Háo hức trải nghiệm Tết cổ truyền trong trường học

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các trường học trong tỉnh tổ chức lễ hội chào xuân với nhiều hoạt động trải nghiệm sôi nổi, thú vị, hấp dẫn, hướng các em về giá trị ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Sôi nổi hoạt động Xuân yêu thương trải nghiệm Tết cổ truyền tại Trường Tiểu học An Tảo (thành phố Hưng Yên)

Sôi nổi hoạt động Xuân yêu thương trải nghiệm Tết cổ truyền tại Trường Tiểu học An Tảo (thành phố Hưng Yên)

Trong không khí hân hoan, rộn ràng chào đón mùa xuân mới, cô và trò Trường Tiểu học An Tảo (thành phố Hưng Yên) tất bật tổ chức chương trình “Xuân yêu thương trải nghiệm văn hóa dân gian Việt”. Qua bàn tay khéo léo của cô và trò, không gian tết của trường được trang trí đẹp mắt, đậm chất tết quê, đó là những câu chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý, là những hoa mai, hoa đào rực rỡ cùng với bánh chưng, mâm ngũ quả. Ðặc biệt là hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng tết. Lá dong xanh, đỗ vàng óng, gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn…tất cả nguyên liệu làm bánh chưng đã được các cô giáo và phụ huynh học sinh chuẩn bị từ sớm. Học sinh chăm chú lắng nghe các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn từng thao tác làm bánh chưng như: cách gấp lá, chẻ lạt, đặt thịt, đặt đỗ sao cho chiếc bánh chưng được vuông vắn, đẹp mắt. Cô Ðinh Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học An Tảo cho biết: Học sinh tự tay thực hiện những món ăn truyền thống để đón Tết sẽ giúp các em nhớ lâu hơn, hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Những sản phẩm làm ra tuy chưa được hoàn hảo nhưng học sinh rất hân hoan, háo hức và trở thành ký ức đẹp mỗi khi học sinh nhớ về Tết Việt.

Thực hiện chương trình “Tết sum vầy- Xuân ơn Ðảng” tại Trường THPT Kim Ðộng (Kim Ðộng), ngay từ sớm, sân trường đã nhộn nhịp khi giáo viên và học sinh tất bật chuẩn bị nguyên vật liệu để gói bánh chưng, trang trí các gian hàng hội chợ Tết. Thầy giáo Ðoàn Vân Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ðộng cho biết: Hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền được tổ chức hằng năm tại nhà trường để học sinh tìm hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, thêm yêu mến, tự hào và có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các em rất hào hứng và tích cực tham gia hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền tại trường học, điều này cho thấy sự kết nối giữa thế hệ trẻ với những giá trị cốt lõi của dân tộc. Không chỉ thế, hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền còn xây dựng tinh thần đoàn kết, giao lưu và sáng tạo trong môi trường học đường, gắn kết học sinh với gia đình và cộng đồng thông qua các phong tục Tết, góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh; giúp các em có những phút giây thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau một học kỳ, tạo tâm thế thoải mái, vui tươi, phấn khởi khi bước vào học kỳ mới. Thầy và trò nhà trường nô nức trưng bày mâm ngũ quả, mâm cỗ, gói bánh chưng tết, trang hoàng gian hàng ẩm thực. Em Phạm Thị Quỳnh, học sinh lớp 11A4 hào hứng kể: Ðược gói bánh chưng Tết cùng với cô giáo và các bạn trong lớp là kỷ niệm đẹp với em. Không chỉ tham gia gói bánh, lớp em còn bày bán các gian hàng ẩm thực để gây quỹ giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Tết, đó là Tết sum vầy, Tết sẻ chia.
Hoạt động trải nghiệm tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống về Tết cổ truyền của dân tộc tại trường học không chỉ thu hút sự tham gia của học sinh mà còn được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, có con học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ðức Thắng (Tiên Lữ) cho biết: Tôi rất vui được cùng con tham gia gói bánh chưng tại trường, giúp tôi trở về tuổi thơ của mình với những năm tháng cùng gia đình quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa và đón Tết. Ðây là một trải nghiệm vô cùng thú vị và là kỷ niệm khắc sâu đối với hai mẹ con tôi trong dịp Tết này.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nhiều trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trong tỉnh đã tổ chức cho học sinh chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền dân tộc bằng nhiều hình thức và tên gọi khác nhau như: “Ngày Tết quê em”, “Tết dân gian”, “Tết xưa”…Các trường tổ chức nhiều hoạt động đa dạng và phong phú tái hiện không gian, phong tục và không khí ngày Tết cổ truyền như: gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, thi bày mâm ngũ quả, làm hoa mai, hoa đào bằng giấy, tổ chức các trò chơi dân gian để học sinh và các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh tham gia. Không chỉ giáo dục cho học sinh về những phong tục truyền thống ngày Tết Nguyên đán, nhiều trường học, đơn vị còn tổ chức các chương trình thiện nguyện như: thăm và tặng quà các cơ sở giáo dục biên giới, trao những món quà tết cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn chung tay mang đến không khí Tết đủ đầy, đầm ấm. Một mùa xuân mới đang về, việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề Tết Việt đã và đang được các trường học trong tỉnh triển khai sôi nổi, phong phú, giúp học sinh có thêm cơ hội được khám phá, tìm hiểu về những nét đẹp của phong tục cổ truyền của dân tộc - các giá trị văn hóa gắn với sự tồn tại và phát triển bền vững của dân tộc.

Vũ Huế

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/hao-huc-trai-nghiem-tet-co-truyen-trong-truong-hoc-3178739.html