Hành trình 'tái sinh' vải vụn

Nằm sát đường nhỏ dẫn vào thôn Cát Cát (xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa), tiệm đồ mang tên Linh Handicraft trưng bày những phụ kiện: Dây buộc tóc, ví, đồ thời trang… từ vải vụn, thu hút nhiều du khách.

Linh Handicraft là tiệm đồ nhuộm chàm của vợ chồng họa sỹ Phạm Phan Hoàng Linh. “Tôi và chồng là người Quảng Nam, cùng học Trường Đại học Huế, Khoa Mỹ thuật nhưng cuối cùng cả hai lại chọn Sa Pa lập nghiệp. Sau hơn 10 năm gắn bó, với tôi, Sa Pa thật phù hợp để hiện thực hóa ước mơ” - Linh bộc bạch.

Bằng tình yêu với mảnh đất Sa Pa và sự cuốn hút bởi “ma lực” của chàm, Linh đã tìm hiểu kỹ thuật nhuộm vải và thiết kế các sản phẩm như quần, áo, túi, khăn... Những món đồ được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nên vừa mang đến sự khác lạ, vừa có tính ứng dụng cao trong cuộc sống thường ngày.

Trong một lần tình cờ dọn dẹp tiệm đồ, nhìn những đống vải vụn vương vãi dưới sàn nhà với nhiều màu sắc khác nhau, Linh nảy sinh ý tưởng “tái chế” chúng để tạo nên những sản phẩm “có một không hai”. Linh đã gom toàn bộ số vải vụn, thuê người dân trong thôn may nối lại thành những mảnh vải lớn.

Thật bất ngờ, khi những miếng vải với màu sắc, họa tiết, chất liệu khác nhau được ghép nối đã mang đến sự độc đáo, bắt mắt. Từ những miếng vải tái chế, Linh làm thành các sản phẩm như túi, ví, mũ, cài tóc, băng đô, khẩu trang, kẹp tóc… bán cho khách du lịch.

Tự hào về những sản phẩm tái chế của mình, Linh tâm sự: Tôi nghĩ, lợi thế của Linh Handicraft là các sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công và “độc nhất vô nhị”. Khi sở hữu một sản phẩm tái chế từ Linh Handicraft có nghĩa là bạn sở hữu chung câu chuyện và mong muốn đầy yêu thương với môi trường.

Tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ, chị Hạng Thị Mỉ, thôn Cát Cát 2, xã San Sả Hồ (thị xã Sa Pa) đã khéo “biến hóa” những miếng vải tái chế thành những sản phẩm bắt mắt. Chị Mỉ cho biết: Tôi có kinh nghiệm 5 năm làm tại Linh Handicraft. Hằng ngày, tôi may sản phẩm theo yêu cầu từ vải tái chế, với tiền công từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng mỗi tháng. Công việc không đòi hỏi quá nhiều công sức, chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì. Vốn có kỹ năng may vá, thêu thùa từ nhỏ nên tôi không khó để bắt nhịp với công việc.

“Tôi nhận thấy xu hướng các bạn trẻ ngày càng quan tâm và bỏ tiền sở hữu các sản phẩm tái chế. Nhiều bạn trẻ thông qua fanpage của tôi đã quyết định mua online vài sản phẩm thời trang và “đính kèm” một số phụ kiện từ vải vụn. Mặc dù vậy, giá thành của loại sản phẩm này tương đối cao bởi độ công phu và công thuê ghép vải rất tốn kém. Chính vì thế, sản phẩm tái chế khó để bán online. Tuy nhiên, với ý nghĩa sản phẩm này mang lại cho môi trường, tôi tin tưởng cộng đồng sẽ có cái nhìn “cởi mở” và đón nhận nhiều hơn” - Linh trải lòng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, dự tính những công việc đang và sẽ làm, gương mặt Linh toát lên sự tự tin và tràn đầy năng lượng. Linh bày tỏ: Tôi hy vọng sẽ lan tỏa nhiều hơn ý nghĩa của dòng sản phẩm này trên mạng xã hội để mỗi người có thể tiếp cận với các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó hình thành thói quen sống xanh, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân bản địa.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365929-hanh-trinh-tai-sinh-vai-vun