Hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý bị xử lý thế nào?

Hành vi đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý là những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Theo đó, những hành vi này ngoài bị xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt hàng rau củ được bày bán tại một cửa hàng tiện lợi ở quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: N.D

Mặt hàng rau củ được bày bán tại một cửa hàng tiện lợi ở quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: N.D

Mới đây, Bộ Công Thương đã ra Công điện số 6815/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) tại một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Trong Công điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo việc tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đối với hành vi đầu cơ, găm hàng được quy định rất chi tiết tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020. Theo đó, đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức khi có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong hai trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

Trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm theo từng khoản quy định tại Điều 31 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Nếu giá trị hàng hóa càng cao thì mức phạt tiền càng cao. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề… Đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, hành vi đầu cơ hàng hóa thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến đến 15 năm, tùy theo mức độ vi phạm.

Còn đối với hành vi găm hàng, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thuộc một trong hai trường hợp sau đây mà không có lý do chính đáng: hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác. Mức phạt sẽ tương ứng với hành vi vi phạm cụ thể, mức cao nhất lên đến 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm: cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó. Hoặc nhóm hành vi cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng. Hoặc thực hiện hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 tháng đến 6 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Đối với hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013.

Theo đó, mức phạt tiền lên đến 60 triệu đồng đối với cá nhân và 120 triệu đồng đối với tổ chức nếu vi phạm một trong những hành vi tăng giá sau: tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá… Ngoài bị phạt tiền thì các hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hanh-vi-dau-co-gam-hang-tang-gia-bat-hop-ly-bi-xu-ly-the-nao-394610.html