Hành trình về nhà bão táp của công nhân TQ sau đại dịch

Dù là người luôn nghe lời chính phủ và làm theo đúng các quy định, cô Bunny Fan phải mất một tháng mới có thể quay lại căn hộ của mình ở Bắc Kinh để làm việc sau dịch.

Trước khi lên chuyến bay quay về Bắc Kinh vào cuối tháng 2, Bunny Fan đã gọi cho đại diện của chủ thuê nhà để kiểm tra rằng cô có thể vào căn hộ của mình. Không có vấn đề gì đâu, họ nói với cô.

Ngày hôm sau, cô nhân viên văn phòng 27 tuổi phải đứng bên ngoài căn hộ của mình dưới cơn mưa tầm tã cầu xin người bảo vệ cao tuổi cho cô vào trong.

Người bảo vệ này nói rằng các quy tắc đã được thắt chặt sau khi cô lên máy bay.

 Một tình nguyện viên đóng cổng vào một khu dân cư ở Bắc Kinh trong khi họ giám sát mọi người ra vào vào ngày 26/3. Ảnh: AFP.

Một tình nguyện viên đóng cổng vào một khu dân cư ở Bắc Kinh trong khi họ giám sát mọi người ra vào vào ngày 26/3. Ảnh: AFP.

Cô Fan mất gần một tháng mới vượt qua được bộ máy kiểm soát dịch bệnh mới của Trung Quốc để trở về nhà.

“Ông bảo vệ gác cổng đó dường như có nhiều quyền lực và kiểm soát cuộc sống của tôi còn hơn một vị thần”, cô Fan nói với Bloomberg.

“Làm thế nào mà tôi - một người nghe lời chính phủ và tuân theo mọi mệnh lệnh - cuối cùng lại không thể về nhà trong một tháng?”

Các thử thách mà cô Fan phải trải qua cho thấy cách chính phủ Trung Quốc nỗ lực đưa nền kinh tế vận động trở lại sau khi vượt qua đại dịch đang mâu thuẫn với tình hình thực tế.

Công nhân nhập cư tìm cách quay lại làm việc ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác phải đối phó với các chính sách kiểm dịch liên tục thay đổi của các quan chức địa phương.

Làm theo quy tắc

Việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán vào cuối tuần này có thể gây ra nhiều vấn đề hơn nữa. Chỉ việc mở cửa khu vực xung quanh tỉnh Hồ Bắc vào tháng trước đã gây ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát từ hai khu vực khác nhau khi chính quyền ở các khu vực lân cận tìm cách ngăn chặn làn sóng bệnh nhân thứ hai.

Với những người di cư như cô Fan, ngay cả khi cố gắng tuân theo tất cả quy tắc, rất khó để cô có thể làm đúng mọi việc. Giống như nhiều công nhân đã trở về để gặp gia đình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, Fan đã trở về quê nhà của cô ở Diên Cát, thành phố phía đông bắc gần biên giới Triều Tiên.

 Người dân địa phương du lịch trở về khai báo với một quan chức tại cổng vào khu dân cư ở Thượng Hải ngày 5/2. Ảnh: Bloomberg.

Người dân địa phương du lịch trở về khai báo với một quan chức tại cổng vào khu dân cư ở Thượng Hải ngày 5/2. Ảnh: Bloomberg.

Sáng ngày 29/2, cô đã sẵn sàng tiếp tục làm việc trong lĩnh vực du lịch sau khi chính phủ kéo dài thời gian nghỉ lễ để kiểm soát dịch bệnh. Nhà điều hành căn hộ Ziroom, nền tảng cho thuê trực tuyến giúp chủ nhà cho thuê tài sản, đảm bảo rằng cô sẽ không gặp khó khăn gì khi quay trở lại căn hộ thuê của mình.

Biết chắc cô sẽ ngay lập tức bị cách ly 14 ngày sau khi trở về Bắc Kinh, Fan không mang theo bất kỳ quần áo dự phòng nào, thậm chí không có cả tất hay đồ lót.

Thay vào đó, trong vali của cô chứa chất khử trùng, găng tay cao su, mì ăn liền, thịt hun khói, kim chi và bánh bao mẹ cô làm.

Bị đuổi đi

Fan bắt chuyến bay sớm trở về Bắc Kinh và đến khu nhà của cô ở quận Triều Dương vào khoảng giữa trưa. Các nhân viên bảo vệ ở cổng trước nhìn qua một cửa sổ nhỏ và yêu cầu cô đứng bên ngoài trời mưa.

Sau khoảng 20 phút, người đàn ông lớn tuổi ở cổng thông báo với cô rằng các chính sách đã thay đổi vào sáng hôm đó. Để được vào trong, người bạn chung nhà cũng phải cách ly 14 ngày với cô. Điều này không thể thực hiện vì người bạn này không thể xin làm việc tại nhà.

Trong 4 giờ tiếp theo, Fan gọi xung quanh trong tuyệt vọng để tìm nơi ở. Cô gọi điện cho đường dây nóng của cảnh sát và chính phủ, nhưng họ nói chỉ có thể liên lạc với cô sớm nhất sau 1 đến 5 ngày.

Cô gọi cho Ziroom và họ nói có thể giúp cô tìm căn hộ trống ở nơi khác. Nhưng phòng ở này không có chăn hoặc dụng cụ vệ sinh hàng ngày như bàn chải đánh răng hoặc giấy vệ sinh.

