Hành vi manh động, côn đồ và hậu quả nặng nề

Thời gian qua, một số đối tượng vì quá manh động đã dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây hậu quả rất lớn cho đôi bên và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) địa bàn.

Bị cáo Nguyễn Văn Thạch Long bị xử 10 năm tù về tội giết người. Ảnh: T.Tâm

Bị cáo Nguyễn Văn Thạch Long bị xử 10 năm tù về tội giết người. Ảnh: T.Tâm

Trong các vụ việc xảy ra, nhiều nạn nhân thoát chết nhưng lại bị thương tật nặng nề, sức khỏe và khả năng lao động bị ảnh hưởng. Còn bị cáo thường bị truy tố, xét xử về tội giết người với bản án nghiêm khắc.

* Giận mất khôn

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trong năm 2022 giảm về số lượng nhưng tính chất, mức độ, hành vi gây án manh động. Xuất phát từ các nguyên nhân xã hội mà nhiều đối tượng sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Trong số đó, có những vụ án giết người xảy ra, tuy bị hại không chết nhưng bị cáo phải lãnh mức án nghiêm khắc vì hành vi manh động, côn đồ. Điển hình như ngày 26-12-2022, TAND tỉnh tuyên xử bị cáo Đỗ Thị Thanh (52 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) 12 năm tù về tội giết người.

Theo Công an tỉnh, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 1,2 ngàn vụ phạm pháp hình sự, làm chết 54 người, bị thương gần 300 người. Trong đó có nhiều vụ án giết người chưa thành và gây thương tích nặng cho bị hại.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định, thông qua mạng xã hội, Thanh quen biết với bà P.T.C. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa). Vào ngày 19-10-2020, Thanh cho bà C. mượn 30 triệu đồng nhưng không viết giấy vay tiền. Sau nhiều lần đòi tiền bà C. không trả, Thanh chuẩn bị một con dao với mục đích đi đòi nợ. Vào sáng 5-2-2022, Thanh mang dao đến gặp bà C. đòi nợ không được nên dùng dao chém nhiều nhát khiến bà C. bị thương tật tỷ lệ 47%.

Bên cạnh đó, cũng có một số vụ án xảy ra do lỗi của bị hại khiến đôi bên đều bị thương và cùng vướng vào vòng tù tội. Đơn cử như bị cáo Lương Văn Bé (18 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) và anh Cầm Bá Dân (24 tuổi, ngụ cùng quê) chơi chung và cùng làm việc tại cơ sở V.L. (xã An Viễn, H.Trảng Bom). Vào chiều 5-11-2021, sau khi nhậu say, anh Dân mượn xe của Bé đi đón bạn và hỏi xe còn xăng không thì Bé bảo anh Dân tự mở cốp xe ra xem. Tức giận vì thái độ của Bé nên anh Dân về mua con dao rựa, bình xịt hơi cay đem về phòng trọ. Khi thấy Bé về, anh Dân thách thức đánh nhau dẫn đến hai bên xô xát. Hậu quả khiến anh Dân bị thương tật tỷ lệ 63%, còn Bé bị thương tật tỷ lệ 2%. Trong phiên tòa xét xử vào ngày 26-12-2022, Bé bị xử phạt 9 năm tù về tội giết người, còn anh Dân cũng đã bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích.

Có những vụ án, chỉ vì nóng giận tức thời, bị cáo đã đánh vào những vùng trọng yếu trên cơ thể khiến bị hại bị thương tích nặng nề. Nhìn vết sẹo dài trên đầu của ông Nguyễn Tiến Tâm (46 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng có thể thấy bị cáo Nguyễn Văn Thạch Long (36 tuổi, ngụ P.Trảng Dài) đã ra tay mạnh như thế nào. Theo ông Tâm, nếu không được người dân ngăn cản kịp thời thì có lẽ ông đã sớm mất mạng.

Vào ngày 26-4-2021, sau khi nhậu xong, Long điều khiển xe máy đi đón cháu. Khi vừa ra khỏi nhà được 30m thì gặp đoạn đường đang sửa chữa, không thể đi qua được nên bực tức, chửi bới. Thấy vậy, ông Tâm đến giải thích cho Long hiểu nhưng bị cáo không nghe mà về nhà lấy xà beng ra đánh vào đầu ông Tâm khiến nạn nhân bị thương với tỷ lệ thương tật 22%. Long đã phải lãnh mức án 10 năm tù.

Trong các vụ án trên, theo Viện KSND tỉnh, việc các bị hại chưa chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Do đó, hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người.

* Xử lý nghiêm để răn đe

Thẩm phán Đinh Kiều Lương, Phó chánh tòa Hình sự TAND tỉnh cho biết, giết người là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật. Trong một số trường hợp, hành vi gây thương tích cho người khác nhưng vẫn bị truy tố tội giết người bởi người thực hiện hành vi phạm tội có mục đích giết người, nhưng vì yếu tố chủ quan hoặc khách quan mà hành vi đó không thực hiện được. Do đó, theo quy định pháp luật, đối tượng cố ý giết người nhưng không thực hiện được hành vi đến cùng vì nguyên nhân ngoài ý muốn thì sẽ bị truy tố tội giết người.

Các nguyên nhân ngoài ý muốn của đối tượng thường xảy ra như: nạn nhân hoặc người bị hại chống trả hoặc tránh được, do người khác ngăn chặn được hoặc những trở ngại khác (bắn súng đạn không nổ, thuốc độc không đủ liều…).

Cũng theo thẩm phán Lương, theo án lệ số 47/2021/AL ngày 31-12-2021 của Chánh án TAND Tối cao về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại quy định, những hành vi dùng hung khí tấn công nhanh, liên tục và mạnh vào vùng trọng yếu của cơ thể như: vùng đầu, ngực, bụng… thì xác định bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai cũng cho hay, theo Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt thì hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ, hành vi phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

“Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt tù không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định” - luật sư Tùng cho hay.

Do đó, để tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần biết kiềm chế và tránh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Bởi lẽ, việc sử dụng bạo lực để lại nhiều hệ lụy kéo dài mà không thể giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202301/hanh-vi-manh-dong-con-do-va-hau-qua-nang-ne-3152271/