Hành trình sống tử tế với môi trường của chàng giảng viên trẻ
Dọn và phân loại rác thải, tái sử dụng đồ cũ, nâng cao nhận thức về nhựa… là những mô hình góp phần bảo vệ môi trường mà Lê Minh Tân (31 tuổi) đã thực hiện trong suốt ba năm qua.
“Tất cả chúng ta đều có thể bảo vệ môi trường từ những việc làm đơn giản nhất” là giá trị cốt lõi mà Lê Minh Tân (31 tuổi) - giảng viên khoa Sư phạm Ngoại Ngữ, Đại học Vinh - luôn theo đuổi khi bắt đầu xây dựng lối sống xanh.
Ngoài là giảng viên, anh còn được biết đến với vai trò là một người hoạt động tích cực trong lĩnh vực môi trường. Những dự án của anh được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Nổi bật trong số đó là Go Green Việt Nam ơi - “chuyến hành trình xanh” hướng cộng đồng đến những giá trị bền vững.
Trò chuyện với Zing, chàng trai mong rằng thông qua dự án, những hành động tử tế với môi trường sẽ dần trở thành nếp sống, thói quen của mỗi người, thay vì chỉ dừng lại ở một trào lưu nhất thời.
Từ những trăn trở trong đời sống
Cách đây ba năm, khi vừa mới kết hôn, mặc dù nhà chỉ có hai vợ chồng nhưng lượng rác thải ra mỗi ngày luôn khiến Tân giật mình.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tân cho biết rác thải đã dần tăng lên khi vợ chồng anh phải mua những vật dụng cần thiết để chăm lo cho con nhỏ. Ngoài ra, mỗi khi chọn lựa thực phẩm trong siêu thị, gia đình anh cũng khó tránh khỏi những mặt hàng được bọc sẵn bằng nylon.
Việc “sống chậm lại, quan sát nhiều hơn” cũng phần nào giúp chàng giảng viên nhận ra môi trường xung quanh anh đang bị tàn phá nặng nề.
Tân cho hay so với trung tâm thành phố, người dân sống ở các vùng ngoại ô bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự quá tải của các bãi rác tự phát.
“Các khu đường vắng, không biết từ bao giờ trở thành 'điểm tập kết' rác thải từ sinh hoạt cho đến công trình xây dựng. Hơn nữa, những giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra còn mang tính tình thế. Thật sự để giải quyết được triệt để vấn đề này thì mấu chốt phần lớn nằm ở ý thức của người dân”, anh chia sẻ.
Chính những trăn trở từ cuộc sống thường ngày trên đã thôi thúc chàng giảng viên khởi động dự án về môi trường mang tên Go Green Việt Nam ơi.
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
“Việc bảo vệ môi trường không phải nhiệm vụ của chính phủ, công ty hay tổ chức nào cả, mà đó là trách nhiệm của tất cả người dân. Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều có tác động trực tiếp đến môi trường”, Tân nói.
Khi thực hiện Go Green Việt Nam ơi, bản thân Tân nhận được nhiều ý kiến trái chiều như “dở hơi”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “một mình thì làm được gì”.
Theo Tân, sự thật là nhiều người xung quanh, từ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ giáo dục khác nhau, đều chưa có được sự hiểu biết đầy đủ về việc bảo vệ môi trường. Việc người trẻ lựa chọn “sống xanh” là điều đáng được khích lệ và phát huy thay vì chế nhạo.
Những quan điểm đối lập trên không những không khiến chàng trai chùn bước, mà còn là động lực để anh tiếp tục “chuyến hành trình xanh” của mình.
Những thử thách đầu tiên như dọn rác, đi chợ không sử dụng túi nylon của Go Green Việt Nam ơi đã thu hút được nhiều bạn trẻ ở thành phố Vinh tham gia. Rất nhiều người đã gửi lại video, bức ảnh họ đi chợ mà không cần sử dụng đến túi nylon.
Hơn nữa, dự án cũng đã thay đổi thói quen sử dụng nhựa trong chính gia đình Tân.
Vợ anh đã bắt đầu “sống xanh” hơn, thay thế túi nylon bằng giỏ xách khi đi chợ và thực hành phân loại rác thải, áp dụng phương pháp ủ phân khoảng nửa năm nay.
Mới đây, chương trình Go Green-Go Sharing với thông điệp "chia sẻ đồ dùng, giảm mua sắm, giảm lãng phí cũng chính là bảo vệ môi trường" đã nhận được sự ủng hộ không chỉ của người dân trong thành phố mà còn thu hút khá nhiều bạn trẻ đến từ Hà Nội cùng tham gia.
Hiện, dự án cũng đã tạo được mạng lưới khoảng gần 200 người đang cố gắng “sống xanh” và luôn sẵn sàng hưởng ứng các hoạt động về môi trường.
Chia sẻ với Zing, điều khiến chàng giảng viên tâm đắc nhất sau khoảng thời gian thực hiện dự án là những video của Go Green Việt Nam ơi được nhiều đồng nghiệp sử dụng vào hoạt động giảng dạy, trong đó có một người bạn là giáo viên dạy tiếng Anh ở Indonesia.
Ngoài ra, ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã đích thân khen ngợi dự án của anh trong chuyến làm việc tại Nghệ An. Lời khen này với Tân là một thành công vượt ngoài đợi.
Tiếp tục “chuyến hành trình xanh”
Qua khoảng thời gian học tập và làm việc tại Mỹ, chàng giảng viên mừng khi thấy những tín hiệu tốt từ các hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam và bạn bè quốc tế thông qua sự ra đời của nhiều phong trào, tổ chức.
Tân chia sẻ trải nghiệm khiến anh thấy thú vị nhất là chương trình gây quỹ bằng những món quà lưu niệm được tái chế từ rác thải.
“Đối với các bạn sinh viên quốc tế lẫn Việt Nam mà mình có cơ hội được làm việc chung, mình luôn cảm nhận được sự nhiệt thành từ họ. Mình luôn trân trọng và biết ơn mỗi con người có tâm với môi trường”, Tân bộc bạch.
Về kế hoạch trong tương lai, Go Green Việt Nam ơi đang có tham vọng tạo một mạng lưới ủ phân ngay tại thành phố Vinh. Số lượng phân ủ được sẽ được dùng để trồng rau và các loại cây xanh. Nếu dự án được duy trì thường xuyên trong các hộ gia đình, lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ thải ra môi trường mỗi ngày sẽ được giảm đáng kể.
Anh còn mong muốn tìm được một đội ngũ trẻ có quỹ thời gian rộng, nhiều ý tưởng sáng tạo, và tâm huyết với các vấn đề môi trường để tiếp nối sứ mệnh của Go Green Việt Nam ơi.