Hào hứng và máu lửa với phim cổ tích
Từng thực hiện hàng trăm tập phim cổ tích, trong đó gần đây nhất là series Cậu bé nước Nam và Hai chàng Hảo Hớn, đạo diễn Quách Khoa Nam tự nhận mình có nhiều duyên nợ với dòng phim này. Tuy nhiên, mỗi dự án mới luôn mang đến cho anh sự hào hứng như ngày đầu tiên.
* PHÓNG VIÊN: Thời gian gần đây, anh là cái tên ăn khách khi cùng thời điểm có đến 4-5 phim truyền hình lên sóng. Nhưng khán giả vẫn luôn nhớ đến anh với các bộ phim cổ tích. Đề tài này là lợi thế, hay anh có duyên nợ gì đặc biệt với nó?
- Đạo diễn QUÁCH KHOA NAM: Tôi nghĩ đó là sự trùng hợp đầy may mắn và mang đến cho bản thân mình nhiều hạnh phúc. Thời điểm tháng 3 vừa qua, tôi có đến 5 phim phát sóng, trong đó 3 phim mới, gồm: Lời nguyền lúc 0 giờ, Hoa vẫn nở mùa đông, phim cổ tích Hai chàng Hảo Hớn; 2 phim phát lại Tình là dây oan và Muôn mặt cuộc đời.
Tôi có duyên với phim cổ tích từ khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TPHCM. Lúc đó, tôi tham gia phim cổ tích từ những vai phụ, rồi vai chính, sau đó là phó đạo diễn trong các dự án của đạo diễn Nguyễn Minh Chung. Từ năm 2016, tôi được Phương Nam phim và Đài Truyền hình Vĩnh Long mời làm đạo diễn 2 dự án dài hơi Cậu bé nước Nam và Hai chàng Hảo Hớn. Nhưng trước đó, tôi đã có cơ hội làm gần 100 tập phim cổ tích lẻ.
* Xuất phát điểm là diễn viên sau đó chuyển sang làm đạo diễn, tâm thế của anh thay đổi ra sao?
- Khi làm diễn viên, yêu cầu duy nhất là phải hóa thân tốt vào nhân vật được giao. Nhưng, với vai trò đạo diễn, tôi phải quán xuyến tổng thể đoàn phim, trách nhiệm cũng cao hơn. Đạo diễn phải nắm được toàn bộ nhân vật, đường dây tâm lý, tính cách của họ và xâu chuỗi lại. Chưa kể, mình còn phải làm việc với các bộ phận quay phim, hóa trang, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ…
Vì từng làm diễn viên nên tôi hiểu tâm tư, tình cảm, các nhân vật trong phim cổ tích cần phải thể hiện như thế nào để có thể hướng dẫn các diễn viên diễn tốt hơn.
Với phim cổ tích, tôi luôn trong tâm thế hào hứng, sẵn sàng và máu lửa. Một phần cũng bởi tôi cũng có con nhỏ mà dòng phim cổ tích luôn đề cao tính giáo dục, hướng thiện nên đó cũng là động lực để tôi đam mê hơn.
* Cổ tích vốn quen thuộc với khán giả nhưng khai thác mãi cũng đến lúc cạn kiệt. Thực tế hiện nay, không nhiều đơn vị còn mặn mà. Anh nghĩ sao về điều này?
- Phim cổ tích không chỉ dành cho khán giả nhí mà còn là tiềm thức của nhiều thế hệ. Do đó, tôi luôn suy nghĩ làm sao phải thể hiện hài hòa, gọn đẹp mà vẫn đề cao tinh thần giáo dục. Có lúc tôi rất buồn vì có những phim tưởng là cổ tích nhưng đôi khi ngôn ngữ không phù hợp. Tôi không cho phép mình làm điều đó.
Hiện nay, các đơn vị làm phim cổ tích gặp nhiều khó khăn vì bối cảnh đẹp, hoang sơ ngày càng khan hiếm. Kinh phí sản xuất hạn chế, khiến các đoàn phim phải đảm bảo tiến độ thực hiện, chuyện ăn ở hay đi xa để quay là cả vấn đề. Nhà sản xuất, nhà đài luôn động viên cố gắng làm, nên nhiều khi chúng tôi còn bỏ thêm tiền túi, miễn sao sản phẩm chất lượng.
