Hành trình tàu Không số (bài 3)

Di tích lịch sử quốc gia Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Bài 3: Tàu 41 vào bến Vũng Rô

Tàu 41 do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, Trần Hoàng Chiếu làm chính trị viên. Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 1964, con tàu này đã 3 lần vào bến Vũng Rô vận chuyển gần 200 tấn vũ khí quân dụng và 8 cán bộ tăng cường cho lực lượng bến.

Trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt, vận chuyển vũ khí vào bến mới Vũng Rô, đêm 15/10/1964, Tàu 41 chở 40 tấn hàng vào bến Cà Mau. Đây là chuyến đi thứ bảy vận chuyển vũ khí vào Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển của Tàu 41 do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, Trần Hoàng Chiếu làm chính trị viên.

Vượt cạn ở Hoàng Sa

Tàu xuất phát giữa lúc gió mùa đông bắc thổi mạnh. Qua eo biển Quỳnh Châu (đảo Hải Nam - Trung Quốc), tàu tiến về phương Nam. Do ảnh hưởng gió mùa đông bắc, sóng to, trời mù nên lúc 3 giờ ngày 18/10, tàu lên bãi cạn ở đảo Hoàng Sa do ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ.

Đồn địch cách không xa nơi tàu lên cạn. Không khí căng thẳng, bởi trước đây đã có 2 tàu của Đoàn 759 mắc cạn ở đây đều phải phá tàu. Có lẽ Tàu 41 cũng phải như thế thôi! Tàu báo cáo về Sở Chỉ huy đoàn.

Một cuộc họp chi ủy, chi bộ rồi họp toàn tàu. Bí thư chi bộ phát biểu động viên ổn định tư tưởng, thuyền trưởng xác định quyết tâm ra khỏi cạn bằng một kế hoạch cụ thể. Gió đông bắc càng thổi mạnh cùng với sóng đẩy tàu vào sâu trong bãi cạn. Dưới trời nắng gay gắt, thuyền trưởng chỉ huy một bộ phận dùng xuồng cao su đưa neo dự bị thả phía đuôi tàu để khống chế sóng đưa tàu vào sâu bãi cạn; một bộ phận dùng xà beng đục phá san hô 2 bên mạn tàu; một tổ quan sát động tĩnh phía đồn địch và sẵn sàng chiến đấu. Cứ thế lớp san hô 2 bên mạn tàu từng ngày bị vỡ ra, tàu nhúc nhích được chút ít và lớp da trên lưng trần của các thủy thủ cũng bong ra nhiều mảng.

2 ngày sau, lợi dụng nước thủy triều lên, tàu bắt đầu lắc lư, thuyền trưởng ra lệnh “tổng công kích”. Dây neo sau lái quay thu lại. Thủy thủ đứng hai bên mạn dùng sào chống đẩy tàu. Máy tàu nổ… lùi 1, 2, rồi lùi 3... Khoảng 30 phút sau tàu ra khỏi cạn. Mọi người vỡ òa vui sướng.

Chuyến đi này được cấp trên đánh giá là “chiến công kép” vừa ra khỏi cạn vừa hoàn thành nhiệm vụ đưa hàng đến nơi an toàn.

Vui sao nước mắt lại trào

8 ngày sau, Tư lệnh Hải quân triệu tập thuyền trưởng và chính trị viên về sở chỉ huy nhận nhiệm vụ mới: Chở hàng chi viện cho chiến trường Khu 5 vào bến Vũng Rô - Phú Yên. Niềm vui sướng dâng trào sau bao năm mong đợi.

Tư lệnh Nguyễn Bá Phát chỉ thị: “Đây là lần đầu tiên ta sử dụng tàu sắt vào bến Khu 5. Bến mới, có thể tổ chức hiệp đồng có trục trặc, để giữ bí mật sử dụng bến được lâu dài, tàu các đồng chí chỉ được vào bến khoảng 24 giờ và phải rời bến trước 3 giờ sáng. Trong mọi trường hợp khẩn cấp cho phép cấp ủy chi bộ, thuyền trưởng được quyền quyết định, chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên”.

Ngày 16/11/1964, Tàu 41 chở 63 tấn vũ khí rời khu trú đậu Hạ Long xuất phát ra khơi. 2 ngày sau thì được lệnh dừng lại ở khu biển của bạn vì vùng biển Nam Trung Bộ có một đợt hoạt động tuần tiễu của hải quân địch.

Đêm 24/11, tàu được lệnh xuất phát ra biển theo kế hoạch. Vượt qua cơn gió mùa đông bắc, khi tàu đến vùng biển Đà Nẵng thì một máy bay trinh sát của Mỹ quần lượn nhiều vòng trên tàu. Để ngụy trang che mắt địch, thuyền trưởng cho treo cờ Trung Quốc, đem những xâu cá mực khô ra treo, lật qua lật lại săm soi và khi máy bay sà xuống thấp thì cầm chai rượu không giơ lên “như vẫy gọi như mời chào” người bạn đường xuống nhậu.

2 giờ sau, 2 tàu tuần tiễu địch từ bờ với vận tốc cao tiến thẳng đến cách tàu ta 1 hải lý thì giảm tốc đi song song theo hình bậc thang. Tất cả các loại pháo trên tàu địch đều mở bạt hướng nòng về phía Tàu 41. Tình hình rất căng thẳng. Thuyền trưởng ra lệnh bí mật chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu vẫn giữ nguyên hướng đi bình thường như bao tàu đánh cá khác của ngư dân. Không thấy có sự bất thường, 2 tàu tuần tiễu địch bỏ mục tiêu theo dõi chạy vào bờ.

