Hành trình tiếp bước thế hệ 'Những người đi tìm lửa' anh hùng

Ngọn lửa dầu khí truyền thống, luôn rực sáng, lan truyền qua nhiều thế hệ người lao động dầu khí hôm nay. Trang sử vẻ vang, thấm đẫm khó khăn, gian khổ, nhưng đầy hoài bão và khát khao đổi mới. Niềm tin ấy cũng chính là ngọn lửa tiếp sức những hành trình mới trong giai đoạn mới.

Từ số “0” đến gần 60 năm bền bỉ tìm dầu

Sự kiện thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 vào ngày 27/11/1961 đánh dấu chặng khởi đầu của ngành Dầu khí Việt Nam cùng những thay đổi, thăng trầm của đất nước và có thể nói, mỗi bước phát triển của ngành Dầu khí đều góp phần tạo ra những bước thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Và có thể khẳng định, từ dấu mốc ấy, suốt gần 60 năm bền bỉ tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc hôm nay đã có rất nhiều những thăng trầm, nhiều nỗ lực không ngừng của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động dầu khí.

Người lao động dầu khí.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm 1986 - thời điểm Đảng ta khởi xướng công cuộc Đổi mới cũng là năm Việt Nam khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ và chính thức ghi danh vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới. Sự trùng hợp này cho thấy, cả tư duy đổi mới, cũng như sự chuẩn bị cho việc hình thành ngành Dầu khí Việt Nam đã phôi thai từ trước đó rất lâu để cùng tạo nên dấu mốc trọng đại, tạo bước ngoặt cho sự phát triển đất nước.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, trong gần 35 năm qua, đồng hành cùng đất nước trong công cuộc Đổi mới, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, qua đó góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Về an ninh năng lượng, từ năm 1991 với sản lượng dầu khai thác được 3,96 triệu tấn, Việt Nam đã bắt đầu cân đối được nhập khẩu trong bối cảnh nguồn thu ngoại tệ cực kỳ khan hiếm, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt. Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp khí cung cấp khoảng 9 - 11 tỷ m3 khí mỗi năm cho nền kinh tế, trong đó cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia và gần 80% khí cho các hộ tiêu dùng của cả nước. Đặc biệt, đối với ngân sách Nhà nước, trong nhiều năm ngành Dầu khí đóng góp trên 20% tổng thu và từ năm 2015 đến nay khoảng 9 - 11% tổng thu ngân sách của cả nước. Ngành công nghiệp mũi nhọn này cũng đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 10 - 13% GDP của cả nước. Thông qua hoạt động đầu tư và hợp tác quốc tế, đến nay ngành Dầu khí Việt Nam đã thu hút được hơn 45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với hơn 100 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, qua đó bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ để hình thành và phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Những đóng góp của ngành Dầu khí đối với sự phát triển đất nước là hết sức to lớn. Ngành Dầu khí đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung trải dài từ Bắc chí Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh...

Giai đoạn mới với những chiến lược mới

Dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động dầu khí phải đối mặt với tình trạng thuận lợi ít đi, khó khăn và thách thức nhiều hơn. Như phân tích của TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam thì hiện nay, nhiều mỏ dầu chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sau 20 - 30 năm khai thác như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây cung cấp gần 600 triệu tấn dầu khí quy đổi (Toe) đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, sản lượng khai thác suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai (tận thu hồi dầu), trong khi các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn, vướng mắc các thủ tục đầu tư, gây khó khăn để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, mở rộng thăm dò.

Ngoài ra, ông San cũng cho rằng, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông đến 200m, để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến trên 1.000m, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhân lực có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, điều mà PVN hiện chưa thể có. Hơn nữa, đây là vùng biển có nhiều bất cập về an ninh chính trị, rủi ro tiềm ẩn trong việc triển khai thăm dò và phát triển các mỏ ở vùng nước sâu, xa bờ. Các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao cũng lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Quy mô hoạt động dầu khí thu hẹp, giá dịch vụ cũng rớt thê thảm theo biến động giá dầu nhưng chậm hồi phục, trong lúc Luật Đấu thầu không tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, ở nước ngoài thì bảo hộ nội địa gia tăng.

Các cơ chế chính sách cho ngành Dầu khí chưa kịp thời thay đổi, có nhiều quy định trong các luật chi phối hoạt động dầu khí như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng xung đột với “Hợp đồng khung dầu khí”, Luật Dầu khí, thông lệ dầu khí quốc tế, không phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, chưa hỗ trợ đủ để các doanh nghiệp dầu khí vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt không những do sức ép của sự biến động tiêu cực của giá dầu mà quan trọng hơn là sự đòi hỏi phải đầu tư đổi mới công nghệ, nhanh chóng ứng dụng và phát triển các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, tăng sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

“Sau 35 năm khai thác tấn dầu đầu tiên, trữ lượng và sản lượng của những mỏ dầu khí lớn sau thời gian dài khai thác bị suy giảm, đó là quy luật. Nhưng tài nguyên dầu khí vẫn còn, theo thống kê trong các bể trầm tích hiện đang khai thác dầu khí, chưa kể các bể Phú Khánh, Tư Chính - Vũng Mây, khu vực nam bể sông Hồng, thì trữ lượng thu hồi còn lại trong các bể truyền thống này đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2045, nhưng đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác, giải pháp khoa học công nghệ phù hợp, cơ chế chính sách linh hoạt “kiến tạo”, Nhà nước - doanh nghiệp cùng phát triển, đặc biệt khi tình hình địa chính trị - kinh tế quốc tế, an ninh - chính trị Biển Đông có những biến động không thuận lợi để mở rộng địa bàn hoạt động dầu khí”, TS. Ngô Thường San nhấn mạnh.

Trước bối cảnh đó, để tiếp tục phát triển ngành Dầu khí trong giai đoạn mới đầy biến động và thách thức, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 41-NQ/TW với mục tiêu tổng quát: “Phát triển ngành Dầu khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ... có tiềm lực mạnh về tài chính, khoa học - công nghệ, sức cạnh tranh cao, chủ động và tích cực hội nhập...” và “Phát triển ngành Dầu khí gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược biển, an ninh năng lượng, gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - đối ngoại, phát triển với hiệu quả kinh tế cao, bền vững... nâng cao năng lực cạnh tranh”... Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị là “kim chỉ nam” cho hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam, là nền tảng thống nhất hành động thực hiện ý nguyện của Bác Hồ - xây dựng nền công nghiệp dầu khí phát triển hiện đại, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Có thể nói, hoạt động dầu khí hiện nay phải đối mặt với nhiều rủi ro, đòi hỏi sự nỗ lực to lớn và kịp thời của cả ngành dầu khí và của các cơ quan chức năng của Chính phủ. Ngành Dầu khí luôn đặt niềm tin ở sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bộ Chính trị, ở trí tuệ và quyết tâm của toàn ngành. Hơn bao giờ hết, ngành Dầu khí cần sự tạo điều kiện để tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về cơ chế và các quy định lạc hậu nhằm đưa Ngành Dầu khí phát triển nhanh và bền vững.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hanh-trinh-tiep-buoc-the-he-nhung-nguoi-di-tim-lua-anh-hung-post67517.html