Hành trình tại Việt Nam của 'công ty bền vững nhất thế giới'

Schneider Electric, doanh nghiệp được tạp chí Time bình chọn là 'công ty bền vững nhất thế giới' 2024, trong nhiều năm qua đã triển khai những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hướng đến phát thải ròng bằng 0 đối với ngành công nghiệp Việt Nam.

Nhiều giải pháp công nghệ được Schneider Electric giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo 2024.

Nhiều giải pháp công nghệ được Schneider Electric giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo 2024.

Connect là nền tảng trí tuệ công nghiệp toàn diện và độc lập, được phát triển nhằm hợp nhất toàn bộ hệ sinh thái của doanh nghiệp, có thể kết nối với phần mềm của đối tác nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và trải nghiệm đồng nhất.

Trong khi đó, hệ thống quản lý vận hành nguồn năng lượng phân tán EcoStruxure DERMS giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tích hợp hiệu quả giải pháp năng lượng tái tạo và xe điện vào vận hành để giảm thiểu khí thải carbon.

EcoStruxure DERMS, Connect hay robot cộng tác có thiết kế nhỏ gọn, độ chính xác cao Lexium cobot, thiết bị đóng cắt tiết kiệm năng lượng MasterPacT MTZ Active hay hệ thống sạc điện an toàn cho hộ gia đình EV prolink là những giải pháp công nghệ nổi bật hướng đến tối ưu hóa hoạt động và cắt giảm khí thải nhà kính, vừa được Schneider Electric giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo 2024.

Nói về những giải pháp công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục được phát triển và cung ứng cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam, cho biết, thế giới đang chứng kiến năm xu hướng lớn định hình sự phát triển cũng như định hình cách doanh nghiệp này hỗ trợ khách hàng, đối tác tại Việt Nam.

Thứ nhất, các tác động từ Covid-19, khủng hoảng chuỗi cung ứng, cạnh tranh nước lớn, bất ổn địa chính trị khiến đa số doanh nghiệp lớn lựa chọn cách tiếp cận mới mang tên “năng lực cung ứng kép”, tức là đưa nguồn cung ứng thứ hai vào hoạt động để phòng ngừa rủi ro.

Trong xu thế này, Việt Nam thụ hưởng tiềm năng và trở thành điểm đến ưa thích của những ông lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Thứ hai, toàn cầu đang chứng kiến sự dịch chuyển về điểm cân bằng mới, dẫn đến nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở những nơi nằm ngoài dự kiến.

Thứ ba, rủi ro biến đổi khí hậu đi kèm với sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Theo ông Lâm, ứng phó với điều này, hàng nghìn tập đoàn lớn, bao gồm Schneider Electric, đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0.

Thứ tư, số hóa, trí tuệ nhân tạo đã và đang bùng nổ, tạo ra những công cụ có hiệu quả mạnh mẽ hướng đến phát triển bền vững.

Cuối cùng, chuyển dịch năng lượng trở thành xu thế nhưng cũng là thách thức lớn nhất cần phải vượt qua để cắt giảm khí thải và hướng đến phát thải ròng bằng 0.

Ông Lâm cho biết, dựa trên những xu thế đó, Schneider Electric thiết kế hệ sinh thái giúp doanh nghiệp khử carbon thông qua cách tiếp cận ba bước, bao gồm chiến lược hóa nhờ đo lường hiện trạng, xây dựng lộ trình và mục tiêu, số hóa nhằm giám sát sử dụng tài nguyên, phát thải, xác định cơ hội giảm phát thải, báo cáo, so sánh đối chiếu tiến độ và cuối cùng là khử carbon thông qua điện khí hóa, thay thế năng lượng, giảm tiêu thụ đầu vào.

Bà Chris Leong, Phó chủ tịch phụ trách marketing toàn cầu của Tập đoàn Schneider Electric, bổ sung, hệ sinh thái trên sẽ được áp dụng cho bốn lĩnh vực chính là trung tâm dữ liệu, tòa nhà, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp.

Đây cũng là những lĩnh vực sẽ được Schneider Electric tập trung đầu tư, phát triển các giải pháp để áp dụng trong tương lai tới.

Thực tế, Schneider Electric đã đồng hành với quá trình phát triển của Việt Nam từ những năm 1990, thông qua hợp tác với Chính phủ triển khai công trình đường dây truyền tải điện năng 500kV Bắc – Nam mạch 1, tổng chiều dài gần 1,5 nghìn km, góp phần đưa điện năng đi khắp cả nước.

Đến năm 1994, Schneider Electric chính thức hoạt động tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt.

Từ đó đến nay, Schneider Electric tích cực hợp tác với các đơn vị công lập và tư nhân như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn FPT để phát triển những nền tảng thông minh nhằm tối ưu hóa năng suất, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế.

Bên cạnh những giải pháp công nghệ cao, công tác giáo dục, đào tạo cũng được Schneider Electric chú trọng. Tập đoàn cam kết đào tạo 35 nghìn nhân lực về năng lượng tại Việt Nam đến năm 2025, thông qua sự hợp tác với hơn 20 trường cao đẳng nghề trên khắp cả nước.

Trong bối cảnh mới, khi Việt Nam đưa ra mục tiêu đầy tham vọng về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ban hành nhiều khung chính sách khuyến khích phát triển bền vững, ông Lâm cho biết, Schneider Electric sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng và cắt giảm khí thải nhà kính.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hanh-trinh-tai-viet-nam-cua-cong-ty-ben-vung-nhat-the-gioi-1722777325407.htm