Hành trình từ kẻ cướp đến doanh nhân của một giám đốc công ty
Cái tên doanh nhân Đinh Trường Chinh đã một thời khá nổi với mối quan hệ rộng, thân thế khủng... khiến nhiều người chú ý. Thế nhưng, khi hay tin doanh nhân này bị khởi tố với nhiều tội danh thì không ít người lại giật mình. Càng giật mình hơn khi biết Đinh Trường Chinh là đối tượng từng có nhiều tiền án...
Nhiều “biến hóa” từ đất công
Thông tin Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Huỳnh Thế Năng (sinh năm 1959) nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Đinh Trường Chinh (sinh năm 1974, trú tại phường 10, quận Phú Nhuận) nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quảng cáo xây dựng Việt Hân (Công ty Việt Hân) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí..." vào ngày 27/10/2023 đã làm rúng động dư luận.
Tiếp đó, ngày 27/12, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về việc bị can Đinh Trường Chinh bị khởi tố thêm tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC). Qua khám xét tại trụ sở HDTC, cơ quan điều tra thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan bị can Đinh Trường Chinh để tiếp tục điều tra làm rõ. Đặc biệt, khi thông tin Đinh Trường Chinh từng có 2 tiền án về tội “Cướp giật tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được lan tỏa rộng rãi trong dư luận thì “vỏ bọc” doanh nhân thành đạt, hoàn hảo của Đinh Trường Chinh đã được xé toang ra.
Năm 2006, Đinh Trường Chinh thành lập Công ty Việt Hân với vốn điều lệ ban đầu là 320 tỷ đồng, nhưng sau đó nhanh chóng tăng lên 1.600 tỷ đồng và sở hữu đến 49% vốn. Việc tăng vốn lên cao chỉ trong thời gian ngắn của Công ty Việt Hân đã thu hút một số doanh nghiệp, đơn vị Nhà nước chú ý và nhắm đến các khu đất công có vị trí “vàng” ở TP Hồ Chí Minh trên tinh thần “cùng có lợi”.
Sau thời gian xúc tiến, đầu năm 2015, Hội đồng thành viên Vinafood 2 đã ra nghị quyết về thống nhất chủ trương liên kết với Công ty Việt Hân để thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn nhằm thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê ở khu đất có diện tích hơn 6.200 m2 tại số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Chinh, phường Bến Nghé, quận 1 với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong phi vụ hợp tác này, không hiểu bằng cách nào mà Đinh Trường Chinh được Vinafood 2 ưu ái cho Công ty Việt Hân góp đến 80% vốn bằng tiền mặt, Vinafood 2 góp phần còn lại bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần quyền sử dụng của khu đất.
Điều bất thường là trước đó, để được UBND TP Hồ Chí Minh cấp “sổ hồng” cho khu đất này, Vinafood 2 đã phải đi vay ngân hàng số tiền hơn 633 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất. Vậy nhưng khu đất chỉ được Vinafood 2 xác định có giá trị vẻn vẹn 730 tỷ đồng vào thời điểm đem hợp tác với Công ty Việt Hân. Chưa dừng lại, sau khi Công ty Việt Hân chuyển trả lại cho Vinafood 2 570 tỷ đồng là số tiền còn lại của giá trị khu đất sau khi đã cắt ra một phần để góp vốn vào Công ty Việt Hân Sài Gòn, Vinafood 2 đã chuyển nhượng nốt 20% vốn góp cho đối tác.
Ngay sau khi hoàn thành mục đích thâu tóm khu đất “vàng” trên từ tay Vinafood 2, năm 2016, Đinh Trường Chinh thực hiện chiêu “ve sầu thoát xác” thông qua việc bán cổ phần tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho người khác đứng tên. Chủ sở hữu mới tại Công ty Việt Hân Sài Gòn sau đó gồm 2 thành viên góp vốn: Công ty CP Bất động sản Mùa Đông (Công ty Mùa Đông) góp 99% và Công ty Việt Hân góp 1%. Các chủ hữu mới đã đem khu đất trên thế chấp Ngân hàng MSB để vay số vốn rất lớn. Sau đó tháng 1/2017, Công ty Mùa Đông và Công ty Việt Hân tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty CP Sài Gòn Dimensions và Công ty Đầu tư BOB. Việc chuyển nhượng này nhằm thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý, thu hồi nợ theo phương án xử lý nợ ngày 26/10/2016 của Ngân hàng MSB gửi Ngân hàng Nhà nước và được thẩm định, chấp nhận. Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng dùng để trả nợ cho khoản vay của các công ty tại MSB.
Đã bị bán tài sản để thu hồi nợ, nhưng sau đó Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục sử dụng tài sản này thế chấp vay tại các ngân hàng khác. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Vinafood 2, Công ty Việt Hân Sài Gòn không triển khai dự án mà sử dụng “sổ hồng” của khu đất để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 4 công ty thành viên vay ngân hàng.
Cụ thể, tháng 12/2014, Vinafood 2 ký hợp đồng vay Techcombank 850 tỷ đồng và được giải ngân hơn 518 tỷ đồng. Sau khi Vinafood 2 trả hết nợ gốc và lãi vay, tháng 4/2016, Đinh Trường Chinh, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp với Chi nhánh TP Hồ Chí Minh của MSB để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Mùa Đông và được MSB giải ngân 1.683 tỷ đồng. Khi Công ty Mùa Đông trả hết nợ gốc và lãi khoản vay này, bà Trương Thị Cẩm Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp với SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay cho 9 hồ sơ và đã được giải ngân hơn 5.801 tỷ đồng. Trả hết nợ 9 khoản vay này, bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục ký hợp đồng thế chấp tài sản vay từ SCB để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ khách hàng vay vốn và được giải ngân hơn 5.371 tỷ đồng.
