Hào khí cách mạng trong những ca khúc viết về ngày Quốc khánh 2/9

Trong những ngày mùa thu lịch sử, khi ánh nắng vàng nhẹ nhàng phủ xuống khắp các con phố của Thủ đô Hà Nội, lòng người cũng phấn khởi và đầy tự hào. Ngày Quốc khánh 2/9 - dấu son lịch sử của dân tộc càng trở nên thiêng liêng và xúc động hơn khi những lời ca, tiếng hát được cất lên từ triệu trái tim người Việt Nam, những giai điệu hào hùng và đầy hào khí cách mạng.

Lễ thượng cờ trên Quảng trường Ba Đình. Ảnh minh họa

Lễ thượng cờ trên Quảng trường Ba Đình. Ảnh minh họa

Trên Quảng trường Ba Ðình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập vào ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trong nắng sớm, gợi lên những ký ức không thể phai nhòa. Tiếng ca “Tiến quân ca” vang vọng, mang theo sức mạnh và niềm tin của một dân tộc đã chiến đấu bền bỉ để giành lại độc lập: “Ðoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”.

Những giai điệu hùng tráng ấy như khắc sâu vào lòng người, nhắc nhở chúng ta về những hy sinh, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cha ông. Bản hùng ca thiêng liêng được nhạc sĩ Văn Cao viết vào năm 1944. Ngày 2/9/1945, ca khúc Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập tại Quảng trường Ba Ðình bởi ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sĩ Ðinh Ngọc Liên chỉ huy. Càng vinh dự, tự hào hơn khi ca khúc Tiến quân ca được Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và bản Quốc ca thiêng liêng ấy vẫn luôn vang vọng trong lòng người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Ba Ðình nắng, là ca khúc của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (phổ thơ Vũ Hoàng Ðịch) ngay từ khi ra đời vào năm 1948 đã được đón nhận nồng nhiệt. Qua thời gian, ca khúc càng được yêu thích, trở thành giai điệu tự hào, là một trong những bài ca đi cùng năm tháng. Giai điệu, lời ca của bài hát khiến cho người nghe có cảm giác như mình đang ngồi trước màn ảnh nhỏ xem những thước phim tư liệu về ngày lịch sử 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Ðình - Thủ đô Hà Nội; nhớ đến khoảnh khắc khi Nhân dân cả nước chăm chú lắng nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập. Ðang đọc, Bác dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Câu nói mộc mạc chan chứa tình thương của Bác làm ai nấy dâng trào cảm xúc.

Dù ra đời năm 1948 nhưng các tác giả “Ba Ðình nắng” đã đưa được lời nói của Bác Hồ trong ngày Quốc khánh vào trong lòng đứa con tinh thần của mình, làm cho “Ba Ðình nắng” trở nên lung linh, ấm áp như ánh nắng mùa thu…

Còn khi nghe ca khúc “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh, mỗi chúng ta như được sống trong thời khắc lịch sử của ngày tổng khởi nghĩa. Những lời ca: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...” đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, khơi dậy quyết tâm và niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Nhạc sĩ Xuân Oanh đã sáng tác bài hát này ngay trên con đường Hàng Bài, khi cùng đồng đội tiến về Nhà hát Lớn, giữa không khí cách mạng ngập tràn phố phường Hà Nội.

Trên từng con phố, từng góc nhỏ của mùa thu này, những ca khúc cách mạng vang lên, hòa cùng tiếng gió thu nhè nhẹ, làm cho lòng người thêm rộn ràng và tự hào. Ngày Quốc khánh 2/9, trong tim mỗi người dân Việt Nam như có thơ, có nhạc, mỗi người dân Việt Nam đều cảm nhận được khí thế cách mạng qua từng lời ca, giai điệu của những bài hát lịch sử ấy. Ðó không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là bản hùng ca bất diệt của dân tộc, là nguồn cảm hứng vô tận, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho các thế hệ mai sau. Trong nắng vàng của mùa thu Hà Nội, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Ðình, hòa trong lời hát vang vọng từ những ngày thu năm ấy cho đến tận hôm nay, mãi mãi là tài sản vô giá, là tiếng lòng của một dân tộc kiên cường, bất khuất, luôn khát khao hòa bình và tự do.

Hải Triều

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/hao-khi-cach-mang-trong-nhung-ca-khuc-viet-ve-ngay-quoc-khanh-2-9-3175046.html