Hành vi khai thác cát ở biển Cần Giờ sẽ bị xử lí như thế nào?
Mới đây, Đội đặc nhiệm phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP TP HCM phối hợp Đồn Biên phòng Long Hòa phát hiện và bắt giữa 2 xà lan đang khai thác cát trái phép trên vùng Biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TPHCM. Vậy hành vi khai thác cát trái phép này sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo thông tin Báo Biên phòng chia sẻ: Lúc 18 giờ ngày 12/2, Đội đặc nhiệm Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP TPHCM phối hợp với Đồn Biên phòng Long Hòa tuần tra khu vực biển Cần Giờ đã phát hiện và tiến hành kiểm tra 2 xà lan mang số hiệu: SG-6764 do ông Phạm Văn Huy (sinh năm 1972, quê quán: Minh Hòa, Kinh Môn, Hải Dương) điều khiển và phương tiện QN 6650 do ông Trần Văn Chiều (sinh năm 1981, quê quán: Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Định) điều khiển.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 phương tiện đang thả ống có đầu hút (rùa) xuống biển hút cát từ biển lên. Cả 2 người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát.
Theo khai báo của hai người điều khiển phương tiện, trên xà lan SG-6764 có khoảng 450m3 cát, trên xà lan QN 6650 có khoảng 600 m3 cát. Hiện tại, toàn bộ tang vật và phương tiện có liên quan được tạm giữ để xác minh và xử lý.
Vậy hành vi khai thác cát trái phép sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định hành vi khai thác cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, tùy theo khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đối với cá nhân; Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng (kể cả phương tiện khai thác trực tiếp và phương tiện tham gia gián tiếp) để thực hiện hành vi vi phạm; Biện pháp khắc phục: Buộc cải tạo, khôi phục môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các biện pháp đưa các khu vực khai thác về trạng thái an toàn; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm tra, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm xảy ra; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật là khoáng sản có được do thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
Chiếu theo quy định trên, đối với hành vi với hành vi khai thác cát không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại vùng biển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh với khối lượng cát đã khai thác tại thời điểm phát hiện là 450m2 cát có trên xà lan GS-6764 và 600m3 cát có trên Sà lan QN 6650 thì mức phạt đối với cá nhân là từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục: Buộc cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn. Đồng thời buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp khai thác cát không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.