Hành xử văn minh - chìa khóa giảm bạo lực

Chỉ khi mọi người cùng chung tay thì mới có thể giảm thiểu bạo lực trên đường phố và xây dựng một xã hội thực sự văn minh

Gần đây, xã hội chứng kiến nhiều vụ việc đáng buồn khi các va chạm giao thông không chỉ dừng lại ở sự bất đồng mà leo thang thành bạo lực. Thậm chí, một số người vi phạm giao thông còn táo tợn hành hung lực lượng chức năng đang thi hành công vụ.

Thực trạng đáng lo ngại

Những video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy trong nhiều trường hợp, lý do chỉ đơn giản là không nhường đường, va quệt xe máy hoặc lời qua tiếng lại trong lúc nóng giận.

Điển hình ngày 9-12-2024, trên đường Khánh Hội, quận 4, TP HCM, Bùi Thanh Khoa (ngụ quận 10) đã dừng xe và liên tục đánh, đạp một phụ nữ do người này va quệt khiến ông ta mất lái. Ngày 14-12-2024, tại đường Cống Quỳnh, quận 1, Quách Minh Nhựt (ngụ quận 6) đã đấm liên tục vào đầu và mặt ông T.T.T chỉ vì bị yêu cầu di chuyển, nhường đường cho xe máy lưu thông.

Mới đây, khuya 31-12-2024, anh T.A.P chạy xe máy chở vợ trên đường Lê Duẩn, quận 1. Thấy phía trước kẹt xe, anh P. định quay đầu đi hướng khác.

Lúc này, ông Nguyễn Văn Dũng chạy xe máy chở theo bà Bùi Thị Ngọc Anh từ phía sau chạy tới, cản trở, không cho anh P. quay đầu xe và buông lời xúc phạm. Xảy ra mâu thuẫn, Dũng lao vào đánh vợ chồng anh P. Chứng kiến sự việc, anh Hà Hữu Vinh (tài xế xe ôm công nghệ) chở khách đi ngang qua đã đến can ngăn cũng bị Dũng và Ngọc Anh đánh tới tấp.

Trước đó, TAND TP HCM ngày 5-11-2024 đã tuyên phạt Hứa Minh Quân (SN 1993) tù chung thân về tội "Giết người". Quân đã đâm chết người mà căn nguyên bắt đầu từ việc va chạm giao thông…

Đáng lo hơn, khi bị xử lý vi phạm giao thông, có trường hợp đã phản ứng tiêu cực bằng cách xúc phạm hoặc hành hung người của lực lượng chức năng. Những vụ việc này không chỉ tác động trực tiếp đến người bị tấn công mà còn tạo ra tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng hình ảnh văn minh của cộng đồng, gây lo lắng cho người dân, thậm chí dẫn đến hậu quả chết người trong một số trường hợp.

Từ những vụ việc nêu trên, có thể thấy nhiều người tham gia giao thông dễ bị kích động, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong tình huống căng thẳng, thiếu tôn trọng luật pháp. Một số người không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia giao thông, dẫn đến phản ứng tiêu cực khi bị xử phạt.

Ngoài ra, những nội dung kích động trên mạng xã hội, áp lực cuộc sống hoặc thói quen giải quyết vấn đề bằng bạo lực đều góp phần hình thành hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó, việc giáo dục về luật lệ giao thông và kỹ năng ứng xử chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lý không nghiêm trong một số trường hợp vi phạm đã tạo tâm lý coi thường luật pháp của một số người.

Công an quận 1, TP HCM tạm giữ Nguyễn Văn Dũng do đánh nam shipper sau va chạm giao thông.Ảnh: ANH VŨ

Công an quận 1, TP HCM tạm giữ Nguyễn Văn Dũng do đánh nam shipper sau va chạm giao thông.Ảnh: ANH VŨ

Trách nhiệm của mọi người

Những kẻ có hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật trong thời gian qua đã nhanh chóng bị cơ quan chức năng xử phạt, tạm giam, khởi tố. Cụ thể Bùi Thanh Khoa, Quách Minh Nhựt bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội "Cố ý gây thương tích"; Nguyễn Văn Dũng và Bùi Thị Ngọc Anh bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng…

Việc xử lý quyết liệt, nhanh chóng đó góp phần rất lớn trong việc răn đe những người có máu côn đồ trên đường phố.

Về giải pháp lâu dài, cần tăng cường các chiến dịch tuyên truyền về ý thức tham gia giao thông, tinh thần tôn trọng, hợp tác trên đường phố và kỹ năng xử lý tình huống. Những chương trình này cần được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, lồng ghép vào giáo dục tại trường học. Có thể xây dựng những video mô phỏng tình huống giao thông và hướng dẫn cách ứng xử đúng đắn.

Cần tăng cường giám sát giao thông bằng camera và công nghệ, bảo đảm việc xử phạt minh bạch, công bằng. Thiết lập các đường dây nóng hoặc ứng dụng di động để người dân dễ dàng báo cáo các hành vi vi phạm. Lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra tại các điểm dễ xảy ra xung đột giao thông. Sự hiện diện của lực lượng chức năng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và phòng ngừa bạo lực.

Ngoài các biện pháp pháp lý và kỹ thuật, việc hỗ trợ tâm lý cho các cá nhân gặp áp lực cuộc sống cũng rất quan trọng. Các chương trình giáo dục cảm xúc tại nơi làm việc, trường học, hoặc qua các tổ chức xã hội có thể góp phần giảm thiểu bạo lực.

Ngoài ra, cộng đồng cũng cần có trách nhiệm trong việc lên án các hành vi bạo lực và hỗ trợ cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc. Bởi lẽ, giải quyết vấn đề bạo lực trong giao thông không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Mỗi cá nhân cần tự giác tuân thủ luật lệ giao thông và kiềm chế cảm xúc để góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.

NGUYỄN HẬU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hanh-xu-van-minh-chia-khoa-giam-bao-luc-196250105202132005.htm