Hành trình về ký ức
Tôi cảm nhận mình như đang ngồi trên chuyến tàu trong hành trình về ký ức khi đọc tập truyện ngắn 'Đối tác đến từ bên kia' (NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) của Phan Ngọc Chính.
Dường như những nhân vật trong tập truyện đang đóng vai trò hướng dẫn viên đưa người đọc xuất phát từ sân ga hiện tại đến khắp những vùng miền, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi cao. Người hướng dẫn viên ấy là bạn đồng hành, đồng thời là người kể câu chuyện về ký ức đời mình. Mỗi câu chuyện chắp nối với nhau bằng sợi dây liên kết của hiện tại và quá khứ.
Đó là khung cảnh bình yên của những làng quê Bắc Bộ nhưng phía sau là mạch ngầm của sự ganh đua giữa các dòng họ trong "Trưởng thôn làng Lềnh", “Đồng Xa khắc gợi”. Là những âm mưu tranh giành lợi ích cá nhân trong "Cổ tích của làng" khi người làng Tía nghe tin doanh nghiệp về lấy đất mở khu công nghiệp.
Là những cám dỗ, cạm bẫy, sự tranh đoạt quyền lực, chức vị trong “Giấc mơ cuối ngày”, “Hẹn ngày trở lại”... Sự tiếp nối của quá khứ, hiện tại cũng là sợi dây liên kết, giữ hồn tác giả được chăm chút trong "Mầm mưa", "Cổ tích của làng". Phía sau mỗi nhân vật là một mảng ký ức được tác giả khơi lên bằng ngôn từ giàu cảm xúc, khiến người đọc vừa hồi hộp vừa suy đoán cho diễn biến tiếp theo.
Một số truyện ngắn lại khiến độc giả đồng cảm với sự nuối tiếc của tác giả khi anh nhắc về quá vãng và khắc gợi vẻ đẹp bình dị nơi làng quê, miền núi đang dần mất đi bởi lợi ích kinh tế.
Và, khi viết về sự thiêng liêng, tàn khốc, đau thương trong cuộc chiến biên giới năm 1979, chuyến tàu của Phan Ngọc Chính như dừng lại lâu hơn trên sân ga ký ức. Trong mỗi câu chuyện khiến chúng ta cảm thấu về tình đồng đội thiêng liêng nơi biên cương đạn lửa. Trong khói lửa chiến tranh, những người lính sẵn sàng chấp nhận hy sinh để nhường sự sống cho đồng đội của mình. Và cả khi kết thúc chiến tranh, những người lính như Kha (“Đồng xa khắc gợi”), Sơn (“Đối tác đến từ bên kia”), Lý (“Di Nguyện”) trở về thời bình với hoàn cảnh khác nhau, nhưng dù đối mặt với sự khắc nghiệt đến thế nào của đời sống, trong trái tim họ vẫn không nguôi quên tình cảm. Họ trân trọng những giá trị tốt đẹp của người lính để sống không hổ thẹn với cuộc đời và những người đã hy sinh để gìn giữ từng tấc đất quê hương.
Đọc xong 10 truyện ngắn của Phan Ngọc Chính, tôi cảm thấy như mình vừa từ quá khứ về với hiện tại trên chuyến tàu mà người lái chính là tác giả. Bước xuống sân ga thực tại, tôi vẫn miên man liên tưởng, suy đoán bởi kết thúc mở sâu đậm giá trị nhân văn mà Phan Ngọc Chính muốn gửi đến độc giả.
Kiều Xuân Quỳnh/Hà Nội Mới
Nguồn Znews: https://znews.vn/hanh-trinh-ve-ky-uc-post1450668.html