Hành vi tổ chức đua xe trái phép sẽ bị xử lý thế nào?
Hành vi sử dụng đèn xe, lắp còi hú, nẹt pô, rú ga (chủ yếu sử dụng mô tô, xe gắn máy) và các hành vi vi phạm hành chính khác về trật tự, an toàn giao thông, xâm phạm trật tự công cộng, sức khỏe, tài sản của người khác nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý theo các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021), Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tùy theo trường hợp và tổng hợp các lỗi vi phạm sẽ có các mức xử phạt hành chính khác nhau. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người điều khiển phương tiện có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm.
Nếu các hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy theo hành vi, tính chất, mức độ và nhân thân người phạm tội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm về một hoặc nhiều tội danh trong Bộ luật Hình sự như sau:
Hành vi tổ chức đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức đua xe trái phép theo quy định tại Điều 265 Bộ luật Hình sự (tùy theo trường hợp có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 1 năm đến chung thân). Người tham gia đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đua xe trái phép quy định tại Điều 266 Bộ luật Hình sự (tùy theo trường hợp có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm).
Hành vi gây rối nếu đủ cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định của Điều 318 Bộ luật Hình sự (tùy theo trường hợp có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm).
Quá trình tham gia giao thông, nếu vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên hoặc có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự (tùy theo trường hợp có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 3 năm đến 15 năm).
Đối với người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác đủ cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại 264 Bộ luật Hình sự (tùy theo trường hợp có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm).