Hành trình sáng tạo: Hệ thống thiết bị tập bắn súng K54
Hệ thống thiết bị tập bắn súng K54 do Thiếu tá, Ths Đoàn Văn Dũng, giảng viên Bộ môn Thuật phóng và điều khiển hỏa lực (Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự) cùng đồng sự nghiên cứu thành công đã được nhiều đơn vị ứng dụng vào huấn luyện cho đội ngũ sĩ quan.
Điểm nổi bật của hệ thống thiết bị tập bắn súng K54 là không sử dụng đạn nhưng mô phỏng các hiệu ứng của phát bắn đạn thật, mang lại cho người tập cảm giác sát thực tế và bảo đảm an toàn, tiết kiệm; hiển thị kết quả ngắm bắn của người tập để rút kinh nghiệm và sửa bắn. Hệ thống kết nối không dây, dễ dàng triển khai huấn luyện trong mọi điều kiện sân bãi, thao trường, thời tiết ban ngày và ban đêm nhằm giúp người chỉ huy linh hoạt trong tổ chức luyện tập theo yêu cầu của bài bắn.
Hệ thống thiết bị tập bắn súng K54 mô phỏng hoạt động của súng K54 như khi bắn đạn thật, gồm: Mô phỏng hiệu ứng giật của súng khi bắn; mô phỏng âm thanh tiếng nổ đầu nòng của súng khi bắn; khống chế số phát bắn theo đúng số đạn quy định của từng bài bắn. Các thao tác trên thiết bị theo đúng thao tác bắn đạn thật, như: Không mở khóa an toàn, không làm động tác lên đạn cho phát bắn đầu tiên sẽ không bắn được; từ phát bắn thứ hai, thiết bị tự động lên đạn, lúc này, nếu làm động tác lên đạn sẽ bị mất đạn...
Cấu tạo của hệ thống gồm 3 khối thành phần chính: Khối thiết bị trên súng (đây là mô hình súng được hoán cải, thay thế và lắp ghép một số chi tiết để có thể mô phỏng lại các hiệu ứng của một phát bắn như khi bắn đạn thật: Hiệu ứng lực giật, tiếng nổ...); khối bia bắn có gắn hệ thống các cảm biến laser phía sau mặt bia để có thể xác định được vị trí của vết laser trên bia, tượng trưng cho vết đạn; khối hiển thị, với máy tính tích hợp phần mềm điều khiển, dùng thiết lập các bài bắn và hiển thị điểm, vị trí của phát bắn để người bắn rút kinh nghiệm và sửa bắn. Ngoài ra, hệ thống còn có thành phần phụ trợ như thiết bị tạo giả âm thanh, sạc pin...
Theo Thiếu tá, Ths Đoàn Văn Dũng, do cấu tạo của súng K54 nhỏ gọn nên hạn chế không gian để thiết kế. Vấn đề phức tạp nhất trong quá trình thiết kế chính là mô phỏng lại hiệu ứng của một phát bắn đạn thật để người tập được trải nghiệm sát thực tế, rèn luyện kỹ thuật bắn và cảm giác tâm lý. Mặt khác, xác định được kết quả bắn nhanh chóng, chính xác trong mọi điều kiện thời tiết để sửa bắn hiệu quả cũng là nội dung khó... Giải pháp kỹ thuật cho vấn đề trên là sử dụng công nghệ ma trận cảm biến laser trong xác định điểm của phát bắn, phân tích ứng dụng công nghệ xử lý mới như thuật toán học để lọc nhiễu trên ngưỡng nền động, bởi vậy có thể tập bắn trong điều kiện thời tiết nắng gắt. Ngoài ra, hệ thống sử dụng công nghệ năng lượng điện từ tạo ra lực giật và âm thanh giả tiếng nổ để tạo cảm giác như bắn súng thật...
Bài và ảnh: CHÍ PHAN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.