Hành vi đốt pháo nổ trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Bạn đọc hỏi: Ngày Tết, một số người dân đốt pháo nổ tạo không khí vui khá phổ biến. Hành vi này có bị xử lý hình sự không? Hồ Thanh Tú (Đống Đa, Hà Nội)
Luật sư trả lời:
Căn cứ theo Chương II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC (TTLT số 06) về việc hướng dẫn việc truy cứu TNHS đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 BLHS “Tội gây rối trật tự công cộng” trong các trường hợp sau:
a) Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;
b) Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;
c) Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;
d) Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1kg đến dưới 0,5kg đối với thuốc pháo;
e) Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đặc biệt, đối với các hành vi:
a) Đã bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng” theo mục 1 phần II Thông tư này;
b) Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;
c) Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);
d) Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5kg thuốc pháo trở lên thì mức phạt còn nghiêm khắc hơn với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Cũng cần lưu ý, người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật này, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.
Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 BLHS, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại Điều 134 BLHS.