Hành trình tìm 58 'con nuôi' của Báo Công an TPHCM
Xuất phát từ bài báo có nội dung: 'Một phụ nữ nhà nghèo ở vùng nông thôn tỉnh Kiên Giang bị chồng say xỉn sát hại dã man, bỏ lại 5 đứa con nhỏ dại bơ vơ, không nơi nương tựa, trong khi cha chúng khó thoát án tử hình...', năm 1992, cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành, lúc bấy giờ là Phó Tổng biên tập Báo Công an TPHCM (CATP) đã bức xúc trong cuộc họp giao ban: 'Bằng mọi giá chúng ta phải cứu lấy những đứa trẻ bất hạnh này!'. Rồi anh trao đổi với tôi: 'Đây là chương trình lớn trong năm 1992 của chúng ta, bắt đầu từ những đứa trẻ đáng thương ở Kiên Giang, anh là người chịu trách nhiệm thực hiện trước Ban biên tập. Làm thế nào để mọi người hiểu được tính nhân văn của lực lượng công an!'.
Cuộc hành trình cam go...
Trước mắt, tôi được giao nhiệm vụ mang hai triệu đồng trích từ Quỹ xã hội - từ thiện của Báo xuống Kiên Giang giúp các cháu vượt qua nỗi thống khổ. Sau đó tiếp tục thực hiện bước thứ hai, bằng mọi cách cố gắng tìm cho được một nơi đáng tin cậy tại TPHCM để có thể gửi những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, có hoàn cảnh đặc biệt như trường hợp 5 cháu bé này vào, để các cháu được nuôi dưỡng chu đáo, thành người hữu ích cho xã hội...
Công việc tưởng đơn giản, nhưng khi vào cuộc lại khó khăn trăm bề. Khi đặt chân tới thị xã Rạch Giá - thủ phủ tỉnh Kiên Giang (nay là TP Rạch Giá), tôi không có một thông tin chính xác nào về tung tích của 5 đứa trẻ đáng thương ấy. Hiện chúng sống ra sao, trôi dạt phương trời nào, hầu như không ai biết. Đã vậy, khi nghe có phóng viên xuống tận nơi tìm cách cứu lấy 5 đứa trẻ, có người còn cho rằng: "Con của gia đình diện chính sách còn chưa lo nổi, lại đi lo cho con của tội phạm!". Nhưng cũng có không ít ý kiến tán thành việc làm mới mẻ này của chúng tôi. Nhiều người bảo: "Con của diện chính sách có chính sách Nhà nước lo. Còn đây là chuyện xã hội phát sinh, cần được xã hội quan tâm đến nơi đến chốn. Mặc dù lũ trẻ là con của tội phạm, nhưng cũng là con của nạn nhân, chúng hoàn toàn vô tội".
Trước làn sóng tranh cãi của một số giới chức địa phương, tôi tìm cách tranh thủ ý kiến lãnh đạo. Sáng 22/5/1992, sau khi nghe tôi báo cáo về mục đích của chuyến công tác, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đã thống nhất ủng hộ quan điểm của Ban Biên tập Báo CATP và chỉ đạo các ngành chức năng của Kiên Giang tích cực hỗ trợ chúng tôi thực hiện cuộc hành trình...
Tìm những đứa trẻ bất hạnh
Được sự hướng dẫn của nhà báo Nguyễn Tấn Vạn - một đồng nghiệp trẻ của báo Kiên Giang, chúng tôi rời thị xã Rạch Giá trong buổi sáng hôm ấy để lên đường vào huyện vùng sâu An Biên. Vượt hơn 30km vừa đường đất vừa đường sông mới cặp bến Xẻo Rô - địa phận xã Hưng Yên (An Biên). Qua khỏi UBND xã đến cầu Bờ Môn, rồi lần theo bờ ruộng chừng 3km thì tới nơi xảy ra thảm án: đối tượng Nguyễn Văn Út (còn gọi là Út Cò) sát hại vợ là chị Danh Thị Liên. Nhìn ngôi mộ đất mới ngay trên nền nhà của người xấu số, anh bạn đồng nghiệp cho biết, ngay sau khi tẩn liệm chị Liên, bà con trong ấp đã phóng hỏa ngôi nhà (đúng hơn là cái chòi lá) để có đất chôn cất nạn nhân tại đây. Cũng từ đó tới nay không ai biết 5 đứa nhỏ sống như thế nào, ở đâu? Có người nói, 3 đứa theo bà nội nổi trôi trên chiếc xuồng be bảy (loại xuồng ba lá ngang bảy tấc, dài hai mét tám) rày đây mai đó, hái rau muống đắp đổi qua ngày. Còn 2 đứa theo bà ngoại là bà Hai Chiêu, trôi dạt đi đâu không rõ.
