Hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong

Bài 2 - Bảo vệ, nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong (HBĐT) - Mặc dù xây dựng được thương hiệu, nhưng cam Cao Phong gặp những thách thức về tăng trưởng nóng, giá cả, nạn hàng nhái, kiểm soát chất lượng... Song huyện quyết tâm bảo vệ và từng bước nâng tầm thương hiệu.

Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 5 năm 2019 thu hút đông đảo khách đến thăm quan, mua cam.

Những thách thức

Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Xuân Dũng thông tin: Vụ cam 2019 - 2020, giá cam giảm gần 50% so với vụ trước, gây lo lắng cho người trồng. Thị trường tiêu thụ cam phần nhiều vẫn phụ thuộc vào tư thương, chưa bền vững, giá bấp bênh. Thêm vào đó, nhiều huyện khác trong tỉnh và một số tỉnh khác tăng diện tích trồng cam. Quy hoạch sản xuất cam của tỉnh lớn nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu về tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện, có thời điểm cam phát triển nóng bất chấp quy hoạch và khuyến cáo, thậm chí chuyển đổi cả đất lâm nghiệp dốc trên 250.

Theo quy hoạch của tỉnh và chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến năm 2020, diện tích cây có múi toàn huyện 2.557,51 ha, nhưng hiện đã phát triển trên 3.000 ha, sản lượng trên 40.000 tấn (chỉ tiêu 22.000 tấn). Sản phẩm cam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Nhiều tỉ phú xuất hiện nhưng cũng có những người rơi vào cảnh nợ nần do cây cam đòi hỏi công đầu tư, chăm sóc lớn, thời gian để được thu hoạch dài và các yếu tố đặc thù.

Phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH&CN) là bộ phận tham mưu quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Cao Phong cho sản phẩm cam. Trưởng Phòng Phạm Thế Hải đánh giá: Thách thức chính là việc duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm. Còn nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, mỗi hộ chọn giống, chăm sóc khác nhau nên không có sự đồng đều về chất lượng. CDĐL chưa phát huy hết hiệu quả, nhất là với những hộ có quy mô nhỏ. Nhiều hộ chưa hiểu về nguyên lý hoạt động của CDĐL. Tăng trưởng nóng có thể dẫn tới không kiểm soát được giống, chất lượng sản phẩm, nguy cơ uy tín bị ảnh hưởng. Một vấn đề nữa là việc sử dụng đúng, bảo vệ được tên thương mại trên thị trường.

Cũng theo Sở KH&CN, việc phân cấp, phân quyền quản lý CDĐL Cao Phong chưa phù hợp. Áp dụng các công cụ kiểm soát quy trình sản xuất, kinh doanh, chất lượng, truy xuất nguồn gốc tự phát, không được toàn bộ các hộ trong vùng bảo hộ tuân thủ. Có hộ sản xuất cam ngoài vùng bảo hộ vẫn đưa sản phẩm ra thị trường gắn CDĐL Cao Phong. Trong khi giống cam V2 được trồng tại Cao Phong từ năm 2004 đã khẳng định tính ổn định di truyền nhưng chưa được đăng ký mở rộng CDĐL.

Vấn đề chống hàng nhái, đội lốt cam Cao Phong gặp nhiều khó khăn. Phó trưởng ban kiểm soát CDĐL Cao Phong Đỗ Minh Ngọc cho biết: Một số hộ kinh doanh chưa tuân thủ các quy định về tem nhãn. Gian lận về nhãn mác cam Cao Phong ở các tỉnh khác khó kiểm soát hoặc không thể. Chuỗi giá trị nhiều khâu trung gian, hệ thống thông tin thị trường hạn chế. Sản phẩm cam mang CDĐL chủ yếu ở hình thức quả tươi, thời gian sử dụng ngắn, chưa có nhiều tổ chức, cá nhân chế biến. Việc dán tem truy xuất lên sản phẩm chưa nhiều. Quản lý CDĐL, thương hiệu cam là vấn đề mới, còn bất cập. Công ty TNHH MTV Cao Phong với vai trò nòng cốt sản xuất cam trong huyện nhưng chưa chủ động chuyển đổi doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chậm.

Bảo hộ thành công CDĐL là kết quả quan trọng nhưng nhiệm vụ quan trọng hơn là bảo vệ, phát triển thương hiệu để cam Cao Phong trở thành thương hiệu mạnh của quốc gia.

