Hành trình Thế kỷ của 'Cao Con Hổ': Có ai còn nhớ ?
Nếu được sinh ra và lớn lên vào những năm 90, chắc hẳn bạn đã cảm thấy quen thuộc với lọ cao Con Hổ, đầy mùi bạc hà ấm nóng của ông bà, cha mẹ. Thương hiệu đã trải qua hàng trăm năm thăng trầm, nhưng mấy ai biết, cao Con Hổ giờ đây đã trở thành sản phẩm được cả Thế giới ưa chuộng, bao gồm cả ca sĩ đình đám Lady Gaga.
Nguồn gốc của cao Con Hổ
Tiger Balm, hay cao Con Hổ là sản phẩm của Aw Chu Kin, một đại phu gốc ở Hạ Môn, Trung Quốc. Ông cùng hai con trai là Boon Par và Boon Haw đã có công phát triển sản phẩm và tạo dựng thương hiệu Tiger Balm. Tương truyền, loại dầu này được làm theo công thức cổ của các lang y, chuyên dùng cho vua chúa Trung Hoa.
Tiger Balm chỉ đơn giản là tên gọi chứ không chứa bất cứ thành phần gì liên quan đến con hổ. Nó được đặt tên theo con trai Boon Haw của thầy thuốc Aw Chu Kin, có nghĩa là "con hổ hiền lành".
Đến nay, hiếm có vị thuốc Á Đông nào có thể xây dựng được nhãn hiệu riêng, có sức sống bền bỉ và nổi tiếng như Tiger Balm. Theo ước tính, gần 1/3 dân số Thế giới đã sử dụng loại dầu này trong 100 năm qua.
Từ lọ cao nhà nhà dùng cho tới sản phẩm bị lãng quên
Năm 1908, ông Aw Chu Kin qua đời. Vì vậy, sản nghiệp gia đình do Boon Par và Boon Haw quản lý, nhưng cũng không duy trì được bao lâu. Sau khi anh em nhà Aw lần lượt qua đời vào năm 1944 và 1954, việc kinh doanh cao Con Hổ gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Không lâu sau khi lên sản chứng khoán năm 1960, Haw Par Corp (tên Công ty sản xuất Tiger Balm) đã bị Slater Walker - một tập đoàn của Anh mua lại. Nhưng rồi tập đoàn này cũng sụp đổ trong một cuộc khủng hoảng tài chính.
Hành trình tìm lại ánh hào quang đã mất
Năm 1981, Wee Cho Yaw - một Giám đốc ngân hàng người Singapore đã nắm quyền kiểm soát Haw Par và tái cơ cấu lại công ty này. Năm 1992, Haw Par lấy lại thương hiệu cao Con Hổ của mình, sau hơn 20 năm bị nhượng quyền dưới sự quản lý của Slater Walker. Tới lúc này, cao Con Hổ chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của mình.
"Khi chúng tôi lấy lại thương hiệu này, nó đã mất đi cả một thế hệ khách hàng", ông Han - Giám đốc điều hành của Haw Par Corporation cho biết. Ông gia nhập công ty năm 1992, sau khi được rời Vicks VapoRub - đối thủ trực tiếp của cao Con Hổ.
Ông Han tin rằng, điểm yếu nằm ở thương hiệu, không phải ở sản phẩm. Cao Con Hổ vẫn giữ nguyên được hiệu quả của mình, thông qua việc đánh lừa dây thần kinh bằng cảm giác vừa nóng vừa lạnh, cản trở tín hiệu từ vùng cơ đau nhức hay vết ngứa do côn trùng cắn.
Tuy nhiên, sản phẩm này cũng có nhược điểm. Người tiêu dùng không muốn ngửi thấy mùi nồng nặc từ lọ cao khi ngồi trong văn phòng; một số khác thì ghét cảm giác trơn, mỡ mà nó đem lại. Chưa kể, một lọ cao có thể giữ trong nhiều tháng, thậm chí là một năm. Do đó, nó sẽ không đem lại lợi nhuận lâu dài.
Sau đó, công ty đã quyết định cải tiến công thức để cho ra đời một dòng sản phẩm mới. Trước tiên là cao dán Con Hổ vào năm 1993. "Đó là cao Con Hổ mà bạn có thể đem theo", ông Han cho biết.
Kể từ đó, công ty đã giới thiệu một dòng sản phẩm kem bôi làm nóng dành riêng cho thể thao có tên gọi Tiger Balm Active. Ngoài ra, họ cũng sản xuất lọ xịt đuổi muỗi, cao dán giảm đau cổ và vai mùi oải hương dành cho những người bị nhức cơ do dùng nhiều điện thoại.
Cho tới nay, thương hiệu cao Con Hổ đã có hơn 10 dòng sản phẩm vô cùng đa dạng.
Cánh cửa ngày càng rộng mở
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, công ty đã mời hai siêu sao bóng rổ Mỹ - Joe Montana và Jerry Rice - làm người phát ngôn cho thương hiệu, từ đó giúp cao Con Hổ được biết tới nhiều hơn trong giới vận động viên.
Thương hiệu cũng được Lady Gaga và vài ngôi sao khác khen ngợi trên mạng xã hội. Công ty cũng không ngừng cải thiện thương hiệu, vừa bảo tồn di sản truyền thống, vừa làm mới hình ảnh của mình.
Họ giữ lại màu vàng cam của cao Con Hổ, cũng như lọ đựng hình lục giác, y nguyên thời anh em nhà Aw mới giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, logo của thương hiệu đã được thay đổi. Hình con hổ đang nằm nghỉ đã thành con hổ đang nhảy chồm lên.
Những thay đổi này dường như đã đem lại tác dụng. Năm 2017, thương hiệu cao Con Hổ đã bán được 66 triệu sản phẩm, tăng 16% so với năm 2016. Giờ đây, nó đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và được đăng ký bảo hộ tại 145 nước.
Cao Con Hổ được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như thế nào?
Dù rất đa dạng về sản phẩm, nhưng ở Việt Nam, người tiêu dùng quen thuộc hơn với lọ cao có tên gọi và thành phần tương tự: Bạch hổ hoạt lạc cao, hay cao bạch hổ. Được bán rộng rãi tại hầu hết nhà thuốc trên toàn quốc với giá 19.000 đồng.
Dù có rất nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường như cao sao vàng, dầu gió Trường Sơn, dầu gừng Thái Dương, v…vvv, cao Con Hổ vẫn giữ được vị trí nhất định trên thị trường. Mùi hương của những hộp cao xoa bóp đã dần trở thành những kỷ niệm khó quên của nhiều hộ gia đình.