Fan cũng không có tiền để ở trong khách sạn. Cô kiếm được khoảng 1.200 USD mỗi tháng và dành 1/3 số này cho tiền thuê nhà. Cô cũng vừa mới thanh toán tiền thuê nhà, số tiền tiết kiệm cuối cùng của cô. Cô còn phải trả 281 USD cho chuyến bay về Bắc Kinh và các khách sạn thường yêu cầu thanh toán trước 14 ngày.

Cuối cùng, một người bạn đã đồng ý cùng cách ly và cho cô ở nhờ. Đối với Fan, người bạn này như một vị cứu tinh và Fan dành cả tháng để mặc quần áo, đồ ngủ và thậm chí là tất của người bạn này.

"Tôi rất muốn khóc"

Rào cản tiếp theo của cô là lấy mã vạch do chính phủ cấp để chứng minh rằng cô đã trải qua thời gian cách ly 14 ngày. Ngày thứ nhất, cô phải đăng nhập vào một chương trình nhỏ do chính phủ Bắc Kinh điều hành trên ứng dụng WeChat.

Trong hai tuần tiếp theo, cô phải ghi nhận vị trí và nhiệt độ mỗi ngày trên ứng dụng này. Lo sợ rằng các chính sách sẽ thay đổi một lần nữa, cô Fan thậm chí còn ghi lại video hàng ngày để làm bằng chứng.

Mã QR do WeChat và Alipay tạo ra trở thành công cụ thuận tiện cho các nhà chức trách Trung Quốc theo dõi dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng cũng gây ra những lo ngại và đặt ra vấn đề về quyền riêng tư đối với những người muốn trở lại làm việc.

 Một hành khách cầm "mã xanh" trên điện thoại để đi tàu điện ngầm ở Vũ Hánngày 1/4. Màu xanh lá cây là "mã sức khỏe" cho biết người dùng không có triệu chứng và người dùng bắt buộc có mã này mới được lên tàu điện ngầm, vào khách sạn hoặc chỉ đi vào Vũ Hán. Ảnh: AP.

Một hành khách cầm "mã xanh" trên điện thoại để đi tàu điện ngầm ở Vũ Hánngày 1/4. Màu xanh lá cây là "mã sức khỏe" cho biết người dùng không có triệu chứng và người dùng bắt buộc có mã này mới được lên tàu điện ngầm, vào khách sạn hoặc chỉ đi vào Vũ Hán. Ảnh: AP.

Thử thách cuối cùng của Fan là lấy giấy phép ra vào khu dân cư của cô. Để có được nó, cô cần mã QR sức khỏe được tạo trên WeChat và xác nhận rằng cô đang bị cách ly với bạn của mình từ các quan chức địa phương.

Chính quyền cũng yêu cầu chủ nhà người bạn của cô quét chứng minh thư của mình, cung cấp bằng chứng rằng anh ta sở hữu căn hộ và ký một lá thư xác nhận cho Fan.

“Tôi cảm thấy như họ đang muốn tôi chứng minh rằng bố tôi là bố tôi và mẹ tôi là mẹ tôi”, Fan, người đã rất tức giận trong quá trình cách ly đến nỗi cô phải tìm đến tư vấn tâm lý qua mạng, nói với Bloomberg. “Tôi muốn khóc, nhưng tôi đã tức giận đến nỗi khóc không có ý nghĩa gì”.

Cuối cùng cũng nhượng bộ

Vào ngày trước khi cô quyết định quay trở lại căn hộ của mình, Fan đã gọi đường dây nóng của ủy ban khu phố và nói với họ rằng cô đã lấy được tất cả tài liệu cần thiết. Tuy nhiên, họ vẫn không chắc liệu cô có thể quay lại không.

Quá tức giận, bạn của cô đã chộp lấy điện thoại và mắng họ. Cô ấy nói rằng nếu họ vẫn từ chối cấp cho Fan giấy phép thì cô sẽ sớm hết tiền và chết đói.

“Cô ấy hỏi họ rằng họ có chịu trách nhiệm nếu tôi chết đói, họ có chăm sóc tôi nếu tôi không có tiền mua thức ăn hay không”, Fan kể lại. “Đó cũng là lúc họ chịu nhượng bộ”.

Fan ghi âm lại lúc họ xác nhận cho cô về nhà vì sợ rằng các nhân viên bảo vệ sẽ lại ngăn cô.

Và nỗi sợ của Fan không phải không có căn cứ. Khi Fan đến cổng khu dân cư, bảo vệ nói không biết liệu cô có thể vào nhà hay không. Fan phải phát lại toàn bộ bản ghi âm, đưa ông ấy xem các tài liệu và nổi giận thì mới được cấp giấy ra vào nhà.

“Tôi rất sợ từ chính sách. Chính sách như thời tiết vậy, chúng liên tục thay đổi mỗi ngày”, Fan nói.

“Trong toàn bộ trải nghiệm này, dường như không có ai có lỗi. Nhưng điều đó khiến tôi nhận ra rằng khi bạn là một công dân bình thường không quyền lực thì sẽ có lúc bất lực như vậy”.

Thế giới cần giãn cách xã hội trong một năm để phòng Covid-19? “Giãn cách xã hội” đang là phương án hữu hiệu nhất để ngăn dịch Covid-19 tiếp tục lây lan. Theo nhiều chuyên gia, con người cần phải thực hiện điều đó trong thời gian một năm.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-ve-nha-bao-tap-cua-cong-nhan-tq-sau-dai-dich-post1068247.html