* Ngoài cổ tích, khán giả thấy thời gian gần đây anh làm nhiều đề tài khác nhau như tâm lý xã hội, tình cảm, gia đình...?
- Trước khi đến với phim cổ tích, phim truyền hình đầu tay của tôi là Vọng kim lang. Sau đó, tôi từng giành giải Cánh diều vàng 2015 cho phim xuất sắc và đạo diễn xuất sắc nhất với Người chồng điên.
Sau này, song song với dòng phim cổ tích, tôi vẫn tự đa dạng bản thân mình ở thể loại phim truyền hình. Tôi muốn cho khán giả thấy mình có nhiều sở trường và hy vọng có thêm nhiều món ăn tinh thần chất lượng.
* Việc thị trường phim truyền hình thời gian gần đây có nhiều tín hiệu lạc quan đã mang đến cho anh cũng như các đồng nghiệp cơ hội nào?
- Đó là tín hiệu tích cực, mang đến nhiều cơ hội được làm nghề hơn. Chúng tôi có nhiều công việc hơn, thu nhập cũng tốt hơn. Sự biến chuyển này cũng là quy luật, bởi khi có những sản phẩm chất lượng, ăn khách sẽ đến được với nhiều khán giả hơn và thị trường sẽ đi lên.
* Anh có bị các nhà sản xuất (NSX) chi phối trong việc tuyển chọn diễn viên?
- Về mặt diễn viên, ai cũng mong chọn được diễn viên tốt, có tên tuổi. Trong nghề, có những trường hợp bị cài cắm diễn viên, mà chúng tôi vẫn gọi nôm na là đưa “gà nhà” vào đoàn phim.
Riêng với bản thân mình, khi không thể có được những diễn viên tốt nhất vì họ đòi giá cao, tôi chủ động ngồi lại với NSX tìm ứng viên phù hợp nhưng vẫn đáp ứng được cho vai diễn. Trường hợp họ can thiệp quá sâu, tôi cũng thẳng thắn, nếu đã tin tưởng hãy để tôi có quyền chọn diễn viên, còn không, tôi sẵn sàng rời dự án.
Việc chọn diễn viên trước hết ảnh hưởng đến chất lượng bộ phim, thậm chí là coi thường khán giả nếu chọn sai. Sau đó, ảnh hưởng đến tên tuổi đạo diễn và có thể khiến chính diễn viên đó bị tẩy chay.
* Theo anh, hiện nay có công thức nào để một bộ phim truyền hình thành công?
- Tôi nghĩ, công thức mà nhiều thế hệ làm phim đã đúc kết luôn là: kịch bản hay + đạo diễn giỏi + diễn viên tuyệt vời. Sau đó, không thể không nhắc đến các yếu tố về quay phim, ánh sáng, hóa trang… Một yếu tố khác rất quan trọng là câu chuyện kinh phí. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào NSX. Nếu có tâm, họ biết đâu là điểm dừng và thấy đủ lời để vẫn đầu tư tương xứng cho bộ phim.
NSX chọn đạo diễn như thế nào cũng có ảnh hưởng lớn, bởi ngoài vấn đề chuyên môn, đạo diễn là người lèo lái cả ê kíp, “liệu cơm gắp mắm” trong kinh phí giới hạn mà vẫn đảm bảo chất lượng.
* Thời gian giãn cách xã hội, anh chuẩn bị những gì cho các dự án sắp tới?
- Đáng lẽ giữa tháng 4 vừa qua, tôi bấm máy dự án phim 30 tập của MT Pictures nhưng hiện đã được dời qua giữa tháng 5. Sau đó, tôi sẽ thực hiện tiếp series phim cổ tích Người vợ thông minh, dài 50 tập của Phương Nam phim.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hao-hung-va-mau-lua-voi-phim-co-tich-660378.html