Hành trình sửa trái tim của cô bé 9 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo
42 ngày nằm viện, trải qua hai cuộc phẫu thuật, giờ đây bé Linh Thị Thanh Thảo (9 tuổi, Lạng Sơn) đã có một trái tim khỏe mạnh để tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình.
Cô bé 9 tuổi chỉ 15 kg
Bệnh rất nặng, cần phẫu thuật sớm nhất có thể, gia đình có giấy xác nhận hộ nghèo” - đó là lời trao đổi của các bác sĩ về tình trạng của Thảo trong buổi khám tim tại bệnh viện tỉnh Lạng Sơn ngày 18/11/2017. Thảo được chẩn đoán còn ống động mạch lớn, thất trái giãn nhiều, hẹp hở van 2 lá nhiều, tăng áp lực động mạch phổi nặng.
“Cách đây 3 năm, cháu đang đi học thì bị ngất, phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ có bảo là cháu bị bệnh tim cần đi khám và chữa trị nhưng gia đình không có đủ điều kiện nên cứ để như vậy thôi”, anh Linh Văn Khánh, bố bé Thảo chia sẻ.
Kết quả đó cũng không mấy bất ngờ với gia đình em nhưng đối với người cha chỉ học đến biết mặt chữ, người mẹ tiếng phổ thông không biết một câu thì những từ ngữ chuyên khoa ấy khó mà hiểu rõ ràng được.
Cầm tờ bệnh án trên tay, hai bố con người dân tộc Nùng lại dắt díu nhau trở về nhà trên con đường 30 km dài dằng dặc dưới trời mưa tầm tã. Một chuyến đi giống như bao ngày trong cuộc sống vất vả thường nhật của họ.
Men theo con đèo chằng chịt ổ voi ổ gà, thêm đoạn đường đất sình lầy sau cơn mưa, phải mất gần 3 tiếng phóng viên Zing.vn mới đi từ thành phố về được đến nhà Thảo ở xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa rừng cây.
Cô bé đang chơi đùa với tụi trẻ trong xóm, nhìn thấy người lạ mấy đứa nép mình vào góc nhà chỉ trỏ. Không khó để nhận ra em giữa chúng bạn. Nhìn thân hình nhỏ bé chỉ 15 kg, chẳng ai nghĩ em đã học lớp 4. Cậu em trai mới 4 tuổi cũng gần lớn bằng chị. Phải mất một lúc tôi mới làm quen được với em khi mà hỏi gì cô bé cũng chỉ gật hoặc lắc đầu.
Anh Khánh kể, cả năm, nhà làm được 2 vụ lúa, cũng chỉ đủ để ăn, có đàn gà chục con thì dành ra tết để biếu họ hàng. Anh cũng đi làm bên Trung Quốc nhưng không được việc nên lại về. Nhìn người đàn ông vẫn khỏe mạnh nhưng lại ở nhà rảnh rỗi. Tôi có hỏi sao anh không lên thành phố tìm việc. Anh bảo: “Mẹ nó hơi chậm hiểu, không nói được tiếng Kinh, nhà lại 2 đứa nhỏ nên tôi cũng không dám đi xa nữa, có gì ăn nấy vậy”.
Ngôi nhà nhìn khá khang trang là tài sản lớn nhất của gia đình anh Khánh hiện nay được xây bằng tiền bán 6 con trâu với giá 70 triệu đồng được nuôi trong 10 năm, 20 triệu tiền bán lợn, hiện vẫn nợ tiền lợp mái nhà.
“Nếu không được hỗ trợ chữa bệnh cho cháu, gia đình cũng không biết phải làm thế nào?”, người cha nghèo nói bằng giọng nghèn nghẹn, khi nhớ lại những giây phút bế tắc đã ám ảnh gia đình anh suốt bấy lâu.
Trong suốt cuộc nói chuyện với gia đình, chị Lý chỉ ngồi im nghe nhưng chắc chắn rằng chị không hiểu mọi người nói gì và không biết con mình đang mắc bệnh nặng như thế nào.
Chuyến đi đầu tiên tới thủ đô
Cả tiền tích góp bấy lâu của gia đình được 2 triệu, anh Khánh chạy vạy vay thêm họ hàng làng xóm được 20 triệu. Chỉ thế thôi, không dám lo xa nhiều, hai cha con lập tức bắt đầu chuyến hành trình đến Hà Nội lần đầu tiên trong đời.
