Hành vi vay và cho vay phải tuân thủ luật pháp

UBND TPHCM đã kiến nghị đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-10, các ý kiến còn băn khoăn việc cấm ngành nghề vốn đã tồn tại và tạo ra những xung đột pháp luật với các luật hiện hành. Nhiều bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến về việc này.

Không nên duy trì công ty đòi nợ thuê

Dịch vụ đòi nợ thuê đang nở rộ ở hầu hết tỉnh thành trên cả nước. Các công ty đòi nợ thuê thường quảng cáo có đội ngũ chuyên viên thu hồi nợ với bề dày kinh nghiệm cao, chủ yếu là các luật sư, tiến sĩ, thạc sĩ hoạt động lâu năm trong lĩnh vực pháp luật xử lý nợ cùng với biện pháp thu hồi nợ linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế đa số công ty đòi nợ thuê tập họp, sử dụng các thanh niên xăm trổ, đầu trọc, có tiền án tiền sự, đòi nợ thuê kiểu khủng bố, gây mất trật tự và an toàn xã hội. Đã xảy ra rất nhiều vụ các băng nhóm đòi nợ thuê dùng thủ đoạn đê hèn, hành vi vi phạm pháp luật để đạt mục đích thu nợ, thậm chí cưỡng bức buộc người thân của con nợ phải trả nợ thay.

Mọi công dân khi thực hiện giao dịch phải tuân thủ đúng pháp luật. Nếu xảy ra tranh chấp sẽ tiến hành khởi kiện theo cam kết trong hợp đồng. Cơ quan thi hành án hoặc thừa phát lại sẽ thực thi bản án của tòa án và tất cả công dân phải tuân theo.

Vì vậy, khi đã có thi hành án và thừa phát lại thì cũng không lý do gì duy trì loại hình công ty đòi nợ thuê gây bất an xã hội. Do vậy, kiến nghị của UBND TPHCM về việc cấm ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là hợp lý, nhận được sự đồng tình của xã hội.

Luật gia TRƯƠNG ĐÌNH, quận Gò Vấp, TPHCM

Người nhà nạn nhân tín dụng đen, bị những kẻ đòi nợ thuê uy hiếp, tạt sơn và chất bẩn vào cửa, phải dán thông báo van xin chúng “thông cảm”. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Người nhà nạn nhân tín dụng đen, bị những kẻ đòi nợ thuê uy hiếp, tạt sơn và chất bẩn vào cửa, phải dán thông báo van xin chúng “thông cảm”. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Không dung túng cho hành vi phạm pháp

Hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê đã đi ra ngoài khuôn khổ pháp luật và ngày càng lộng hành tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đa số nạn nhân là những người sập bẫy tín dụng đen, vay nóng lãi suất cao đến nỗi không sao trả nợ được. Có những băng nhóm xã hội đen vừa là tổ chức tín dụng đen, vừa làm vai trò công ty đòi nợ.

Tổ chức tín dụng đen dễ dãi cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần biết con nợ có trả nổi hay không, vì chuyện thu hồi nợ sẽ thực hiện bằng biện pháp mạnh. Có trực tiếp chứng kiến cảnh nạn nhân sợ hãi nghe lời đe dọa qua điện thoại, tin nhắn; kinh hoàng van xin, quỳ lạy; khốn khổ dọn dẹp, sửa chữa đồ đạc, nhà cửa bị đập phá, bôi bẩn… mới thấu hiểu được tình cảnh của các nạn nhân.

Đã vay thì phải trả, nhưng không thể bảo hộ cho hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi trái pháp luật. Với quy định hiện hành và bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ, thì không có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê nào đủ điều kiện hoạt động.

Bởi lẽ, nếu tuân thủ đúng quy định thì họ không hành xử như vậy. Khi loại hình dịch vụ đòi nợ thuê có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi và xã hội đen thì không có lý do gì để cho tồn tại. Nếu e ngại việc cấm kinh doanh loại hình này sẽ tạo ra những xung đột pháp luật với các luật hiện hành, thì cần phải sửa đổi, hoàn thiện pháp luật.

HOÀNG PHƯƠNG, quận 3, TPHCM

Cấm không dễ, nhưng cần làm

Ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã có khuôn khổ pháp lý, hoạt động từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, từ một loại hình dịch vụ kinh doanh được pháp luật điều chỉnh, các phương thức đòi nợ đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và có những diễn biến phức tạp, thậm chí có nhiều vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây mất an ninh trật tự. Đây là thực trạng đáng báo động.

Các băng nhóm xã hội đen núp bóng doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ để tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi, mà việc cho vay nặng lãi là phạm pháp, do đó, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là hoàn toàn hợp lý.

Hành vi vay và cho vay phải tuân thủ luật pháp và chịu sự điều chỉnh của tòa án. Người vay và cho vay phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình trước pháp luật, khi có tranh chấp phải được giải quyết tại tòa.

Muốn có thể cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, cần phải có lộ trình cho các doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ thuê đã có giấy phép hoạt động trước đây từng bước tiến tới ngưng hoạt động, chuyển đổi mô hình. Nên thúc đẩy đòi nợ qua tòa án.

Hiện nay, niềm tin của người dân về việc khởi kiện và thu hồi nợ thông qua tòa án khá thấp, khiến nhiều cá nhân, tổ chức tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê dù phải chi trả cao. Do vậy, cần tăng cường công tác xét xử tranh chấp dân sự, giảm thiểu thủ tục đối với các vụ tranh chấp đòi nợ nếu bằng chứng rõ ràng, để tăng niềm tin cho người dân vào tòa án.

Trong khi chưa đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, cần có thêm các quy định khắt khe để siết chặt dịch vụ đòi nợ thuê; đồng thời quy định rõ về trách nhiệm giám sát, tạo công cụ cho cơ quan quản lý kiểm tra xử phạt. Cần quy định trách nhiệm cụ thể về tài chính, hành chính và thậm chí hình sự với người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

HOÀNG ĐỨC TÂM, quận Thủ Đức, TPHCM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hanh-vi-vay-va-cho-vay-phai-tuan-thu-luat-phap-623179.html