Hành vi sống tiết kiệm nước góp phần cải thiện tình hình biến đổi khí hậu

Được sử dụng nước sạch là một trong những quyền cơ bản của con người nhưng điều đó đến nay vẫn chưa được giải quyết căn cơ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới có hơn 780 triệu người (tức 10% dân số) sống không có nước sạch và hơn 2,5 tỉ người cần cải thiện vệ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các nguồn nước, bao gồm cả yếu tố con người và tự nhiên nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng biến đổi khí hậu là tác nhân chủ yếu.

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, từ đó gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm giảm nguồn nước, giảm khả năng dự báo nguồn nước, giảm chất lượng nước và đe dọa sự phát triển bền vững, đa dạng sinh học và quyền con người được hưởng nước sạch và vệ sinh an toàn trên toàn thế giới. Trong khi tài nguyên nước bị đe dọa, dân số thế giới tăng lên lại đẩy nhu cầu về nước tăng, kéo theo đó là nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên này ngày càng cao cũng như tác động tiêu cực đến môi trường.

 uNgười dân khu ổ chuột ở Durga Nagar (Ấn Độ) đến lấy nước sinh hoạt do chính quyền cung cấp

uNgười dân khu ổ chuột ở Durga Nagar (Ấn Độ) đến lấy nước sinh hoạt do chính quyền cung cấp

Khí hậu và nước đều là các yếu tố trọng tâm của các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, bởi vậy Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) chọn Chủ đề “Khí hậu và nước” - chủ đề tiếp nối chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu” của Ngày Nước thế giới 22/3 nhằm thúc đẩy các hoạt động hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 6, đó là bảo đảm nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030 và mục tiêu phát triển bền vững số 13 về triển khai các hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cả hai mục tiêu này hoàn toàn có nguy cơ bị đảo ngược nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ của các nước ở cấp độ quốc gia và toàn cầu trong công tác quản lý khí hậu và nước một cách nhịp nhàng và bền vững.

Báo cáo công bố ngày 22/3 của Liên Hợp Quốc nhắc nhở rằng chính những hành vi sống tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng cũng góp phần cực kỳ hữu ích cho việc tác động ngược trở lại vào cải thiện tình hình biến đổi khí hậu. Theo Liên Hợp Quốc, chính sách khí hậu của các quốc gia và khu vực phải có cách tiếp cận tổng hợp đối với vấn đề biến đổi khí hậu và quản lý nước. Áp lực về nguồn cung nước đòi hỏi các quyết định mạnh tay hơn về phân bổ tài nguyên nước trong các hoạt động sử dụng.

Để bảo đảm một tương lai bền vững, các quốc gia cần tăng cường đầu tư trong việc cải thiện dữ liệu, thể chế và quản trị, giáo dục và phát triển năng lực, đánh giá rủi ro và kiến thức. Các chính sách cần bảo đảm sự đại diện, sự tham gia, thay đổi hành vi và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và các tổ chức. Các giải pháp bao gồm bảo vệ các "bể chứa cacbon" như đại dương và vùng đất ngập nước, áp dụng những kỹ thuật nông nghiệp thông minh thân thiện với khí hậu và tăng cường tái sử dụng nước theo các cách hợp lý và an toàn; đầu tư vào công nghệ năng lượng, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy thay đổi hành vi lãng phí thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức.

Ngày nước thế giới năm nay diễn ra vào một thời điểm bất thường do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhiều sự kiện liên quan bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Tuy nhiên, với khẩu hiệu "Mọi người đều có vai trò của mình", chiến dịch năm nay muốn nhấn mạnh thông điệp rằng ngay trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều hành động để chúng ta góp phần tạo ra sự thay đổi.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/hanh-vi-song-tiet-kiem-nuoc-gop-phan-cai-thien-tinh-hinh-bien-doi-khi-hau-78655.html