Hành trình sáng tạo: Cải tiến lượng nổ dài, bảo đảm an toàn trong huấn luyện

Nhằm giúp bộ đội thuận tiện trong thao tác và liên kết bộ đồ dùng gây nổ vào lượng nổ dài sát thực tế chiến đấu và bảo đảm an toàn, Thượng tá Vũ Xuân Mạnh, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 (Quân đoàn 12) đã nghiên cứu, cải tiến lượng nổ dài thành công, được ứng dụng rộng rãi tại các đơn vị thuộc Quân đoàn 12.

Lượng nổ dài có sức công phá lớn, uy lực mạnh nhằm phá các loại vật cản như hàng rào dây thép gai, bãi mìn... Mô hình lượng nổ dài dùng trong huấn luyện đã được sản xuất đồng loạt cấp cho các đơn vị. Tuy nhiên, khi thực hành đánh thuốc nổ thật thì không thể sử dụng mô hình này mà phải sử dụng thanh nẹp (thường làm bằng tre) để gắn lượng, buộc vào đuôi của mô hình lượng nổ dài.

Thượng tá Vũ Xuân Mạnh, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 12 (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu tính năng của lượng nổ dài khi được cải tiến.

Thượng tá Vũ Xuân Mạnh, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 12 (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu tính năng của lượng nổ dài khi được cải tiến.

Là người giàu kinh nghiệm với nhiều năm huấn luyện tại đơn vị, Thượng tá Vũ Xuân Mạnh cho rằng: Phương pháp trên chưa sát thực tế giữa huấn luyện và thực hành, bởi trong huấn luyện, chiến sĩ được hướng dẫn trực tiếp làm động tác trên mô hình lượng nổ dài, nhưng khi đánh lượng nổ thật, không thể gắn lượng nổ và đồ dùng gây nổ trực tiếp trên mô hình (không có các vị trí để gắn nụ xùy, dây cháy chậm, kíp và lượng nổ nhỏ). Hơn nữa, mô hình lượng nổ dài (dài 1,2m), nhưng không chịu được áp lực thuốc nổ nên bộ đội phải sử dụng thanh gắn lượng nổ thật tách rời. Vì thế, chiều dài khi buộc thêm thanh nẹp tăng thêm khoảng 30cm. Việc chằng buộc thanh nẹp gây khó khăn cho việc cơ động, động tác tay cầm không đúng vị trí, điểm hỏa không sát thực tế.

Ngoài ra, với việc chuẩn bị, sử dụng vật tư tiêu hao là thanh nẹp bằng tre, lạt buộc (trung bình, mỗi đại đội bộ binh cần chuẩn bị 100-120 bộ thanh nẹp, mỗi tiểu đoàn bộ binh cần chuẩn bị 350-400 bộ thanh nẹp) làm mất thời gian, cần nhiều nhân lực và tốn kinh phí mua vật liệu. Ngoài ra, sau khi gắn thanh nẹp, bộ đội chỉ có thể cầm phía đuôi của mô hình lượng nổ dài, phần lượng nổ và đồ dùng gây nổ bị kéo dài phía sau, vì thế, tay không thể che, bảo đảm an toàn được phần đầu dây giật của nụ xùy nên khi vận động trong điều kiện địa hình có nhiều cây cối, thanh nẹp dễ bị xô lệch, phần dây kéo giật của nụ xùy dễ bị vướng vào cây, gây mất an toàn.

Do đó, sau nhiều ngày nghiên cứu, Thượng tá Vũ Xuân Mạnh đã cải tiến lượng nổ dài với phần đầu làm bằng ống thép đặc; phần thân ống thép tạo bề mặt phẳng để đặt lượng nổ đã được liên kết với đồ dùng gây nổ; phần đuôi thiết kế rãnh khuyết đặt nụ xùy. Với cách cải tiến này, nụ xùy được gắn chắc chắn, chiến sĩ thực hiện đúng động tác chiến thuật, lượng nổ dài dùng được nhiều lần và bảo đảm an toàn cho bộ đội trong huấn luyện.

Bài và ảnh: DUY ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hanh-trinh-sang-tao-cai-tien-luong-no-dai-bao-dam-an-toan-trong-huan-luyen-763095