Hành trình tìm mộ ba của con gái liệt sĩ tình báo T65

Như thành thói quen, mỗi lần có việc đi ngang qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, chị Lan Hương lúc nào cũng ngước mắt nhìn dãy núi Răng Cưa sừng sững phía trước mắt. Nơi đây lưu giữ những ký ức không thể nào quên của chị về người ba là liệt sĩ đã hy sinh trong những ngày cuối cùng khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sắp kết thúc, non sông sắp thu về một mối.

 Nhà Bia tưởng niệm ở đơn vị tình báo T65. Ảnh: HH

Nhà Bia tưởng niệm ở đơn vị tình báo T65. Ảnh: HH

Chị Lê Thị Lan Hương là con gái duy nhất của liệt sĩ tình báo T65 lừng danh một thuở. Ông tên là Lê Thanh Tùng (sinh năm 1933), bí danh Lê Thư. Theo hồi ức của mẹ, ba chị gặp và cưới người con gái quê Hà Tĩnh khi bà là công nhân của Nông trường Quyết Thắng cũ (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh). Mẹ chị lúc đó không biết được công việc của ba, chỉ biết rằng ông đi B. Những năm chiến tranh, ai cũng phải hy sinh hạnh phúc riêng tư để phục vụ cho cách mạng. Mẹ chị cũng vậy, từ khi cưới cho đến khi nhận được giấy báo tử của chồng vào ngày 15/1/1973, bà chỉ sống với ông vỏn vẹn chưa đầy một tháng. Chị Lan Hương ra đời trong lần cuối cùng ba chị ghé về thăm mẹ.

Sau này đồng đội của ông kể lại, gia đình mới biết trong một lần hoạt động ở Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, ông bị thương bởi mìn định hướng, đồng đội tìm mọi cách để đưa ông về nơi đóng quân ở núi Răng Cưa chữa trị. Chiến sự diễn ra ác liệt, đường lên núi xa xôi nên phải mất một ngày mới đưa được ông đến trạm phẫu. Tuy nhiên, vì bị mất quá nhiều máu, ông đã hy sinh và được đồng đội chôn trên chân núi Răng Cưa. Đó là năm 1973, lúc đó Thừa Thừa-Huế vẫn chưa được giải phóng.

Câu chuyện về ba, về sự hy sinh của ông thì chị Lan Hương đã biết trước đó rất lâu. Nhưng ước mong được tìm thấy mộ ba đưa về quê nhà chôn cất thì bắt đầu nhen nhúm sau ngày chị tốt nghiệp đại học. Chị nhớ mãi sau ngày ra trường, một người đàn ông có vẻ mặt phúc hậu đến tìm chị và giới thiệu là đồng đội cũ của ba. Người đó chính là ông Quang Hải, một trinh sát dày dạn kinh nghiệm, chỉ huy mưu lược của T65, sau này là Trưởng đoàn Luật sư Quảng Trị. Qua câu chuyện của ông Hải, chị biết thêm là sau ngày giải phóng, đồng đội nhiều lần lên núi Răng Cưa để tìm mộ ba chị nhưng đến tại thời điểm đó vẫn chưa tìm được vết dấu. Núi Răng Cưa có địa hình phức tạp nên việc tìm kiếm không hề dễ cho dù người trực tiếp chôn cất ba chị vẫn còn sống. Ông Hải đã đưa chị về giới thiệu với gia đình và nói: Đây là con gái của một người đồng đội của ba đã hy sinh. Ba sống được đến ngày hôm nay chính là nhờ sự hy sinh của các đồng đội, vì vậy các con hãy bảo bọc và thương yêu em như người trong gia đình.

