Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ xăng, dầu bị xử phạt như thế nào?

* Bạn đọc Lê Thị Nhàn ở phường Đông Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ xăng, dầu bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 26 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng, dầu và khí. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển xăng, dầu nhưng cửa nhập, tay van xả hoặc nắp chụp họng xả của bồn xe chứa xăng, dầu không có niêm phong kẹp chì theo quy định hoặc không đúng kẹp chì, không đúng niêm phong như biên bản giao nhận xăng, dầu ban đầu.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng, dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng cho thuê kho với tổng dung tích vượt quá tổng dung tích thực tế của kho;

b) Không trang bị các thiết bị để kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải xăng, dầu hoặc có trang bị thiết bị để kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải xăng, dầu nhưng không hoạt động hoặc không phát huy tác dụng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 điều này.

* Bạn đọc Nguyễn Xuân Lợi ở xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Cụ thể như sau:

1. Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

2. Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

3. Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.

4. Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

5. Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

6. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hanh-vi-vi-pham-quy-dinh-ve-kinh-doanh-dich-vu-xang-dau-bi-xu-phat-nhu-the-nao-745575