Hành trình xuất gia ngộ thiền của Tôn giả Bà Tu Mật
Tổ Bà Tu Mật sinh sau Đức Phật nhập niết bàn 231 năm, cha Ngài là ông Bà Thanh Quân, mẹ là Phất Thị Nham, dòng Phả La Đọa, ở miền bắc Ấn Độ. Khi lớn ngài thích mặc quần áo trắng, đi chơi thổi sáo, lúc nào tay cũng cầm cây sáo và bầu rượu, thảnh thơi an nhàn... Vậy làm thế nào Ngài ngộ ra mà xuất gia theo Phật?
Xuất gia ngộ Thiền
Khi gặp Tổ Di Dá Ca, ngài được khai ngộ rồi bỏ rượu, không thổi sáo và xin theo tổ làm người phục vụ. Tổ Di Dá Ca bảo: Phục vụ ta thì không cần, ta chỉ cần ông gánh vác việc của ta. Ngài hỏi: Gánh vác cho thầy có nặng không? Tổ bảo: Nặng thì không nặng, mà nhẹ thì cũng không gì nhẹ bằng. Ngài đang suy nghĩ câu nói của Tổ, Tổ nói thêm: Suy nghĩ mà biết là cái suy nghĩ của phàm phu, không suy nghĩ mà biết là… Tổ không nói ngài liền thêm vào: Của thánh nhân.
Tổ cười và khen: Ông đáng được làm thánh nhân. Ngài được tổ khen nên xin theo tổ xuất gia, một hôm Tổ gọi: Này ông thánh nhân sao ông không làm việc của mình đi? Nghe câu hỏi của tổ, làm ngài chết đứng bỗng thân tâm ngài dường như rơi vào khoảng không mênh mông vô tận, ngài ở trong trạng thái này rất lâu.
Tổ biết ngài đã được rơi vào bể tánh thanh tịnh phật tánh, nên cứ để ngài ở yên trong đó, khi ngài cử động tổ mới hỏi: Sao ông thánh nhân không trả lời câu hỏi của ta? Ngài liền quỳ sụp xuống khóc, cúi đầu lạy tổ và nói: Nhờ ân đức của thầy dùng diệu thuật ngôn ngữ nên đưa con vào Bể tánh thanh tịnh phật tánh, hiện giờ con đã biết những gì mà thầy muốn chỉ dạy con.
Tổ hỏi: Ông thấy và biết gì hãy nói lại cho ta nghe coi? Ngài liền xuất khẩu 76 câu thơ: Thánh nhân ôi hỡi Thánh nhân/ Danh từ hư rỗng không cần mà chi; Vật lý nghe thấy mà chi/ Chỉ cần thanh tịnh cái gì cũng thông. Thiền tông chỉ biết trong lòng/ Luân hồi sinh tử là “ông” luân hồi; Tu thiền đi, đứng, nằm, ngồi/ Là theo vật lý, bỏ rồi cho xong. Thiền tông Thầy nói lòng vòng/ Giúp người nhận được là xong luân hồi; Thiền tông đơn giản vậy thôi/ Rơi vào bể tánh hết rồi chuyển luân. Phật xưa chỉ dạy chữ “Dừng”/ Hễ ai “Dừng” được, hết “chưng” luân hồi;
Thầy ôi con đã ngộ rồi/ Môn thiền Thanh tịnh, không ngồi mà an. Lệ con sao mãi cứ tràn/ Nhìn Thầy đứng đó, lệ càng tuôn rơi; Con nay đã được thảnh thơi/ Rơi vào Bể tánh, ôi thôi con mừng. Mừng vì con đã được “Dừng”/ Luân hồi sinh tử con đừng chạy theo; Tưởng rằng thiền học khó theo/ Chỉ cần thanh tịnh không theo thứ gì. Thiền tông thật sự diệu kỳ/ Rơi vào Bể tánh, cái chi cũng tường;
Nhìn lại nhân loại đáng thương/ Cấm đầu mà lạy, xin đường thoát thân. Thì ra việc ấy không cần/ Chỉ cần thanh tịnh không cần việc chi; Thiền Thanh trực nhận một khi/ Luân hồi nhiều kiếp, làm chi được mình. Thầy ôi, con lạy và nhìn/ Hình Phật vĩ đại, con nhìn không thôi; Bóng Phật nay đã xa rồi; Pháp môn thiền học, vào đời của con.
Con xin thệ với núi non/ Pháp thiền Thanh tịnh luôn còn thế gian; Nhiều người hết khổ bình an/ Ngộ được thiền học là an muôn đời. Thầy ôi, con lạy Thầy rồi/ Mà sao nước lệ không rời má con; Lệ con sao cứ lăn tròn Nhưng lòng vui sướng không còn buồn chi. Thiền tông không biết nói gì/ Nhìn về Linh Thứu, mà ghi trong lòng;
Thưa Phật, con truyền núi sông/ Ai đó một lòng, muốn nhận Thiền tông. Con xin thệ nguyện trong lòng/ Truyền đi thiền học, thì lòng mới vui; Truyền được thì con mới cười/ Đáp đền Đức Phật, con vui trong lòng. Trước mặt Thầy, con kính mong/ Xin Thầy chứng giám, lòng này mới yên; Con kính trên Đấng Phật thiêng/ Xin Ngài chấp nhận con riêng lạy này.
