Hành trình nước sạch miền Tây
Cuối tháng 5, điểm đến của hành trình lắp đặt máy lọc nước cứu vùng hạn mặn Nam Bộ là Ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Anh Danh Út Truyền, Bí thư Đoàn xã vừa đón đoàn, vừa trực tiếp lái xe ba gác chở bồn nước vào ấp.
Vội làm cho kịp lọc nước
Xã An Minh Bắc nằm ở bìa rừng U Minh Thượng, có 9 ấp, từng là chiến khu cách mạng thời chống Mỹ. Toàn huyện U Minh Thượng có sáu xã thì mới có hai xã được trang bị hệ thống xử lý nước sạch. Bốn xã còn lại, người dân sử dụng nguồn nước tự nhiên cho mọi nhu cầu cuộc sống và nguồn nước này nhiều năm trở lại đây đã bị nhiễm mặn và phèn trầm trọng.
Ấp Kinh 5 có 410 hộ dân, tương đương với hơn 1.000 nhân khẩu. Mới 20 giờ, toàn ấp chìm vào giấc ngủ, cán bộ xã liên hệ, nhờ một hộ dân nấu giúp mì ăn liền cho đoàn. Hay tin ấp có khách xa, lại là đoàn kỹ thuật lắp máy lọc nước, người dân hồ hởi đãi khách mỗi người một bát mì ăn liền hai gói kèm trứng gà. Công việc lắp máy lọc nước diễn ra ngay sau bữa ăn tối vội vàng, trong màn đêm tĩnh lặng. Muỗi rừng nhiều vô kể. Khắp không gian, thanh âm của rừng cứ u minh, trầm lặng, thỉnh thoảng vẳng lên tiếng kêu tắc kè.
Máy lọc nước đặt tại Ấp Kinh 5 thuộc công nghệ xử lý nước nhiễm phèn tiên tiến của SYL với phương pháp sục khí và màng lọc gốm. Theo đó, nước giếng khoan trong bồn chứa sẽ được hệ thống bơm sục khí. Oxy trong khí quyển sẽ dễ dàng oxy hóa sắt có trong nước phèn, mangan thì không dễ bị oxy hóa. Sử dụng hệ thống sục khí có thể cung cấp đủ oxy hòa tan vào nước để biến đổi các kim loại có trong nước phèn thành các chất rắn. Nước sau đó sẽ được chảy qua hệ thống lọc gốm để loại bỏ các chất rắn này. Sử dụng không khí để oxy hóa các kim loại trong nước phèn là biện pháp tiết kiệm chi phí, vì không cần mua thêm hóa chất.
Điểm mới của công nghệ này là sử dụng vật liệu gốm lọc nước phèn. Vật liệu lọc gốm có tác dụng loại bỏ mangan, sắt, hydro sunfua khỏi nước. Đây là các thành phần chính trong nước nhiễm phèn. Vật liệu gốm là loại vật liệu mới, tiên tiến được sử dụng trong hệ thống lọc phèn của SYL. Định kỳ, hệ thống có thể tiến hành súc rửa ngược để làm sạch màng lọc. Hệ thống lọc công suất 1m3/giờ, mỗi ngày cung cấp trung bình 15m3 nước sạch đạt tiêu chuẩn cho cụm dân cư, trường học, trạm y tế…
Sau một đêm dài thao thức, buổi sáng trong rừng U Minh Thượng thật bình yên. Từng đàn chim thức giấc bay đi kiếm ăn rợp cả khoảng trời xao xác. Đoàn kỹ thuật di chuyển tới trụ sở ấp. Thứ bảy, người dân bần thần thông báo sẽ có lịch cắt điện lưới. Bí thư Đoàn xã tất tưởi đi lo nguồn máy phát điện. Anh phải chạy xe ra tận huyện mới mượn được máy phát, hành trình ấy mất tới hơn ba giờ đồng hồ. Bà con nhân dân khấp khởi trông chờ tận mắt chứng kiến chiếc máy lọc nước đi vào hoạt động.
Đúng 10 giờ 30 phút, chạy máy phát điện, bơm nước từ giếng khoan vào bồn chứa. Ban đầu nước có vẻ rất trong, tuy nhiên chỉ sau 15 phút sục khí toàn bộ nước giếng khoan ngả vàng, nổi váng, đúng đặc điểm nước nhiễm phèn.
11 giờ 30 phút, chạy máy lọc, chuyển nước sau lọc sang bồn chứa nước sạch. Các kỹ sư lấy mẫu hai chai nước, một chai từ giếng khoan chưa lọc, một chai nước sau lọc để kiểm tra và người dân cũng hào hứng thử. Quy trình kiểm tra sát sao tới tận chiều, trước khi đoàn tiến hành trao tặng, bàn giao, hướng dẫn vận hành. Thú vị là các em học sinh Trường tiểu học An Minh Bắc đến dự lễ và tắm thử. Người dân lân cận nô nức tới lấy nước về sinh hoạt.
Ngóng sự chung tay
Những năm gần đây, người dân xã An Minh Bắc phải mua nước đóng bình 20 lít. Giá mua trung bình khoảng 18 nghìn - 20 nghìn đồng/bình. Mỗi ngày, một hộ gia đình dùng hết một bình. Do giá xăng dầu tăng, giá đổi nước cũng tăng theo. Để có nguồn nước sinh hoạt, mỗi hộ dân đều tự khoan giếng và sống chung với nguồn nước nhiễm phèn. Mùa mưa, có thể trữ nước mưa để sử dụng. Có hệ thống lọc nước tiên tiến, người dân mới có thể chủ động về nguồn nước sạch bảo đảm sinh hoạt, vệ sinh an toàn, ổn định sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, nguồn nước tại chín tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ đều bị nhiễm phèn, nguyên nhân chính là do thổ nhưỡng. Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra rất gay gắt, nước biển dâng cao đẩy xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền. Cùng với đó, mực nước ngọt từ sông Mê Công bị suy kiệt, dẫn tới mặn nội đồng không được rửa trôi. Bên cạnh đó, tình trạng công nghiệp hóa diện rộng diễn ra như hiện nay, đất, nước bị ô nhiễm hóa chất ngày một cao. Hàm lượng các chất như amoni, asen, nitrit, chì… trong nước gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Trước đó, từ năm 2015, Công ty công nghệ môi trường SYL đã thành công trong công nghệ lọc nước mặn thành nước ngọt ăn uống phục vụ nhu cầu người dân vùng xâm nhập mặn đồng bằng Tây Nam Bộ và các đảo xa bờ. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị này đã lắp đặt hơn 30 hệ thống xử lý nước mặn tại các tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ, như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang… Các đảo trên quần đảo Trường Sa cũng được trang bị hơn 20 hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt.
Năm 2017, công nghệ lọc nước mặn thành nước ngọt của SYL vinh dự đoạt Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec). Theo khảo sát của các chuyên gia, hiện có hơn 2.000 điểm trường học nằm ở vùng xâm nhập mặn chín tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ cần có hệ thống xử lý nước sạch. Những điểm trường này nằm ở các huyện ven biển, chịu xâm nhập mặn và nhiễm phèn quanh năm, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của toàn xã hội.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-chinhtri/hanh-trinh-nuoc-sach-mien-tay-699745/