Chưa hết, bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục dùng “sổ hồng” khu đất ký hợp đồng thế chấp vay SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch và được giải ngân hơn 6.308 tỷ đồng. Số tiền này đã giải ngân trong cùng một ngày 28/8/2018 cho 7 hồ sơ vay. Tháng 4/2019, 7 công ty là 7 khách hàng vay đã chủ động đề nghị dùng các bất động sản tại dự án khu dân cư thuộc khu chức năng số 9 đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh làm tài sản bảo đảm thay thế cho các thửa đất thuộc khu đất trên. Điều đáng chú ý là trong các lần vay SCB, trong hồ sơ của Công ty Việt Hân Sài Gòn đều có chứng thư xác định giá trị tài sản đảm bảo là hơn 7.250 tỷ đồng... Do đó, cần làm rõ nhóm cựu lãnh đạo Vinafood 2 vì sao bất chấp pháp luật, bán toàn bộ khu đất công trên cho Đinh Trường Chinh và Công ty Việt Hân là vấn đề sẽ sớm được Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh giải đáp.
Bội tín với khách hàng
Điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại HDTC, ngày 16/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Quang Tống, nguyên Tổng Giám đốc HDTC và Lý Kim Vân, nguyên Kế toán trưởng HDTC. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, một số cá nhân có liên quan đến vụ án đã tố cáo Đinh Trường Chinh với các sai phạm trong quá trình điều hành HDTC.
Cùng thời điểm này, nhiều người dân đã nhận chuyển nhượng đất nền tại dự án khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức do HDTC làm chủ đầu tư cũng tố cáo Đinh Trường Chinh và những cá nhân có liên quan về việc dùng nhiều thủ đoạn gian dối, cố ý không thực hiện cam kết hợp đồng chuyển nhượng, không bàn giao các nền đất đã ký với người dân để chiếm đoạt tài sản của họ. Kết quả điều tra xác định, mặc dù khách hàng đã thanh toán hợp đồng nhận chuyển nhượng nền đất tại dự án khu đô thị An Phú - An Khánh và Công ty HDTC có trách nhiệm, nghĩa vụ phải bàn giao đất nền cho khách hàng theo thỏa thuận, nhưng Đinh Trường Chinh lấy nhiều lý do để tự đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thực hiện bàn giao các nền đất này cho người dân.
Cụ thể, sau thương vụ nhảy vào thâu tóm lượng lớn cổ phần khi HDTC thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và được nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty đang là chủ dự án khu đô thị 131 ha trên cùng một loạt dự án khác, Đinh Trường Chinh đã tìm cách bội tín với khách hàng.
Khi thấy giá đất nền đã tăng rất cao, Đinh Trường Chinh cho phân chia lại diện tích cả trăm nền đất tại dự án khu đô thị An Phú - An Khánh vốn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và HDTC ký hợp đồng chuyển nhượng cho người dân nhằm tăng giá trị khai thác. Thậm chí, ngay cả khu đất đã được quy hoạch làm công viên ở vị trí thuận lợi, Đinh Trường Chinh cũng chuyển đổi thành nền biệt thự để bán, còn công viên được cho hoán đổi vào phía trong, ở vị trí không thuận lợi. Để hợp thức hóa cho việc làm này, Đinh Trường Chinh đã nhờ chính quyền địa phương đứng ra tổ chức lấy ý kiến người dân. Khi nhiều người dân không đồng thuận, Đinh Trường Chinh đã tìm cách để hợp thức hóa. Cũng tại dự án này, Đinh Trường Chinh còn cho tổ chức xây dựng đồng loạt khi chưa được Sở Xây dựng cấp phép cho phần thân tòa nhà sau khi đã được Bộ Xây dựng cấp phép cho phần móng. Sau khi bị UBND thành phố xử phạt hành chính, buộc dừng thi công đối với một số tòa nhà chung cư ở khu D và khu E, Đinh Trường Chinh tiếp tục xây dựng không phép đối với một loạt công trình cao tầng.
Ngồi trên ghế Chủ tịch HĐQT của HDTC, một doanh nghiệp còn đến 30% vốn nhà nước, lẽ ra Đinh Trường Chinh tiếp tục khắc phục tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt mạnh trước đây để đưa HDTC phát triển hơn. Ngược lại, Đinh Trường Chinh bất chấp pháp luật.
Tại dự án khu dân cư An Sương với diện tích lên đến 66 ha do HDTC làm chủ đầu tư, khi các thế hệ lãnh đạo trước của HDTC đã không chịu bỏ tiền làm hạ tầng công cộng để bàn giao cho chính quyền gây bức xúc dư luận. Đến khi Đinh Trường Chinh làm lãnh đạo HDTC trong nhiều năm, nhiều lần UBND quận 12 và UBND TP Hồ Chí Minh đã ra “tối hậu thư” yêu cầu hoàn thành các công trình, bàn giao cho chính quyền, nhưng Đinh Trường Chinh vẫn phớt lờ, thậm chí còn bất chấp pháp luật, đem hơn 2 ha đất công trình công cộng cho một doanh nghiệp tư nhân mượn để mở chợ đêm. Ngoài ra, việc Đinh Trường Chinh thâu tóm cổ phần nhà nước từ HDTC như thế nào, việc cổ phần hóa của HDTC có công khai, minh bạch hay không, còn những ai liên quan... cũng là những vấn đề cần sớm được làm rõ.