Theo sự chỉ dẫn của một phụ nữ biết chỗ ở của 5 đứa trẻ, chúng tôi tới Công an huyện An Biên mượn tắc ráng, cùng anh Dương Thanh Toàn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện, đội mưa rẽ sóng vào ấp Tân Sơn 2, xã Đông Yên tìm nhà bà Năm Đẹc. Cả nhà nhốn nháo khi thấy "khách lạ” cặp chiếc tắc ráng trước bến sông lầy lội bước lên bờ. "Chị Năm ơi!", tôi ướm gọi. Một người đàn bà ngoài bốn mươi tuổi từ trong nhà bước vội ra sân tỏ vẻ ngạc nhiên: "Sao các chú biết tôi?". "Chị là người có tấm lòng nhân hậu, hay thương người nghèo khổ, cả vùng này ai còn lạ gì chị nữa!".
Như bắt đúng mạch, bà Năm Đẹc ngớ người: "Ủa, mà sao tôi không nhớ ra các chú cà?". "Tôi ở xa lắm, có gặp lần nào đâu, nên chị không nhớ là phải rồi". "Vậy các chú tìm tôi chẳng hay có chuyện gì?". "Chẳng qua biết chị đang cưu mang, đùm bọc mấy đứa con của chị Liên với Út Cò, chúng tôi tìm đến thăm chúng nó!". Đang vui vẻ, bà Năm Đẹc bỗng sa sầm sắc mặt, lo lắng. Đến lúc này, anh Trưởng phòng LĐTB&XH huyện mới lên tiếng trấn an: "Chị Năm đừng ngại, ông anh đây ở Báo CATP cùng tôi là người địa phương ở Phòng LĐTB&XH huyện mình, tìm chị là mong được gặp mấy cháu con của chị Liên để tặng tiền và tìm cách nuôi dưỡng chúng nó nên người đó mà”.
Bà Năm Đẹc nghe vậy thở phào: "Vậy sao! Ai dè Công an bắt ba tụi nhỏ, lại cũng chính Công an lo cho tụi nhỏ, chuyện thiệt khó ngờ đối với tôi. Vậy cho tôi xin lỗi các chú vì hiểu lầm nghen!". Rồi bà quay vào trong vui mừng gọi lớn: Bà Hai ơi! Ra đây, đem mấy đứa nhỏ ra đây mau lên.
Bà Dương Thị Bông, tuổi gần tám mươi, người nhỏ thó, mặt nhăn nheo, nước da màu đồng, với mái tóc bạc phơ, rụt rè dắt mấy đứa cháu nội bước ra. Đứa lớn nhất 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 12 tháng tuổi, đứa nào cũng ốm yếu, quần áo rách rưới, da mặt xanh xao, mắt lấm lét. Đứa lớn ẵm đứa bé gái nhỏ nhất trên tay, trông nó như con mèo ốm, đôi mắt đờ đẫn, tay chân khẳng khiu. Bà Hai Bông run giọng: "Tôi biết tội của cha chúng nó, con trai tôi đáng chết lắm. Chỉ tội nghiệp cho 5 đứa cháu nội của tôi còn quá nhỏ dại đã phải sớm chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cầu trời cho tôi còn sống để lo cho chúng nó được ngày nào hay ngày nấy". Tôi an ủi bà Bông: "Bác yên tâm, 5 đứa nhỏ sẽ có người lo lắng chăm sóc nên người. Trước mắt, tôi thay mặt Báo CATP gửi cho bác hai triệu đồng - nhờ Phòng LĐTB&XH huyện An Biên mở sổ tiết kiệm, hàng tháng bác đến chỗ anh Năm Toàn đây lấy lãi về lo cho các cháu!".
Đưa về bến bờ hạnh phúc
Ngay sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Kiên Giang, tôi trở về thành phố tiếp tục thực hiện bước thứ hai, tìm một nơi "đáng tin cậy" để hoàn thành "chương trình nhân đạo đặc biệt", sớm đưa những đứa trẻ bất hạnh đến bến bờ hạnh phúc. Trong một cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Sở LĐTB&XH TPHCM, khi trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở lúc bây giờ tỏ ra không ủng hộ và cho rằng các nhà báo chúng tôi toàn làm những chuyện "khó”. Ông nói "trẻ mồ côi ở thành phố còn lo chưa kham, lại đi tìm ở đâu dưới tỉnh đưa về, không thể chấp nhận được".
