xuân mới, lang thang giữa thành phố ăm ắp những kỷ niệm, trong một tâm thế vừa lạ vừa quen, vừa thân thuộc lại vừa không khỏi ngỡ ngàng trước bao điều đã biết, bao điều chưa biết cùng bao điều vừa chợt đến... Cũng như câu chuyện của tình yêu, câu chuyện về những cây cầu, câu chuyện về sức vươn lên của Hà Nội, là những chuyện của trăm năm. Chuyện từ ngày xưa, kể lại hôm nay để nhìn tới mai sau...

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hanh-trinh-nhung-cay-cau-102583.html