Háo hức đi làm thẻ căn cước

Từ trẻ nhỏ đến người già đều háo hức đi làm thẻ căn cước vì sự dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi, an toàn

Ngày 1-7, Công an TP HCM đã đồng loạt triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử theo Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7 với phương pháp thu thập mống mắt.

Tạo điều kiện tối đa cho người dân

Mặc dù 8 giờ ngày 1-7, Công an TP HCM mới tổ chức tiếp nhận hồ sơ làm căn cước nhưng mới 7 giờ ở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP HCM đã kín người, trong đó có những công dân nhí được ba mẹ dẫn theo làm căn cước.

Anh Trần Ngọc Linh (SN 1988, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết mặc dù căn cước còn hạn sử dụng nhưng hôm nay anh quyết định làm thẻ căn cước mới có thu thập mống mắt. "Qua thông tin trên báo, đài tôi được biết những tiện ích vượt bậc của thẻ căn cước có thu thập sinh trắc học nên tôi đi làm và rủ thêm người thân, bạn bè cùng đi. Tôi thấy thủ tục nhanh, gọn và không mất thời gian, chỉ trong vòng 10 phút đã hoàn tất" - anh Linh nói.

Người dân được thu thập mống mắt khi làm căn cước

Người dân được thu thập mống mắt khi làm căn cước

Được cha dẫn đi làm căn cước, cháu Trần Nguyễn Trang Nhung (10 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho hay em rất thích, nhất là sự thân thiện và tận tình của các cô chú công an. "Vì đây là lần đầu làm căn cước nên con rất hồi hộp, nhưng sau đó con được các cô chú công an hướng dẫn rất nhiệt tình. Việc lấy mống mắt cũng diễn ra rất nhanh chóng, chưa tới 1 phút. Con rất cám ơn cô chú" - cháu Trang Nhung chia sẻ.

Luật Căn cước có hiệu lực thi hành đem lại rất nhiều tiện ích cho người dân. Người dân cần bổ sung thông tin thì có thể liên hệ Công an TP HCM hoặc công an gần nhất. Việc thu thập thông tin sinh trắc mống mắt bảo đảm an toàn sức khỏe, dữ liệu bảo mật. Người dân hoàn toàn yên tâm khi cung cấp thông tin về mống mắt cho cơ quan công an.

Là một trong những người đến PC06 từ rất sớm, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương (SN 1984, ngụ quận 4), cho hay qua tham khảo những tiện ích của thẻ căn cước mới, chị quyết tâm đi làm càng sớm càng tốt. "Tôi bán hàng và thường xuyên chuyển, nhận tiền nên việc đi làm thẻ căn cước mới là vô cùng cần thiết. Lẽ đó, hôm nay cả gia đình nội, ngoại 10 người cùng đi làm thẻ căn cước" - chị Hương vui vẻ nói.

Cùng ngày, Phòng PC06, Công an TP Hà Nội và 30 công an quận, huyện, thị xã đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho tất cả đối tượng từ 0-6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên.

Theo ghi nhận, ngay từ đầu giờ sáng, rất đông người dân đã đến các điểm thu nhận của PC06 để làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước. Trong đó, có nhiều công dân dưới 14 tuổi là đối tượng mới được quy định tại Luật Căn cước 2023. Ngoài ra, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Phòng PC06 cũng phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn tổ chức cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.

An toàn và tiện lợi

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, từ 7 giờ - 11 giờ ngày 1-7, các điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho người dân đã thu nhận 2.624 trường hợp. Trong đó, 57 trường hợp công dân từ 0 - 6 tuổi, 551 trường hợp công dân từ 6 - 14 tuổi và 2.016 trường hợp công dân từ 14 tuổi trở lên. Ngoài ra, Phòng PC06, Công an TP Hà Nội đã triển khai điểm cấp căn cước lưu động tại sân bay Nội Bài cho công dân từ nước ngoài về nước, đã thu nhận 12 hồ sơ cho công dân.

Người dân nghe phổ biến về Luật Căn cước vừa có hiệu lực pháp luật. Ảnh: PHẠM DŨNG

Người dân nghe phổ biến về Luật Căn cước vừa có hiệu lực pháp luật. Ảnh: PHẠM DŨNG

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải - Phó trưởng Phòng PC06, Công an TP HCM - cho rằng việc thay đổi mẫu thẻ căn cước không tác động đến những người đã được cấp thẻ căn cước trước đó. Những thẻ đã được cấp vẫn có giá trị như trong thời hạn sử dụng được ghi trên thẻ. Công tác cấp thẻ bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chip điện tử.

Việc cấp đổi thẻ căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của công dân (không bắt buộc). Công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi thẻ căn cước. Việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến qua cổng dịch vụ công đem lại thuận lợi tối đa cho công dân.

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu - Đội trưởng Đội 2 Phòng PC06, Công an TP HCM - thông tin thêm trẻ em từ 0 đến 6 tuổi không thu thập sinh trắc; từ 6 tuổi trở lên sẽ thu thập mống mắt. "Trẻ em dưới 14 tuổi không bắt buộc làm căn cước tuy nhiên trẻ em cũng đi máy bay, học hành, du lịch thì cũng cần có căn cước cho thêm tiện lợi" - trung tá Châu phân tích.

Công bố dịch vụ xác thực điện tử

Cùng ngày, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tổ chức lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và công bố dịch vụ xác thực điện tử từ ngày 1-7.

Tại buổi lễ, C06 đã trao thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho 10 công dân đầu tiên, là người dưới 6 tuổi, người từ 6 tuổi trở lên và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN, cảnh sát sẽ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc… Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân,... góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội.

Gỡ vướng cho 1.149 nhân khẩu đặc biệt

Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó trưởng Phòng PC06, Công an TP HCM - cho biết qua rà soát, trên địa bàn TP HCM có 1.149 nhân khẩu đặc biệt diện không có giấy tờ tùy thân. Khi Luật Căn cước có hiệu lực sẽ cấp căn cước cho những người này. Ngoài ra, PC06 cũng tổ chức thu nhận căn cước thí điểm có tích hợp thêm sinh trắc học ADN đối với một số trường hợp công dân có nhu cầu. Công an TP HCM cũng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước đối với một số trường hợp là người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch tại Công an quận 10, quận 11, quận Bình Tân

Công an TP HCM cho biết trong năm 2024 tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố tiếp tục duy trì thực hiện thường xuyên Kế hoạch 1878/KH-BCĐ với mục tiêu "Không ai bị bỏ lại phía sau", "Không để trường hợp người dân nào không có thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư" với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau" và "vướng đến đâu, gỡ đến đó" để giải quyết số nhân khẩu đặc biệt diện không giấy tờ tùy thân còn tồn đọng.

Phạm Dũng - Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hao-huc-di-lam-the-can-cuoc-196240701223037146.htm