Tôi trình bày đây là trường hợp khá đặc biệt, hiện tỉnh Kiên Giang chưa có một cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, chẳng lẽ mặc cho các cháu sống lạc loài vô định, nhưng ông vẫn không tán thành. Quá thất vọng trước cái "lạnh" của ông Phó giám đốc, chiều 25/5/1992 tôi tìm đến Làng Thiếu niên Thủ Đức, còn gọi là Làng Picasso - do bà Marina Picasso (người Pháp) tài trợ đỡ đầu, với hy vọng sẽ được đồng tình ủng hộ.
Quả nhiên sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh đáng thuơng của 5 cháu bé ở Kiên Giang, bà Trần Thị Thương - Giám đốc Làng Picasso lúc bấy giờ không cầm được nước mắt. Và thế là vào đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi năm đó, 5 "đứa con" đầu tiên của Báo CATP trong chương trình nhân đạo đặc biệt do họa sĩ Ớt (tức cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành) khởi xướng đã được đón từ An Biên (Kiên Giang) đưa đến Làng Picasso. Khi tên tuổi các cháu: Nguyễn Văn Hiền (SN 1983), Nguyễn Văn Ngoan (SN 1984), Nguyễn Thị Đẹp (SN 1986), Nguyễn Văn Đại (SN 1987) và Nguyễn Thị Ca (SN 1991) được nhập vào danh sách gia đình Marina Picasso - Làng Thiếu niên Thủ Đức, chúng tôi mới cảm thấy hết được niềm hạnh phúc của người khởi xướng chương trình nhân đạo đặc biệt này.
Họa sĩ Ớt siết chặt tay tôi thay lời chúc mừng thành công và nở một nụ cười rạng rỡ: "Chưa hết đâu, xã hội còn nhiều trường hợp bất hạnh, đắng cay không kém 5 "đứa con" đầu tiên của chúng ta! Thành phố tuy còn có những khó khăn nhất định, nhưng không vì thế ta lại không tiếp tục thực hiện chương trình này. Tôi tin ở tài ngoại giao của anh, rồi đây chúng ta sẽ có thêm nhiều "đứa con" nữa...".
Thấu hiểu tâm trạng của người lãnh đạo, tôi quyết tâm tìm bằng được "đầu vào" ổn định tại thành phố. Biết khó có thể tiếp tục hỗ trợ chúng tôi nhận thêm những "đứa con" từ các tỉnh, ngoài 5 cháu bé ở Kiên Giang đã nhận về, bà Trần Thị Thương - Giám đốc Làng Picasso "mách" cho tôi một địa chỉ tốt. Ngay lập tức, tôi phóng xe lên Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Sau khi nghe tôi trình bày nội dung "Chương trình nhân đạo trọng điểm" cùng quan điểm của Báo CATP đối với những đứa trẻ bất hạnh, đặc biệt là con của tội phạm và con của nạn nhân bọn tội phạm, anh Nguyễn Văn Trừng - Giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp hoàn toàn nhất trí, hỗ trợ việc làm của chúng tôi và sẵn sàng đón nhận những "đứa con" từ khắp mọi miền đất nước do Báo CATP đưa về.
Có được địa chỉ đáng tin cậy mang tầm vóc quốc tế - Làng trẻ em SOS Gò Vấp, chúng tôi vững tin tiếp tục thực hiện cuộc tìm kiếm trẻ mồ côi bất hạnh khắp vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ đưa về bến bờ hạnh phúc. Cho tới lúc người chủ xướng "Chương trình nhân đạo đặc biệt" đột quỵ nằm xuống (đầu xuân 1993), chỉ sau 7 tháng thực hiện, đã có ít nhất 40 "đứa con" của Báo CATP đang được nuôi dưỡng tại hai Làng Picasso và SOS đến nghiêng mình trước linh cữu vị "cứu tinh" - cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành. Trước Tết năm đó, vào ngày 30/12/1992, anh Thành đã cùng tôi lên Làng trẻ em SOS thăm "già làng" cùng các mẹ, các dì ... là những người trực tiếp nuôi dạy các trẻ mồ côi bất hạnh và anh không quên "lì xì” cho những "đứa con" đáng yêu ấy.
Trên đường về tòa soạn, anh Thành tỏ ra tâm đắc trước những kết quả đáng khích lệ này. Anh còn động viên nhắc nhở tôi hãy tiếp tục thực hiện chương trình tốt hơn nữa và thường xuyên quan tâm chăm sóc tới những "đứa con" của chúng ta. Anh vỗ vai tôi: "Giờ đây, anh tự biết phải làm gì và làm sao cho xứng với cương vị "người cha" tinh thần trên danh nghĩa đối với những "đứa con" mà anh đã cất công lặn lội kiếm tìm". Nhớ lời Huỳnh Bá Thành căn dặn (đầu tiên mà cũng là cuối cùng), từ đó hàng năm vào dịp lễ Tết, tôi vẫn không quên tới các mái ấm trong làng SOS thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các con, ấm đậm nghĩa tình.
