Hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao nhiêu tiền thì bị khởi tố?
Trong Công ty, tôi có thân với một bạn quê Đắk Lắk tên L.T. Vừa qua, L.T nhờ tôi đứng tên mua trả góp một máy tính bảng (trị giá 12 triệu đồng) do L.T đang đứng tên mua trả góp một số vật dụng nên không thể mua trả góp được nữa. L.T nói mỗi tháng sẽ đưa tiền để tôi thanh toán cho Công ty tài chính.
Mới đây, nhà có đám nên L.T về quê. Sau đó ngắt tất cả các kết nối trên mạng xã hội cũng như điện thoại, tôi không thể liên lạc được nữa. Các giấy tờ liên quan đến máy tính bảng đều mang tên tôi và tôi đang giữ CMND photo của bạn ấy. Xin hỏi, tôi có thể tố cáo bạn ấy tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được không? Nếu được, tố cáo ở đâu?
(Hoàng Anh, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM)
Trả lời:
Chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức. Căn cứ theo dấu hiệu cấu thành tội phạm, người bạn kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự một trong hai tội sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2017), theo đó:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) …
Hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật hình sự 2017), theo đó:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy, nếu L.T có hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho bạn tin tưởng và tự nguyện đứng tên thay L.T mua trả góp máy tính bảng (12 triệu đồng) sau đó thì không chịu trả tiền và chiếm đoạt luôn cái máy tính bảng đó thì L.T có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu L.T không có chủ đích từ đầu mà chỉ nhờ bạn đứng tên thay mua trả góp máy tính, sau đó do không trả được tiền nên nảy sinh những thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản .
Về việc tố cáo ở đâu, bạn có thể gửi đơn trình báo vụ việc tới công ty nơi L.T đang làm việc và cơ quan công an tại nơi L.T đăng ký hộ khẩu và cung cấp những thông tin cần thiết để cơ quan công an xác định hành vi của L.T, đề nghị khởi tố theo pháp luật.