Hành trình thoát 'cửa tử' của tàu cá TH-90929TS

Trời mưa tầm tã, gió lớn, sóng biển cao 3,4 mét như muốn nhấn tìm tàu cá TH 90929TS bị phá nước giữa biển cả mênh mông. Thuyền trưởng Lê Văn Dũng và các thuyền viên vừa tát nước vừa lo lắng cho tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ đến khi nhìn con tàu của những chiến sĩ Biên phòng đang vượt sóng tiến tới, mọi người mới dám tin tất cả sẽ sống và an toàn trở về.

Các ngư dân tàu TH-90929TS được tàu SAR 412 và BP 08-09-01 đưa vào bờ an toàn. Ảnh: Trúc Hà

Các ngư dân tàu TH-90929TS được tàu SAR 412 và BP 08-09-01 đưa vào bờ an toàn. Ảnh: Trúc Hà

Khi đã an toàn trong bờ, ông Lê Văn Dũng (chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá TH 090929TS, trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mới bình tĩnh kể lại hành trình thoát khỏi “cửa tử” trên biển của mình và các thuyền viên. Trong mỗi câu nói đều hàm chứa lòng biết ơn đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đà Nẵng và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II.

Theo đó, từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, tàu của ông Dũng và 2 tàu bạn cùng quê là TH 91126TS, TH 90723TS hành nghề lưới quét sẽ đánh bắt hải sản trên vùng biển Đà Nẵng. Ngày 7/10 vừa qua, sau khi bán hải sản ở âu thuyền Thọ Quang, cả 3 tàu xuất bến qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà). Thế nhưng, mới đánh bắt được vài ngày thì thời tiết trên biển diễn biến xấu, mọi người động viên nhau cố gắng để không lỗ tiền dầu và có chút dư giả gửi cho gia đình.

Tuy nhiên, đến chiều ngày 13/10, trời mỗi lúc một mưa nhiều, gió rất to nên ông Dũng cho thu lưới và điều khiển tàu chạy về bờ tránh trú. Đến tọa độ 16°09'32"N - 108°19'04"E, cách mũi Nghê của Đà Nẵng khoảng 18 hải lý thì tàu bị phá nước. Sóng to, gió lớn, tàu phá nước, mọi người vô cùng lo lắng. Ông Dũng vừa trấn an mọi người tập trung tát nước vừa cho người gọi về Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II.

“Lúc ấy mặc dù có 2 tàu bạn hỗ trợ nhưng tôi vô cùng lo lắng, sợ con tàu sẽ không trụ nổi bởi sóng rất to, nhiều lúc như muốn nhấn chìm tất cả. Ngoài tính mạng của mọi người còn tài sản. Con tàu gần 900CV là tải sản tích cóp, vay mượn là cần câu cơm của gia đình tôi và hơn 10 thuyền viên trên tàu. Có giữ được mạng sống mà mất tài sản cũng thật đau xót. Thế rồi, chúng tôi nhìn thấy con tàu màu xám của BĐBP từ xa. Chúng tôi biết mình sẽ sống và chiếc tàu sẽ được cứu”.

Nhiều lần thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, hiểu được hoàn cảnh của ngư dân vật lộn giữa sóng gió, giành giật sự sống, thế nên, ngay sau khi nhận được lệnh của đồng chí Chỉ huy trưởng, Đại tá Trần Công Thành, Thiếu tá Phạm Trung Hiếu, Hải đội trưởng Hải đội 2 đã nhanh chóng triển khai kíp tàu đi cứu hộ, cứu nạn. Chiếc tàu BP 08-09-01 do Trung tá Đào Văn Tường làm thuyền trưởng nhanh chóng rời cầu cảng. Lúc này mưa rất to, tầm nhìn xa chỉ khoảng 100m, sóng cao, trùm lên cả nóc tàu. Thế nhưng với bản lĩnh của những người lính Biên phòng, con tàu BP 08-09-01 cứ rẽ sóng hướng về tọa độ tàu cá đang bị nạn. Với quyết tâm cao nhất, những người lính Biên phòng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường.