Câu nói đó khiến chị xúc động và trân quý những tình cảm mà đồng đội ba đã dành cho ông. Những ngày sau đó, ông Quang Hải là người chở chị đi xin việc hết nơi này đến nơi khác. Khi đã có một công việc ổn định rồi lập gia đình, ý định đi tìm mộ ba được chị ấp ủ bấy lâu nay mới có cơ hội để thực hiện. Chị Hương đã khâu nối với đồng đội của ba, trong đó có ông Kiên, ở Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế- là người đã trực tiếp chôn cất ba chị ở trạm phẫu- để chuẩn bị cho việc tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm mộ được bắt đầu từ năm 1994 với sự giúp đỡ của người dân ở Phú Lộc cùng nhiều đồng đội của ba chị. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chuyện ăn ở, đi lại tìm kiếm cũng rất vất vả. Chị và mẹ chỉ theo vào đến Phú Lộc, rồi ở đó đợi tin đoàn tìm kiếm vì hành trình đi bộ lên núi rồi ở lại trong rừng sâu rất khó khăn, hiểm trở. Nhưng mỗi lần chờ đợi là một lần mẹ con chị lại thất vọng khi đoàn tìm kiếm trở về mà không thu được kết quả gì. Việc xác định được điểm chôn cất vẫn “bóng chim tăm cá”. Nhiều lần chị Lan Hương trăn trở, liệu mình có đang làm một việc quá sức khi đồng đội ba, những người đã từng chôn cất ba, những người dân địa phương thông thạo địa hình đã theo đuổi công việc này quá lâu, quá tâm huyết nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Nhưng nghĩ lại, trong chị vẫn nuôi một hy vọng, dù mong manh nhất, là phải đưa bằng được ba mình xuống núi, về với quê nhà vì chị là giọt máu duy nhất của ông để lại. Điều giúp chị có thêm động lực là sự động viên của đồng đội ba, sự nhiệt tình của người dân địa phương và của cá nhân ông Kiên, người đã không vắng mặt bất cứ một cuộc tìm kiếm trên núi nào kể từ khi đồng đội đi tìm mộ ba chị.

Lần tìm kiếm cuối cùng vào năm 2004. Lần này, sau nhiều lần tìm kiếm thất bại, mọi người đã rút ra được kinh nghiệm, đó là nhờ những người đi tìm trầm và rà phá phế liệu chiến tranh tìm kiếm dấu vết của trạm phẫu thông qua các vật như xi lanh, kim tiêm, khay đựng thuốc và một số vật dụng phục vụ cho công tác chữa bệnh thời đó còn sót lại. Mọi người đều thống nhất quan điểm rằng, tìm thấy dấu vết trạm phẫu mới quyết định được việc xác định đúng vị trí chôn cất ba chị. Lần này, những người tìm trầm đã thông báo một thông tin quan trọng là tìm thấy khu vực có nhiều kim tiêm, khay đựng thuốc trên ngọn núi Răng Cưa. Từ thông tin quan trọng đó, chị Hương cùng gia đình đã tiến hành tổ chức tìm kiếm trở lại. Và như mọi lần, cuộc tìm kiếm lần này có sự tham gia của ông Kiên và người dân địa phương. Khi đến khu vực mà những người tìm trầm báo về, ông Kiên phát hiện ra Khe Cạn (vị trí mà khi chôn cất đồng đội, ông đã lấy đó để làm dấu) và khẳng định đây chính là khu vực trạm phẫu năm xưa. Từ chi tiết đó, ông bắt đầu tìm và xác định đúng vị trí chôn cất đồng đội hơn 30 năm về trước.

Chị Lan Hương kể lại: Hôm đó là ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi trực ở cơ quan mà cứ bồn chồn trong người. Trước đó, tôi đã về nhà dọn dẹp bàn thờ và chuẩn bị một số công việc cần thiết vì cứ có linh cảm là lần tìm kiếm này sẽ có kết quả. Tôi nghĩ, chắc ở trên trời cao, ba cũng hiểu được ước mơ cháy bỏng của con gái, thấu hiểu những vất vả mà con gái, gia đình và đồng đội tìm kiếm mình bấy lâu nên sẽ phù hộ cho mọi người. Vậy mà linh cảm đó của tôi đã trở thành hiện thực, khi nghe chồng tôi điện về báo đã xác định được vị trí chôn cất ba, tôi nghẹn ngào vì xúc động. Cuối cùng, sau bao năm tìm kiếm, năm 2004, mộ ba tôi đã được tìm thấy và đưa về chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9. Để đưa được mộ ông về quê hương, ngoài sự nỗ lực của gia đình còn có sự giúp đỡ rất nhiệt tình, kịp thời của Công an các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đồng đội ông và bà con nhân dân huyện Phú Lộc.

Với chị Lan Hương, những ngày sau đó chị luôn cảm thấy ấm áp trong lòng vì ngày ngày được lên mộ, kể chuyện vui buồn cho ba nghe; là sự an yên khi làm tròn bổn phận của một người con. Tự hào là con gái của một chiến sĩ tình báo, chị Lê Thị Lan Hương đã có những nỗ lực, phấn đấu và thành công trong công việc. Chị hiện đang đảm đương vị trí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh. Và cho đến tận bây giờ, dẫu chưa một lần được gặp ba, nhưng hình ảnh của ông, niềm tự hào về ông vẫn vẹn nguyên trong trái tim chị.

Phan Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148040