Nên người hữu dụng...
Mới đó mà đã hơn 30 năm trôi qua, tính đến nay, ngoài 5 "đứa con" đầu tiên gửi vào Làng Picasso Thủ Đức, còn có tới những 58 "đứa con" khác đang được nuôi dưỡng, ăn học tử tế tại Làng trẻ em SOS Gò vấp. Tất cả đều đồng chung cảnh ngộ: mất cha, mất mẹ, nhưng không có nỗi bất hạnh nào giống nỗi bất hạnh nào. Các cháu được phát hiện tại nhiều địa phương khác nhau như: Kiên Giang (4 trường hợp, 17 cháu), Vĩnh Long (1 trường hợp, 5 cháu), Trà Vinh (1 trường hợp, 4 cháu), Đồng Tháp (1 trường hợp, 2 cháu), Bình Long (1 trường hợp, 4 cháu), Lộc Ninh (1 trường hợp, 5 cháu), Long An (1 trường hợp, 3 cháu) và 6 trường hợp khác tại TPHCM gồm 13 cháu, trong đó có cháu bị bọn tội phạm bắt từ Pleiku, bẻ gãy tay buộc đi xin ăn ở quận 1. Phần lớn những "đứa con" này đều khỏe mạnh, chăm chỉ học hành và rất ngoan. Nhiều cháu thi học sinh giỏi cấp thành phố, có cháu là đại biểu thành phố đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc tại Hà Nội và từng được bác Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng chính phủ biểu dương.
Có một số cháu sau khi tốt nghiệp PTTH đã đi làm cô nuôi dạy trẻ, chủ cơ sở may, thợ may, tài xế, thủy thủ. Có cháu đi hợp tác lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, đi Thanh niên xung phong, đi bộ đội và vào đại học hoặc Trung học chuyên nghiệp kỹ thuật ... và cả đi du học. Đáng kể nhất là cháu Hồ Sĩ Linh (SN 1982), anh cả của 3 đứa em sớm chịu cảnh mồ côi không nơi nương tựa tại Q10, TPHCM, được chúng tôi đưa vào Làng trẻ em SOS từ năm 1993. Sau khi học hết cấp II xuất sắc, năm 1997 cháu Linh được học bổng sang Na Uy du học tiếp cấp III.
Năm học cuối cấp (1999-2000), ông Helmut Kutin, Chủ tịch SOS quốc tế động viên cháu: "Nếu kỳ thi tú tài này con đạt 24 điểm (chỉ hơn 2 điểm quy định), ông sẽ cho con tự chọn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới để theo học đại học, bằng học bổng của ông". Đây là học bổng đầu tiên của ông Chủ tịch SOS quốc tế dành cho trẻ em mồ côi Việt Nam. Và rồi trong kỳ thi tú tài quốc tế diễn ra tại Anh Quốc hồi tháng 6/2000, "đứa con" Hồ Sĩ Linh của chúng tôi đã đạt số điểm quán quân: 38/22 điểm. Thế là năm học 2000-2001, cháu Hồ Sĩ Linh vinh dự nhận học bổng từ ông Chủ tịch SOS quốc tế, theo học khoa Luật Quốc tế tại một trường đại học tại Australia. Đến nay Hồ Sĩ Linh đã tốt nghiệp trở thành một Luật sư giỏi đại diện Công ty Luật Quốc tế tại Australia, có cuộc sống ổn định tại Úc và tiếp tục học lên cao nữa.
Đến nay, những đứa "con nuôi" ấy của chúng tôi đã khôn lớn, trưởng thành, thành gia lập thất, có con cái, nghề nghiệp ổn định, có cuộc sống hạnh phúc. Ngoài 58 đứa con chính thức, chúng tôi có thêm những người "con dâu", "con rể" và hàng tá "cháu nội", "cháu ngoại" rất dễ thương. Còn hạnh phúc nào hơn trước sự khôn lớn và thành đạt của những "đứa con" đáng yêu thương ấy! Tôi bùi ngùi nhớ tới người bạn khả kính của tôi – cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành. Giá mà anh chưa vội đi xa, anh cũng sẽ được chứng kiến "các con" của chúng tôi trưởng thành thì hạnh phúc biết dường nào! Nhớ lời anh căn dặn, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm, giúp đỡ những đứa trẻ, những mảnh đời bất hạnh. Điều đó tô thắm thêm tính nhân văn của tờ Báo CATP trong lòng bạn đọc.