Quân y BĐBP Đà Nẵng sơ cứu vết thương cho thuyền viên tàu TH-90929TS. Ảnh: Trúc Hà

Quân y BĐBP Đà Nẵng sơ cứu vết thương cho thuyền viên tàu TH-90929TS. Ảnh: Trúc Hà

Thực ra, trong quá trình làm thủ tục xuất, nhập bến cho các tàu cá, Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang nhận thấy, khi kiểm tra giấy tờ của 1 phương tiện thường mất rất nhiều thời gian, nếu thời tiết mưa gió dễ làm ướt giấy tờ. Anh đã làm cái phiếu kiểm tra phương tiện, kích thước bằng cái nhãn vở học sinh rồi gim vào đầu trang bìa. Trên tấm phiếu, cán bộ Biên phòng sẽ ghi sẵn các loại giấy tờ nào còn hạn hay hết hạn, thế nên, khi qua trạm kiểm soát, chỉ cần nhìn vào phiếu là biết. Làm như vậy sẽ tiết kiệm thời gian kiểm tra của bộ đội mà đảm bảo hơn cho bà con. Đặc biệt, trên tấm phiếu kiểm tra phương tiện ghi số điện thoại di động của Đại úy Nguyễn Văn Khánh để ngư dân liên lạc khi gặp sự cố tông va, chìm tàu, bươn vướng lưới… Và, lần này, tấm phiếu ấy đã phát huy hiệu quả..

Thiếu tá Phạm Trung Hiếu trực tiếp lên tàu ra để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Đến 18 giờ, tàu BP 08-09-01 đã tiếp cận được hiện trường. Lúc này, tàu TH-90929TS đang được tàu TH 90723 lai dắt với tốc độ khoảng 3 hải lý/ giờ và được tàu TH 91126TS đi bên cạnh kèm sát. Trước đó, tàu TH90723 đã cho 3 thuyền viên của mình sang tàu TH-90929TS để phụ giúp tát nước. Cảm xúc rất khó tả khi nhìn 3 con tàu gỗ như bị sóng nuốt chửng giữa biển cả mênh mông.

Thiếu tá Phạm Trung Hiếu nhận định, lúc này sóng rất to, nếu tàu BP 08-09-01 cập mạn thì nguy cơ va chạm sẽ làm vỡ hoặc lật tàu TH-90929TS khi làm dây lai kéo không đảm bảo, lúc ấy sẽ đặc biệt nguy hiểm đến tính mạnh của 14 ngư dân trên tàu. Thiếu tá Phạm Trung Hiếu động viên và hướng dẫn các ngư dân tiếp tục hành trình, tàu BP 08-09-01 sẽ đi song song hai tàu lai kéo nhau để sẵn sàng hỗ trợ cho tới khi ra khỏi vùng biển nguy hiểm sẽ nhận dây lai dắt.

Lúc này, tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II cũng ra tới nơi. Đây là tàu chuyên dụng về cứu hộ, cứu nạn nên mọi người càng thêm vững tin. Thông qua kênh liên lạc VHF73, Thiếu tá Phạm Trung Hiếu đã liên lạc với tàu SAR 412 để thống nhất phương án cứu hộ. Chỉ huy tàu SAR 412 đưa ra phương án kéo tàu ngược lại qua mũi Nghê về cảng Đà Nẵng MRCC và đề nghị tàu BP 08-09-01 hỗ trợ kèm các tàu cá qua khu vực mũi Nghê để đảm bảo an toàn.

Lúc này, ở trong bờ, cán bộ của Đồn Biên phòng Sơn Trà cũng đã sẵn sàng túc trực tại cảng Đà Nẵng MRCC để làm thủ tục bàn giao. Quân y của đơn vị cũng có mặt sẵn sàng làm nhiệm vụ thăm khám sức khỏe và sơ cứu cho các thuyền viên bị thương. Đến 21 giờ, tàu TH 90929TS cập cảng Đà Nẵng MRCC an toàn, kết thúc một hành trình đầy sóng gió.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hanh-trinh-thoat-cua-tu-cua-tau-ca-th-90929ts-post467505.html