Thả vòng hoa tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Thả vòng hoa tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

12 giờ trưa 28/11/1964, ở vị trí cách bờ 120 hải lý, Tàu 41 chuyển hướng vào bờ. Luồn lách tránh các tàu tuần tiễu của địch, thuyền đánh cá của ngư dân. Đến 23 giờ 50, Tàu 41 thả trôi giữa vịnh Vũng Rô. Không nhận được tín hiệu hợp đồng và người của bến đón, tàu phải thả xuồng vào bờ tìm.

Một chiếc ghe gắn máy cập mạn tàu. Các chỉ huy bến lên tàu. Phút gặp gỡ giữa tàu và bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui sướng. Thuyền trưởng Thạnh ôm chầm anh Sáu Suyền (Bến trưởng) mà nước mắt tuôn trào. Sau bao nhiêu năm xa quê, thuyền trưởng Thạnh mới được đặt chân lên bến quê nhà. Còn Sáu Suyền sau bao ngày ăn trái sung chờ đón tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào đêm nay được đứng trên boong tàu chứa đầy vũ khí.

Thuyền trưởng Tàu 41 báo cáo: “Tàu tôi chở 63 tấn vũ khí. Theo chỉ thị của trên, tàu chỉ được ở lại để bến bốc hàng đến 3 giờ sáng phải rời bến! Đề nghị anh cho dân công bốc dỡ để tàu ra đúng thời gian!”. Bến trưởng Sáu Suyền đang vui thì bật khóc: “Mình chỉ xin Trung ương chi viện cho Phú Yên từ 5-10 tấn bằng một chiếc ghe giã cào. Bây giờ một chiếc tàu sắt to ầm chở 60-70 tấn làm sao bốc dỡ hết trong đêm”. Thuyền trưởng Thạnh nghĩ “tình huống bất trắc xảy ra rồi!”.

Một cuộc họp khẩn cấp giữa tàu và bến. Có người bảo: “Phải cho tàu ra công hải chờ, tối mai vào sớm bốc hết hàng rồi tàu ra”. Cho tàu ra lúc này thì được nhưng tối mai tàu có vào được không? Bởi tàu tuần tiễu địch hoạt động dày đặc ngoài biển. Có người bảo: “Ta cho tàu ngụy trang kỹ nằm lại bến tối mai bốc hết hàng rồi ra”. Nếu ở lại bến thì trú đậu ở chỗ nào và như thế có trái với chỉ thị của trên là tàu chỉ ở bến bốc hàng đến 3 giờ sáng!

Sau khi trao đổi với chi ủy và cán bộ tàu, thuyền trưởng quyết định: Cho tàu ngụy trang ở lại bến tối mai bốc hết hàng rồi ra! Thuyền trưởng cho phát đi bức điện về Chỉ huy Sở với nội dung: “Tàu ở lại bến tối mai bốc hết hàng rồi ra”.

Đây là một quyết định rất táo bạo, bởi nếu việc tàu ở lại bến mà xảy ra cuộc chiến thì cán bộ chiến sĩ phải hy sinh nhưng điều quan trọng nhất là con tàu và con đường vận tải trên biển Đông bấy lâu ta gìn giữ sẽ không còn bí mật nữa.

Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ, phút cuối cùng Tư lệnh cho phép chi ủy, chi bộ và thuyền trưởng trong trường hợp bất trắc được quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên. Việc ra hoặc ở lại bến của con tàu lúc này là trường hợp bất trắc. Hơn nữa, Tàu 41 trước khi xuất phát đang cập đảo Hạ Long ngụy trang tránh máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Lưới ngụy trang, cọc chống còn đang ở hầm hàng. Núi đá Vũng Rô cũng giống núi đá Hạ Long, ta có thể áp dụng được.

Mọi công tác chuẩn bị khẩn trương, tàu vào bãi Chùa và cùng với lực lượng bến giăng lưới chặt cây ngụy trang, hoàn thành trước 4 giờ sáng.

Đêm hôm sau tàu cơ động về bãi Chính dùng tốc độ cao ủi lên bãi để dân công và bộ đội bốc hàng. Mọi người đều làm việc với tinh thần phấn khởi, khẩn trương nên trong thời gian ngắn đã đưa được 63 tấn hàng lên bờ và đưa cát xuống dằn tàu phòng khi gặp gió mùa đông bắc. 3 giờ sáng tàu rời bến trước sự lưu luyến của tàu và bến.

Tiếp đó, ngày 25/12/1964, Tàu 41 lại vào bến Vũng Rô lần thứ hai và lần thứ ba vào ngày 1/2/1965, tổ chức ăn Tết Ất Tỵ tại bến.

Phút gặp gỡ giữa tàu và bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui sướng. Thuyền trưởng Thạnh ôm chầm anh Sáu Suyền (Bến trưởng) mà nước mắt tuôn trào. Sau bao nhiêu năm xa quê, thuyền trưởng Thạnh mới được đặt chân lên bến quê nhà. Còn Sáu Suyền sau bao ngày ăn trái sung chờ đón tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào đêm nay được đứng trên boong tàu chứa đầy vũ khí.

Bài 4: Thi gan, đấu trí với quân thù

HỒ ĐẮC THẠNH

Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/266478/hanh-trinh-tau-khong-so-bai-3.html