Bệnh viện E là nơi hai cha con sẽ bắt đầu những ngày tháng chống chọi với bệnh tật. Những ngày đầu, Thảo thích thú với việc được đến thủ đô. Cô bé bận lo với việc thích nghi cuộc sống mới tuy ngày ngày chỉ ở trong bệnh viện. Đối với em, đây là cả một thế giới khác, có những ngôi nhà cao tầng, có đèn đường lấp lánh, có một chiếc giường riêng và nhà vệ sinh thì sạch sẽ.
37 độ 1, 380, 100… là những con số mà hàng ngày em đều phải nhớ và ghi lại mỗi lần đo. Có ngày bố dẫn đi, có ngày em tự đi. Cô bé dần bạo dạn hơn. Đo xong, em nhanh chân chạy về ghi lại mấy con số đó trên vài chỗ trống trong trang sách.
Căn bệnh của Thảo được chẩn đoán phức tạp hơn. Sau khi hội chẩn các bác sĩ quyết định bịt ống động mạch cho em trước và hy vọng van tim đỡ hở khi thất trái nhỏ lại. Tuy nhiên, siêu âm kiểm tra van hai lá vẫn còn hẹp và hở nhiều nên gia đình quyết định mổ.
Mẹ và cậu em lại tất tả từ Lạng Sơn xuống Hà Nội. Nhà cửa phải nhờ bà ngoại trông. Không biết tiếng phổ thông, mọi thứ còn quá lạ lẫm, chị Lý Thị Lỳ cũng chỉ biết hàng ngày tắm giặt cho con. Ai hỏi gì, chị cũng chỉ gượng cười.
Trước ngày mổ, bố mẹ em được bác sĩ giải thích về ca phẫu thuật. “Với độ tuổi của cháu không ai muốn giải quyết cái van này. Nhưng bệnh có chỉ định thì phải làm, điều này sẽ giải quyết được tổn thương van của con. Những nguy cơ có thể xảy ra nặng nhất là có thể tử vong ngay trên bàn mổ hoặc ở lúc hồi sức do suy tim, nhiễm trùng, loạn nhịp… Sửa được thì tốt nhất nhưng khả năng rất khó, vì thế phương án tốt nhất bây giờ là thay van tim”, bác sĩ Đỗ Anh Tiến - khoa Tim mạch, bệnh viện E người phụ trách ca mổ của Thảo thông báo với gia đình.
Đôi vợ chồng dân tộc Nùng không hiểu nổi những thuật ngữ chuyên ngành của nghề y, chỉ biết lắp bắp: “Mong bác sĩ làm thế nào tốt nhất cho cháu”. Tất cả những gì họ có thể làm, đó là tin tưởng và hy vọng.
Sáng thứ hai ngày mùa đông ngập nắng, ca mổ của em bị hoãn lại do điều kiện sức khỏe chưa đảm bảo. Ngày mổ chưa có kế hoạch nên mẹ và cậu lại trở về nhà. Em đã ở viện được 3 tuần. Số tiền anh Khánh mang đi còn khoảng 5 triệu. Chi tiêu ở thủ đô khác xa so với ở quê nhà nhưng Thảo phải ở lại. Cố gắng thêm một vài ngày nữa thôi.
Em lại quẩn quanh chơi với 4 bức tường. Em làm bạn với chú thỏ bông và quyển truyện được người ra viện trước gửi tặng lại. Thỉnh thoảng Thảo được đi dạo chơi trong bệnh viện. Niềm vui nhất của em là đến buổi tối được bố cho ra ngoài đi ăn. Đứa trẻ 9 tuổi vẫn còn mơ hồ về cuộc phẫu thuật sắp tới phải đối mặt, chỉ mỉm cười lắc đầu khi được hỏi có lo về bệnh của mình. Cô bé vẫn thường thế, chỉ gật và lắc thôi, hiếm khi nói một câu nào. Nhưng dù sao lúc ấy, nụ cười của em cũng khiến người thân yên lòng.