Hôm nay con được như vầy/ Cũng nhờ diệu thuật, Thầy đây lưu truyền; Thiền tông tuyệt diệu rất thiêng/ Xin thầy kiểm nhận, ngộ thiền của con. Con xin nhất quyết lòng son/ Phổ đi thiền học thường còn thế gian; Nhờ thiền con được bình an/ Không còn luân chuyển, vào an Niết Bàn. Ngày xưa Phật dạy rõ ràng/ Nơi kinh Diệu Pháp, chỉ đàng vượt qua;
Lòng từ của Phật Thích Ca/ Dạy môn thiền học vượt qua luân hồi. Phật ôi, con đã ngộ rồi/ Niết bàn sanh tử con thôi không tìm; Những ai có đủ phước duyên/ Nhận được nguồn thiền là hết chuyển luân. Ai muốn, con nói chỉ “Dừng”/ Nhắc lời Phật dạy luân hồi dừng ngay; Thiền tông Đức Phật chỉ bày/ Không theo vật lý vào ngay Niết bàn. Tâm mình đừng có lang thang/ Chỉ cần thanh tịnh Niết bàn hiện ra;
Ngày xưa Đức Phật dạy ra/ Nhiều người không chịu, bỏ qua pháp này. May mắn có một vị Thầy/ Nhận được thiền học Phật đây lưu truyền; Hôm nay con có đại duyên/ Rơi vào Bể tánh linh thiêng vô cùng. Vào đây mới thấy lạ lùng/ Không có vật lý, biết cùng khắp nơi; Ở trong Bể tánh thảnh thơi/ Không sanh không tử không đời trầm luân.
Bể tánh không cần phải “Dừng”/ Cứ để như vậy, vì đây Niết bàn; Vào được thật sự bình an/ Là nơi quê cũ an nhàn thảnh thơi. Ai vào trong ấy được rồi/ Muốn giúp thiên hạ, ở nơi Dục trần; Dục trần là của người Trần/ Không dính không mắc, góp phần dựng xây. Thiền tông là của vị Thầy/ Được Phật truyền thiền để làm Tổ sư; Tổ sư tâm phải như như/ Không dính không mắc Tổ sư dạy thiền.
Thiền tông đức Phật dạy riêng/ Người có bổn phận truyền thiền mà thôi; Bình thường người muốn thiền thời/ Phải tìm cho được người thời “Mật trao”. Mật trao thiền học là sao?/ Là thiền thanh tịnh để vào nhà xưa; Thiền tông không nói sớm trưa/ Chỉ cần thanh tịnh, không ưa Niết bàn.
Khi thấy bóng phũ của màn/ Biết vượt qua được, là an muôn đời; Thiền tông đơn giản vậy thôi/ Luân hồi nhiều kiếp hết rồi tại đây. Con xin kỉnh lạy ơn thầy/ Nhờ thầy diệu thuật, con đây ngộ thiền; Con xin kính nguyện Phật thiêng/ Nguyện hứa truyền thiền thế hệ mai sau.
Gặp người truyền Thiền
Sau khi Tổ Di Dá Ca nhập Niết bàn, Ngài đi hoằng pháp khắp nơi tuyên dương chánh pháp. Khi đến nước Ca Ma La, Ngài lên pháp tòa giảng đạo, có một trí sĩ đến dưới tòa lớn tiếng tự xưng: Tôi là Phật Đà Nan Đề, hôm nay quyết luận nghĩa với thầy. Ngài bảo: Này nhân giả! Nếu luận thì chẳng phải nghĩa, nếu nghĩa thì chẳng phải luận. Nếu nghĩ luận nghĩa, trọn chẳng phải nghĩa luận.
Nan Đề biết đây là người nói nghĩa thù thắng, khởi tâm kính phục,thưa rằng: Con nguyện cầu đạo, được thưởng thức vị cam lồ. Ngài thương xót liền cho xuất gia thọ giới, không bao lâu truyền pháp cho Nan Đề. Đã có người thừa kế, Ngài dự định vào Niết bàn. Ngài liền nhập từ tam muội để vào tịch định. Nan Đề cùng đồ chúng trà tỳ thân Ngài, rồi lượm xá lợi xây tháp cúng dường.
Trong các thư tịch cổ đều thống nhất vẽ Tổ Bà Tu Mật đứng nghiêm, ngửa mặt nhìn trời, hai tay chắp lại đưa lên ngang mặt, phía trước là một bàn đá với đỉnh trầm. Tượng Bà Tu Mật ở chùa Tây Phương được tạc theo đúng hình mẫu trong các thư tịch cổ, tư thế đứng nghiêm, mặt hơi ngửa, miệng há vừa, chắp tay đưa lên biểu hiện động tác chào và cầu chúc theo lối nhà Phật với lời: “A Di Đà Phật”.
Tư thế nghiêm túc, ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc có dây buộc, áo chảy rất sóng, cổ tay đeo vòng móc vào ống tay áo để khi chào không bị tụt, là Tổ duy nhất có răng vàng. Miệng đang há vừa phải và kéo dài để chuẩn bị khép với từ “Phật”. Trước tượng Tổ Bà Tu Mật, ta cảm thấy những người mà Tổ gặp đều được cầu chúc những lời tốt đẹp, an lành.