Hành trình rút 'thẻ vàng' IUU

Hiện nay, các quốc gia Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines không ngừng tăng cường các biện pháp tuần tra, nâng mức xử phạt tiền, tịch thu tàu cá vi phạm, vì vậy, ngư dân Việt Nam phải có ý thức, tự giác chấp hành. Ở các tỉnh miền Trung, Bình Định là địa phương vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm IUU. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban ngành trong tỉnh và BĐBP triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để từng bước ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ngư dân vi phạm IUU.

Bài 3: Cần sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm IUU

Vi phạm nhưng khó xử phạt

Trong buổi trao đổi về tình hình ngăn chặn ngư dân Bình Định vi phạm IUU, Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Định cho biết, tỉnh Bình Định có khoảng 400 tàu cá di chuyển ngư trường vào các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bình Thuận và nhiều năm nay không quay trở về địa phương, có khoảng 94% tàu cá bị nước ngoài bắt giữ rơi vào các tàu này. Theo quy định, những chiếc tàu cá thuộc diện lâu ngày không trở về quê, khi hết hạn đăng kiểm thì họ chỉ cần lên Chi cục Thủy sản của địa phương mà tàu lưu trú để làm thủ tục kiểm tra, gia hạn.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình cho biết, BĐBP Bình Định đang phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh xử lý triệt để tình trạng ngư dân vi phạm IUU. Ảnh: Văn Chương

Đại tá Nguyễn Quốc Bình cho biết, BĐBP Bình Định đang phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh xử lý triệt để tình trạng ngư dân vi phạm IUU. Ảnh: Văn Chương

Những chiếc tàu di chuyển ngư trường vào phía Nam được chủ tàu thả neo nhiều nhất là tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhiều tàu trong số này có chiều dài dưới 15m, công suất chỉ 50-80CV và theo quy định thì không phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Vùng biển phía Nam có đặc điểm là ít bão tố, vì vậy, các ngư dân liều mình sử dụng tàu nhỏ để ra khơi, có cơ hội là đánh bắt cá trái phép. Có rất nhiều tàu cá bị các nước bắt giữ, sau khi được trả về thì việc xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng gặp khó khăn.

Đơn cử như tàu BĐ 93321 TS của ngư dân Đặng Ngọc Hồng, sinh năm 1969, trú tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, một trong những chiếc tàu vi phạm IUU và bị Malaysia bắt giữ từ năm 2020, nhưng tới năm 2022, việc xử lý vi phạm hành chính vẫn đang gặp khó. Bởi theo điểm B, khoản 3, Điều 20, Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”, mức phạt 900 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là: tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 12 tháng, nên khi tàu BĐ 93321 TS và toàn bộ ngư dân được các cơ quan chức năng của Malaysia thả về địa phương sau khi bị bắt giữ ngày 25/8/2020, cơ quan chức năng của Việt Nam không xử phạt được vì chủ tàu viện lý do không đủ tiền nộp phạt.

Và thực tế, đến thời điểm này, tại Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định, hồ sơ xử lý hành chính tàu cá vi phạm IUU hiện nay là 29 trường hợp, nhưng mới xử lý được 1 trường hợp. Nguyên nhân của tình trạng trên là do, các ngư dân viện lý do là không còn đủ tiền để nộp phạt, kể cả khi treo bảng bán nhà. Để có thể xử lý được những ngư dân vi phạm IUU, các cơ quan chức năng phải lập hồ sơ xác minh nguồn kinh tế, tài sản của các chủ tàu không chịu nộp phạt. Xong, đến thời điểm này, tại UBND xã Cát Tiến, huyện Phù Cát còn lưu khá nhiều hồ sơ do chưa xác minh được ngoài các khoản nợ ngân hàng thì chủ tàu có vay nợ bà con, họ hàng… không để có căn cứ tiến hành xử phạt.

Cần xử lý mạnh tay

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng này tại Bình Định vẫn chưa chấm dứt, ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Nguyên nhân là những tàu cá vi phạm của Bình Định đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, đã nhiều năm liền không về địa phương, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến cho các ngư dân các quy định và ký cam kết không vi phạm IUU.

Một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam mất tín hiệu giám sát hành trình ở điểm giáp ranh. Ảnh: Văn Chương

Một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam mất tín hiệu giám sát hành trình ở điểm giáp ranh. Ảnh: Văn Chương

Do vậy, cùng với chủ trương, biện pháp của tỉnh để góp phần chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, UBND tỉnh Bình Định cũng đang kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường các lực lượng chấp pháp có mặt thường xuyên trên vùng biển chồng lấn để kiểm tra, kiểm soát kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa tàu cá Việt Nam có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP và BĐBP các tỉnh từ Bình Thuận đến Kiên Giang kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện tàu cá Bình Định có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài để cảnh báo, răn đe, xử lý.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu cá của Bình Định lâu ngày không về địa phương; xây dựng quy chế phối hợp về quản lý phương tiện tàu cá đối với các lực lượng chấp pháp trên biển để quản lý và xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài triệt để.

Theo Thượng tá Đoàn Anh Tiến, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 BĐBP, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường tuần tra, tiếp cận các tàu đánh cá trên biển để tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định, không vi phạm IUU. Công tác này sẽ tiếp tục được tiến hành thường xuyên ở dọc tuyến biển từ Phú Yên ra tới tỉnh Quảng Trị, trong đó, tập trung ở các vùng trọng điểm như Quảng Ngãi, Bình Định. Còn tại Đồn Biên phòng Cát Khánh, quyết tâm ngăn chặn, xử lý các tàu cá vi phạm IUU được thể hiện từ Nghị quyết, đến kế hoạch của đơn vị, rồi đến các đội công tác. Tại Văn phòng Tổ IUU cảng cá Đề Gi đưa ra hàng chồng hồ sơ về việc phối hợp với Đội Trinh sát của Đồn Biên phòng Cát Minh nhắc nhở các chủ tàu cá vì thiết bị giám sát hành trình mất kết nối trong thời gian ngắn, nhưng không thông báo ngay vào bờ. Ông Nguyễn Văn Thạch, Tổ trưởng Tổ IUU cảng cá Đề Gi cho biết, việc nhắc nhở quyết liệt, gắn với việc xử phạt nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm đã kịp thời chấn chỉnh, hạn chế tối đa tình trạng ngư dân vi phạm IUU tại địa phương.

Hiện nay, đối với tàu cá đánh bắt trái phép trong khu vực nuôi trồng của Indonesia, thuyền trưởng sẽ bị phạt 7 năm tù, xử phạt số tiền lên tới 38 tỷ đồng. Nếu làm giả giấy phép khai thác thủy sản để vào vùng biển Indonesia đánh bắt thì bị phạt tiền gần 6 tỷ đồng, phạt tù 7 năm. Đối với Malaysia thì mức xử phạt với thuyền trưởng tàu cá đánh bắt trái phép là 263.000 USD, tương đương 6 tỷ đồng, phạt tù từ 2 đến 6 tháng.

Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hanh-trinh-rut-the-vang-iuu-post454115.html