Thứ năm (ngày 21/12/2017), bác sĩ thông báo em đã đủ điều kiện để thực hiện ca phẫu thuật. Ngồi trong phòng chờ, lúc này em mới thấy lo, đôi mắt thẫn thờ lúc hướng sang phía phòng mổ lúc lại quay sang nhìn bố. Mẹ em vẫn đang trên đường xuống Hà Nội.
“Thảo có nhớ mẹ nhớ em không? Nhanh thôi rồi con sẽ được về với mọi người. Bây giờ bác sẽ tiêm nhé, sau đó con sẽ ngủ một lúc, tỉnh dậy là mình đã khỏi bệnh rồi” - bác sĩ Huệ vỗ về Thảo trước khi tiêm gây mê cho em. Cô bé vẫn im lặng, nhưng không còn trằn trọc nữa.
Sau liều gây mê, em chìm sâu vào giấc ngủ. Bác sĩ Tiến và ê-kíp của mình đã tiến hành mở lồng ngực, chạy máy tim phổi nhân tạo, mở quả tim. Van hai lá của Thảo tổn thương dạng thấp, mặc dù đã cố gắng sửa nhưng van vẫn bị hở, các bác sĩ đành phải thay van cho em. Với chiếc van sinh học mới này, Thảo có thể yên tâm học tập và vui chơi trong 10 năm tới.
Tổng chi phí ca mổ của Thảo là 160.383.849 đồng, bảo hiểm ý tế chi trả hơn 120 triệu đồng, số còn lại được chương trình “Trái tim cho em” hỗ trợ.
Thăm Hà Nội sau ca phẫu thuật thành công
Ca phẫu thuật thành công, Thảo được chuyển xuống phòng hồi sức cấp cứu, 3 ngày sau em được về phòng bệnh thường.
“Xuống đến thủ đô là chỉ đòi ăn phở thôi”, anh Khánh nói. Ngày Thảo phải nằm viện tỉnh do ngất xỉu, cô bé được bố đưa đi ăn phở. Thứ nước dùng ngọt trong hòa quyện với bánh phở thêm chút thịt gà đã khiến cô bé mê mẩn. Nhưng đó cũng không phải là món ăn mà em có thể ăn thỏa thích được. Thứ quà này là tương đối xa xỉ với một đứa trẻ miền núi khi mà giá tiền một bát phở bằng cả ngày nhà em kiếm được. Ngày em xuống Hà Nội, sợ em lo, người lớn không quên dụ khị em rằng “phở thủ đô ngon lắm, ngon hơn ở quê nhiều”.
Ước mơ lớn nhất của cô bé trong lần đầu xuống Hà Nội là được đi hồ Gươm, địa điểm nổi tiếng đã ăn sâu vào tâm thức đứa trẻ miền núi mỗi khi nhắc đến, nơi mà cô bé mới chỉ tưởng tượng qua trang sách: “Hồ như một chiếc gương bầu dục lớn, sáng long lanh. Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là tháp Rùa, tường rêu cổ kính, xây trên gò đất cỏ mọc xanh um”.
Phần vì điều kiện sức khỏe, phần vì bố em cũng không thông thạo đường phố Hà Nội nên ước mơ ấy của cô bé cứ bị lùi mãi.
Trước ngày ra viện, Thảo được bố đưa đi bờ hồ. Con bé lạ lẫm khi nhìn mọi thứ lướt qua bên ô cửa xe, thích thú khi lần đầu được nhìn và chụp ảnh cùng một chú gấu to gấp mấy lần mình, được nhìn thấy tháp Rùa, cầu Thê Húc, được ăn phở phố cổ…
“Con thấy nhớ nhà” - con bé quay sang nói với tôi khi ngồi nghỉ trên chiếc ghế nhìn thẳng ra tháp Rùa. Hiếm lắm mới nghe thấy giọng của em. Một trái tim khỏe mạnh hơn đã khiến em yêu đời và hoạt bát hơn chăng? Cũng có thể, nhưng chắc chắn vẫn là trái tim và tâm hồn của cô bé lớp 4 ấy thôi, một trái tim biết nhớ nhà, dù nhà của em bé lắm, không to như ở thủ đô. Chuyến phiêu lưu rất nhỏ mà lại rất to của em, mừng thay cuối cùng cũng dẫn em trở về nhà.