Bảo vệ, phát triển thương hiệu cam Cao Phong

Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thành Vinh cho biết: Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, UBND tỉnh ban hành quyết định quản lý và sử dụng CDĐL Cao Phong. Sở KH&CN ban hành quyết định phê duyệt mẫu logo và hỗ trợ huyện ban hành hệ thống văn bản quản lý. Tổ chức các hội nghị tập huấn về quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ CDĐL. Các sở, ngành phối hợp tổ chức, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực.

Huyện Cao Phong đã thành lập BCĐ Quản lý và phát triển CDĐL nhằm quản lý chặt từ giống cam, quy trình kỹ thuật, chất lượng VietGAP, an toàn thực phẩm... Ban Kiểm soát CDĐL cũng được thành lập, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát đối với việc sử dụng CDĐL tại địa phương. Huyện tổ chức thành công 5 lễ hội cam để quảng bá sản phẩm. Thành lập các HTX, Hội những người trồng cam để quản lý sản phẩm mang CDĐL. Trên địa bàn huyện đã thành lập 4 hội trồng cam, 27 HTX dịch vụ nông nghiệp. Năm 2018, xây dựng mô hình gắn tem truy xuất cho các hộ có sản phẩm cam sử dụng CDĐL. Năm 2019, thành lập Hội Kinh doanh và sản xuất cam Cao Phong. Sản phẩm cam của huyện đã được thu hoạch rải vụ, hạn chế bị ép giá. Xây dựng mô hình du lịch vườn cam vừa quảng bá, vừa tiêu thụ sản phẩm.

Ban Kiểm soát CDĐL Cao Phong tổ chức ký cam kết với hơn 100 hộ kinh doanh cam trên địa bàn huyện không bán các sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo chất lượng. Cắm 2 biển thông tin về niên vụ thu hoạch cam tại hai đầu của huyện. Thông báo rộng rãi các quy định về quản lý và sử dụng CDĐL. Năm 2019, kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy 1.928 bao bì chứa sản phẩm cam mang CDĐL Cao Phong chưa được cấp quyền sử dụng, xử phạt hơn 2 triệu đồng.

Huyện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tìm hướng đi mới và tạo được những đột phá trong bối cảnh cạnh tranh. Tiêu biểu như việc thành lập Liên hiệp HTX Cao Phong đầu tiên ở khu vực Tây Bắc. HTX Hà Phong thực hiện mô hình "Cam hữu cơ theo chuỗi sản xuất và chế biến ra các sản phẩm từ quả cam tươi”. 300 ha cam của HTX được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. HTX chế biến được 9 sản phẩm: nước cốt cam, nước cam tươi lên men, tinh dầu... Nước cam tươi lên men và cam quà tặng cao cấp của HTX được xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh... HTX 3T farm có "cam - quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh" cũng là sản phẩm OCOP năm 2019...

Đối mặt với nhiều thử thách nhưng huyện Cao Phong quyết tâm bảo vệ và từng bước nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong. Để làm được điều này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Xuân Dũng cho rằng, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng KH-CN, tăng diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Xem xét diện tích quy hoạch của tỉnh đối với cây cam. Đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường các biện pháp quản lý CDĐL, quảng bá sản phẩm.

Theo Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong Đinh Đức Lân, thời gian tới, không nên đưa chỉ tiêu tăng diện tích mà tập trung vào chất lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vận động, khuyến khích, hỗ trợ nhân dân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm; khuyến cáo không lạm dụng thuốc BVTV. Cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, sâu sát.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thành Vinh đề xuất UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với công tác quản lý CDĐL theo hướng giao UBND huyện Cao Phong thực hiện. Huyện tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về hoạt động sở hữu trí tuệ ở địa phương; nâng cao công tác quản lý, kiểm soát chéo chất lượng; triển khai mở rộng bảo hộ vùng CDĐL, bổ sung thêm sản phẩm cam V2 vào danh mục được bảo hộ. Xây dựng và triển khai hệ thống thương mại hóa sản phẩm, thiết lập kênh phân phối đa dạng. Các sở, ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp trong quản lý CDĐL.

Cẩm Lệ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/138360/hanh-trinh-xay-dung-va-phat-trien-thuong-hieu-cam-cao-ph111ng.htm