Hành trình từ lòng đất tới bảo tàng
'Từ lòng đất tới bảo tàng: Hành trình của hiện vật' là tên cuộc triển lãm vừa được khai mạc chiều nay tại Hoàng thành Thăng Long. Có lẽ khi nghe tên của cuộc triển lãm này thì nhiều quí vị khán giả cũng phần nào hình dung được ý nghĩa của cuộc triển lãm này.
Tuy nhiên, đằng sau cái tên ấy là sự vào cuộc của rất nhiều bên, từ Quốc hội, Chính phủ, thành phố Hà Nội, đơn vị quản lý di sản, các chuyên gia, nhà khoa học. Và cũng phải mất rất nhiều công sức, thời gian mới có thể đưa được những hiện vật từ lòng đất tới với bảo tàng, để người dân trong và ngoài nước có thể chiêm ngưỡng những giá trị đặc biệt của di sản văn hóa thế giới trong lòng Hà Nội.
Cơn mưa phùn dày đặc tại Hà Nội chiều nay, dường như cũng không làm ảnh hưởng tới không khí của buổi khai mạc triển lãm “Từ lòng đất tới bảo tàng: Hành trình của hiện vật”. Đây là một nội dung trong khuôn khổ “Dự án Hợp tác Hà Nội – Toulouse” về hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đô thị tiêu biểu và di tích khảo cổ học tại Di sản Thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội”. Mặc dù không giản trưng bày không nhiều hiện vật khảo cổ, nhưng thông qua sự diễn giải của những tấm pano, áp phích, người xem có thể tường tận hơn về qui trình để đưa một hiện vật từ lòng đất tới bảo tàng.
Cuộc khai quật đầu tiên tại Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2002, tới năm 2010 thì nơi đây mới được Unessco công nhận là Di sản văn hóa thế giới và từ đó mới bắt đầu mở cửa đón khách tham quan. Như vậy hơn 8 năm mới có những hiện vật đầu tiên được trưng bày và tới giờ là 20 năm, Hoàng thành Thăng Long vẫn còn nhiều hiện vật quí đang chờ được ra mắt công chúng. Nói vậy để thấy, hành trình để đưa một hiện vật từ lòng đất tới bảo tàng là một hành trình dài, thậm chí rất dài. Bởi những hiện vật ấy chính là một phần các cứ liệu lịch sử của dân tộc ta, đòi hỏi sự nghiên cứu vô cùng chính xác.
Đúng như các nhà khoa học chia sẻ, nếu không có những cuộc khai quật thì không ai dám khẳng định Hoàng Thành Thăng Long ở đâu? Không ai có thể nghĩ tới viễn cảnh phục dựng lại chính điện quan trọng bậc nhất của lịch sử trung đại – Điện Kính Thiên. Và “hành trình từ lòng đất tới bảo tàng” chính là hiện diện cho hành trình tái hiện lịch sử mà các thế hệ hôm nay cũng như mai sau sẽ nỗ lực thực hiện, để khẳng định giá trị lịch sử nghìn năm văn hiến của Hà Nội nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Anh Thư Văn Thắng
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hanh-trinh-tu-long-dat-toi-bao-tang