Hành trình tạo ra sản phẩm riêng từ dược liệu của chị 'Bình sâm'

'Bình sâm' là tên nhiều người gọi chị Nguyễn Thị Bình, 38 tuổi, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Cái tên gắn bó với niềm đam mê mà chị đang hạnh phúc đeo đuổi, nỗ lực từng ngày...

Chúng tôi thăm nông trại của gia đình chị Nguyễn Thị Bình vào đúng mùa hoa sâm Bố chính nở. Từng luống sâm được chủ nhân chăm sóc cẩn thận, đang đua nhau khoe sắc. Chị Bình bảo năm nay thời tiết khắc nghiệt, cây chậm lớn rồi mưa to làm dập nát, chết nhiều. Nhưng mình đã đam mê, theo đuổi và gắn bó với nó rồi thì quyết không nản lòng mà phải tìm ra hướng khắc phục.

Cùng với sâm Bố chính, từng quả đồi được vợ chồng chị san gạt để trồng ba kích, sâm nam, đương quy, huyết sâm...

Trong gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, chị Bình kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên với cây sâm Bố chính cũng như xây dựng vùng dược liệu. Chị quê ở Nghệ An, lấy chồng về xóm Minh Tiến, xã Minh Lập, và làm việc tại Công ty Samsung Thái Nguyên với vai trò quản lý. Quá trình làm việc, chị mắc phải căn bệnh viêm đa khớp, khiến tay chân thường xuyên đau nhức. Còn mẹ chồng chị bị huyết áp cao lâu ngày gây ho kéo dài không khỏi. Sau khi đã “vái tứ phương” để chữa trị cho mình và cho mẹ chồng, tình cờ chị biết đến sâm Bố chính qua một người chị làm về dược liệu trong một lần tham gia khóa học phát triển bản thân.

Sau một thời gian sử dụng sản phẩm từ sâm Bố chính, chị thấy sức khỏe của bản thân và mẹ chồng cải thiện rất nhiều. Vì thế, chị đã quyết định nghỉ việc tại Công ty Samsung để đồng hành với một công ty sản xuất, phân phối sâm Bố chính tại Thái Nguyên, lan tỏa công dụng sản phẩm đến mọi người.

Chị cũng nhận thấy nơi đây trước kia có rất nhiều cây dược liệu quý, bà con thường lên rừng để lấy dược liệu về làm thuốc nhưng qua thời gian, nguồn dược liệu cạn dần do khai thác mà không bảo tồn. Điều này càng thôi thúc chị xây dựng, phục hồi nguồn dược liệu, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng lên.

Năm 2022, sau 2 năm đồng hành với người chị của mình, chị Bình trở về xã Minh Lập, mạnh dạn liên kết với các hộ dân, những người cùng chí hướng để thành lập HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc với 8 thành viên. Từ đây, chị bắt tay vào nghiên cứu, kết hợp với một số thầy thuốc tại địa phương phục hồi và bảo tồn những loài cây dược liệu.

Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX khoảng 35ha trồng ba kích, sâm Bố chính và các loại cây dược liệu khác. Tất cả đều được trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Các loại dược liệu đang được HTX xuất bán cho các công ty dược liệu tại Hà Nội, sản lượng đạt 3-4 tấn/năm. Ngoài dược liệu, HTX liên kết với các hộ dân nuôi 10 sào ốc nhồi, sử dụng dược liệu và ngô nghiền để nuôi gà H’Mông đen quý hiếm.

Chị Bình cho biết: Hiện nay, HTX chế biến chuyên sâu các sản phẩm từ sâm Bố chính. Loại sâm này mỗi năm thu hoạch một lần, đất đồi ở đây rất khô cằn, khó chăm sóc nhưng dược tính của sâm lại rất cao. Sử dụng các sản phẩm bột sâm, cao sâm Bố chính tốt rất tốt cho sức khỏe, nhất là đối với hệ hô hấp.

