Hành vi đã cấu thành tội 'Giết người'?

'Nghi phạm trong vụ án này có nhiều tình tiết tăng nặng như giết hại trẻ em và làm bị thương người già, hành vi có tính chất côn đồ, gây hoang mang dư luận', luật sư cho rằng, nghi phạm sẽ đối diện với bản án nghiêm khắc nếu bị truy tố ra trước tòa.

Chém hai ông cháu thương vong ở Quảng Nam:

Trần Văn Sanh bị khống chế, bắt giữ

Trần Văn Sanh bị khống chế, bắt giữ

CA huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) đang tạm giữ Trần Văn Sanh, SN 1982, cùng trú tại thị trấn Đông Phú để điều tra, làm rõ hành vi chém người gây thương vong. Trước đó, khoảng 16h30 ngày 20/10, ông C.V.X, 72 tuổi chở cháu nội là em C.T.M, SN 2017 đi học về thì bị Sanh chặn đường rồi dùng dao chém liên tiếp vào đầu, vào người hai ông cháu. Mặc dù được đưa đi cấp cứu, nhưng em M đã tử vong, còn ông X đang điều trị tại BV với vết thương khá nặng.

Sau khi gây án, Sanh vào nhà cố thủ. Lực lượng CA huyện Quế Sơn có mặt tại hiện trường, tiến hành công tác khám nghiệm, đồng thời vận động đối tượng đầu thú. Tuy nhiên Sanh vẫn ngoan cố, không hợp tác, cầm hung khí nguy hiểm nên công tác áp sát, bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 20h50 cùng ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ được đối tượng Sanh đưa về trụ sở làm việc. Theo thông tin ban đầu, Trần Văn Sanh có dấu hiệu thần kinh không ổn định và từng được được điều trị bệnh tâm thần. Hiện đối tượng đã được lực lượng chức năng di lý về CA tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, xử lý.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, hành vị của Trần Văn Sanh là rất côn đồ, manh động, ảnh hưởng xấu đến dư luận. Trong cùng một thời điểm, nghi phạm đã ra tay tàn độc với 1 trẻ em và 1 người già- đây là những trường hợp được pháp luật bảo vệ. Hành vi phạm tội đã cấu thành tội “Giết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, b, n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015. Ngoài ra, nghi phạm còn phải chịu nhiều tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm i, p khoản 1 Điều 52 BLHS như phạm tội với người từ 70 tuổi trở lên.

Luật sư Thái viện dẫn, trẻ em là những đối tượng đặc biệt, được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ. Theo đó, Điều 6, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em ghi nhận: Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em. Quyền sống là quyền cao quý nhất của cuộc sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Mọi hành vi tước đoạt đi quyền được sống của người khác đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

"Xét hành vi phạm tội của đối tượng thể hiện sự côn đồ, hung hãn, không còn tính người, vô cớ dùng hung khí nguy hiểm sát hại cháu bé 5 tuổi và làm bị thương người già, hành vi này đã cấu thành tội “Giết người”. Nếu đối tượng phạm tội có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất", luật sư Thái nhìn nhận.

Liên quan đến thông tin, Trần Văn Sanh có dấu hiệu thần kinh không ổn định và từng được được điều trị bệnh tâm thần. luật sư Thái cho biết, pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức; hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Thái viện dẫn, tại Điều 21 BLHS hiện hành quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, chuyên gia luật lưu ý, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của Hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất. “Tại khoản 2, Điều 49 BLHS 2015 quy định, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1, trước khi bị kết án sẽ được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thái phân tích.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với nghi phạm Sanh. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi giết người.

Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định nghi phạm bị mất năng lực hành, lúc này Sanh sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. "Trường hợp có kết luận của Hội đồng giám định y khoa kết luận, nghi phạm chỉ bị hạn chế năng lực hành vi sẽ vẫn có thể bị truy cứu”, luật sư Thái nói. Đối với trách nhiệm dân sự, người đại diện hợp pháp của người tâm thần sẽ phải thay người phạm tội chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân, gia đình của nạn nhân.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hanh-vi-da-cau-thanh-toi-giet-nguoi-309268.html