Hành xử ở chốn linh thiêng - thể hiện phông văn hóa của mỗi người
Văn hóa không chỉ thể hiện ở học thức mà còn cho thấy ở ngay trong trang phục, cách hành xử của con người. Những ngày gần đây, khi du lịch bắt đầu mở cửa đón du khách trở lại, những điểm du lịch tâm linh như đền Chúa Thác Bờ, chùa Tiên… dần thu hút đông đảo du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh. Một số người đến vì thành tâm cầu khấn, cũng có người đến thăm quan, vãn cảnh chùa. Mọi chuyện không có gì cho đến khi nhiều người xuất hiện tại những địa điểm tâm linh với những bộ trang phục không phù hợp và những hành động phản cảm.
Mới đây, trên một trang mạng xã hội dậy sóng vì hình ảnh hai người phụ nữ trong trang phục yoga tạo dáng để chụp ảnh. Tuy nhiên, điều làm cho tất cả mọi người cảm thấy phẫn nộ là 2 người phụ nữ này tạo dáng một cách phản cảm với tư thế giơ 2 chân lên cao và được thực hiện ngay trước cửa đền Chúa Thác Bờ - di tích lịch sử thắng cảnh cấp quốc gia, nơi thờ Bà Chúa thác Bờ Đinh Thị Vân đã có công giúp vua Lê diệt giặc phương Bắc. Với người dân tỉnh Hòa Bình, đền Chúa Thác Bờ không chỉ là một danh thắng nổi tiếng du xuân trong những ngày đầu năm, mà còn là nơi thực sự linh thiêng, được rất nhiều du khách đến chiêm bái thành tâm cầu khấn. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, với việc ăn mặc không phù hợp, tạo dáng phản cảm ngay trước cửa đền là một hành động vô văn hóa, cần phải lên án nghiêm khắc.
Thực tế trong thời gian qua, Bộ VH-TT&DL đã có nhiều văn bản hướng dẫn về ăn mặc, ứng xử tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa và mặc dù Ban quản lý các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh trên địa bàn tỉnh đã liên tục tuyên truyền, nhắc nhở du khách về việc ăn mặc lịch sự, kín đáo, ý thức đi lại nơi chùa chiền, chốn linh thiêng. Tuy nhiên, thực tế có một điều đáng buồn rằng, nhiều người vẫn không ý thức được ý nghĩa của việc thăm viếng các nơi linh thiêng. Nhiều người không chỉ lựa chọn những bộ trang phục không phù hợp với việc đi lễ, mà còn có những hành động phản cảm như nô đùa chốn tôn nghiêm, thậm chí ôm ấp, thể hiện tình cảm một cách thái quá.
Văn hóa tín ngưỡng Phật giáo, thờ tự là một truyền thống có từ rất lâu đời của người dân Việt Nam, thể hiện nét đẹp về văn hóa tâm linh, lòng biết ơn đối với thần Phật, tổ tiên. Du xuân vãn cảnh chùa, thắp nén nhang tưởng nhớ công đức của những bậc anh hùng có công với nước cũng là một nét đẹp truyền thống văn hóa lâu đời. Chính vì vậy, truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy không dung nạp, không chấp nhận những hành động ngoại lai, phản cảm như lối ăn mặc "mát mẻ", hành động ứng xử thiếu văn hóa tại chốn linh thiêng. Bởi ứng xử ở chốn linh thiêng, di tích lịch sử không chỉ thể hiện sự thành kính mà còn thể hiện sự hiểu biết, phông văn hóa, sự tự tôn của bản thân mỗi con người.