Chị xây dựng, quảng bá sản phẩm này vào đúng thời điểm đại dịch COVID-19 năm 2021, vì thế nhiều người tin tưởng chọn mua, doanh thu khi đó đạt 250-300 triệu đồng...

Sau đại dịch, nhận thấy tình hình kinh tế ảm đạm, chị đã không ngần ngại đi “gõ cửa” các cơ quan chuyên môn, chuyên gia đầu ngành về dược liệu, ẩm thực để hiểu tường tận về dược liệu nói chung, sâm Bố chính nói riêng, từ đó nghiên cứu sáng tạo ra các dòng sản phẩm đặc trưng.

Đó là kết hợp sâm Bố chính làm ra đồ ăn, thức uống cao cấp như: Panna cotta sâm (món tráng miệng từ sâm), cốt lẩu sâm, gà hầm sâm và các sản phẩm có nguyên liệu từ sâm như bột sâm, trà sâm… Trong đó, sản phẩm gà H’Mông hầm sâm đã được giới thiệu trên chương trình Bếp Việt (VTV 10), đoạt giải Vàng tại cuộc thi Đầu bếp vàng năm 2024, giải Nhì cuộc thi Ẩm thực quốc tế. Các sản phẩm của HTX được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, hiện đại, đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Chị Bình bảo: Ban đầu, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn. Vì đây là những sản phẩm mới có mặt trên thị trường nên để tiếp cận được khách hàng tương đối khó. Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu và tìm thị trường, đi khắp các tỉnh, thành phố tham gia hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, sản phẩm của HTX đã bắt đầu được nhiều khách hàng tin dùng và lựa chọn làm quà biếu, tặng.

Hiện nay, sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phục vụ số lượng lớn cho các đám lễ, tiệc ở khách sạn, cũng như đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch. HTX vinh dự là 1 trong nhiều đơn vị cùng ký kết hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp và du lịch nông thôn với Hàn Quốc. Dự kiến trong năm 2024, HTX sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho 4 sản phẩm là gà hầm sâm, cốt lẩu sâm, bột sâm và panna cotta sâm.

Với tình yêu và tinh thần khát khao lan tỏa các giá trị sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên, chị đã xây dựng kênh Tiktok riêng và đứng ra kết nối các chủ thể HTX, hot tiktoker, streamer (những cá nhân hoặc nhóm người người thực hiện công việc livestream trên các nền tảng như Tiktok, Facebook...) để thành lập Team (nhóm) Đặc sản nông sản Thái Nguyên vào tháng 8-2023, với 20 thành viên.

Trong các phiên livestream, chị “Bình sâm” phụ trách điều hành, dẫn dắt, giới thiệu từng sản phẩm. Dáng người nhỏ nhắn, cử chỉ nhanh nhẹn, nụ cười luôn thường trực trên môi và cách chị giới thiệu vanh vách từng sản phẩm khiến nhiều người chú ý.

Tính đến nay, Team đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức được 20 phiên livetream quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và thành công nhất phải kể đến như: Phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại xã La Hiên (Võ Nhai); Lễ hội trà Đại Từ; Miến dong Việt Cường, Gà đồi Phú Bình...

Mỗi chương trình được phát trên nhiều nền tảng, trang thông tin, thu hút hàng triệu lượt xem, qua đó kết nối, tiêu thụ được nhiều sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương. Với nỗ lực lực đó, chị được Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam tặng chứng nhận vì có nhiều đóng góp trong quảng bá sản phẩm nông nghiệp, du lịch Việt Nam.

Chị Bình chia sẻ thêm, thời gian tới, HTX sẽ xây dựng nơi đây trở thành một điểm du lịch cộng đồng, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh để thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm, nhất là đối với sinh viên nước ngoài đang học tập tại Thái Nguyên. Bởi theo chị, đây cách tốt nhất để các bạn lan tỏa sản phẩm của HTX cũng như nông sản Thái Nguyên ra thị trường quốc tế...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202406/hanh-trinh-tao-ra-san-pham-rieng-tu-duoc-lieu-cua-chi-binh-sam-17f1547/